3. Nhận dạng cơ hội nghiên cứu của luận án từ phần tổng quan tài liệu
1.3.1 Khái niệm năng lực lãnhđạo của giám đốc DNNVV
Trong bất cứ hoạt động nào của con người, để thực hiện có hiệu quả, con người cần phải có một số phẩm chất tâm lý cần thiết và tổ hợp những phẩm chất này được gọi là năng lực. Như vậy, khi nói đến năng lực cần phải hiểu năng lực không phải là một thuộc tính tâm lý duy nhất nào đó mà là sự tổng hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân đáp ứng được những yêu cầu hoạt động và đảm bảo hoạt động đó đạt được kết quả mong muốn. Năng lực là yếu tố tiềm ẩn trong mỗi con người, nó có
thể do bẩm sinh và cũng có thể do quá trình học tập, tích lũy và rèn luyện mà có được. Có thể chia năng lực thành nhiều dạng như: năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, năng lực tư duy…Trong các quan điểm đó, mô hình năng lực ASK là một mô hình phổ biến để thể hiện năng lực cá nhân của một con người. ASK là mô hình được sử dụng trong quản trị nhân sự nhằm đào tạo và phát triển năng lực cá nhân. Mô hình này đưa ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các chức danh công việc trong tổ chức dựa trên ba nhóm tiêu chuẩn chính: Phẩm chất hay thái độ (Attitude), Kỹ năng (Skills) và Kiến thức (Knowledges). Theo mô hình này, năng lực là tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, tố chất mà một cá nhân cần có.
Khi đề cập đến năng lực lãnh đạo là cả một quá trình mà tại đó một cá nhân có ảnh hưởng lên những người khác để họ hoàn thành một mục tiêu và một hướng dẫn nào đó theo phương cách nối kết với nhau sao cho có hiệu quả nhất. Theo Doh J.P [39], có nhiều quan niệm khác nhau về năng lực lãnh đạo:
- Năng lực lãnh đạo là khả năng tạo ra động lực và hứng khởi cho bản thân và sau nữa là truyền sự hứng khởi cho người khác.
- Năng lực lãnh đạo là khả năng giành được sự ủng hộ và nỗ lực tối đa từ các thành viên trong tổ chức.
- Năng lực lãnh đạo là tổng hợp các tố chất, kiến thức, hành vi thái độ, kỹ năng mà nhà lãnh đạo cần có để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
- Năng lực lãnh đạo là khả năng của cá nhân nhằm gây ảnh hưởng, thúc đẩy và khiến người khác cống hiến vì hiệu quả và thành công của tổ chức.
Như vậy có thể nhận thấy có nhiều cách tiếp cận khác nhau về năng lực lãnh đạo. Để thực hiện công việc chính của nhà lãnh đạo là tạo ra tầm nhìn cho tổ chức, truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng để mọi người thực hiện tầm nhìn đó, nhà lãnh đạo phải có những kiến thức, kỹ năng, tố chất, hành vi đặc biệt. Nhưng dựa trên mô hình ASK về năng lực mà chúng ta đã phân tích ở phần trước, năng lực lãnh đạo của giám đốc các DNNVV trong luận án được hiểu đó là sự tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, thái độ mà một giám đốc doanh nghiệp cần có trong hoạt động lãnh đạo bản thân, lãnh đạo đội ngũ cấp dưới, lãnh đạo tổ chức nhằm đạt được mục tiêu của doanh nghiệp đã định ra từ đầu.