Giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 34 - 36)

Để hiểu được nội hàm khái niệm “Giáo dục đạo đức”, trước hết cần hiểu khái niệm “Giáo dục”.

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra” [112, tr.394].

Giáo trình Giáo dục học đại cương cho rằng: “Giáo dục là hiện tượng xã hội đặc biệt, là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử - xã hội của các thế hệ loài người…” [158, tr.9].

Qua các định nghĩa trên, cho ta thấy: Xét về bản chất, giáo dục là quá trình tổ chức, tác động vào đối tượng giáo dục, nhằm giúp họ nhận thức đúng, xây dựng tình cảm và thái độ đúng, hình thành những thói quen, hành vi văn minh trong cuộc sống, phù hợp với những chuẩn mực mà xã hội thừa nhận. Xét về mặt phạm vi, giáo dục được hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau: Giáo dục theo nghĩa rộng là giáo dục xã hội, là hoạt động có mục đích của xã hội, với nhiều lực lượng giáo dục, tác động có hệ thống, có kế hoạch đến con người để hình thành những phẩm chất nhân cách; theo nghĩa hẹp, giáo dục là giáo dục trong nhà trường, là quá trình tác động có tổ chức, có kế hoạch, theo quy trình chặt chẽ của các nhà sư phạm trong nhà trường nhằm cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thái độ, xây dựng nhân cách theo mong muốn của xã hội; theo nghĩa rất hẹp, giáo dục được hiểu là quá trình bồi dưỡng để hình thành những phẩm chất cụ thể, thông qua việc tổ chức cuộc sống, hoạt động và giao lưu.

Có nhiều yếu tố tác động đến quá trình phát triển và hoàn thiện của mỗi con người, nhưng có thể khẳng định, giáo dục là yếu tố chủ yếu nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên” [93, tr.413].

Ngay từ rất sớm, vấn đề giáo dục đạo đức đã được loài người bàn đến. Thời cổ đại ở phương Tây coi giáo dục đạo đức là yếu tố rất quan trọng, đóng vai trò chi phối quá trình giáo dục tri thức. Ở phương Đông đồng nhất giáo dục đạo đức với giáo dục nhân cách, coi giáo dục đạo đức như là quá trình giáo dục nhân cách - là quá trình giáo dục cách ứng xử ở đời và đạo lý làm người.

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức là một quá trình tác động vào con người để hình thành nên những phẩm chất đạo đức tốt đẹp ở con người. Người

đã từng nói về việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” [105, tr.612].

Bản chất của giáo dục đạo đức là một quá trình tổ chức, hướng dẫn, kích thích hoạt động tích cực của người được giáo dục, giúp họ nhận thức được nội dung của các giá trị đạo đức, từ đó, hình thành nên hệ thống thái độ và hành vi của cá nhân, phù hợp với chuẩn mực, giá trị đạo đức của cộng đồng và xã hội.

Giáo dục đạo đức góp phần nâng cao khả năng nhận thức các giá trị, chuẩn mực đạo đức cho mỗi người thông qua việc chuyển các quan niệm đạo đức từ tự phát sang tự giác, từ bị động sang chủ động. Giáo dục đạo đức nhằm giữ gìn, phát huy những giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống và góp phần tạo ra những giá trị, chuẩn mực đạo đức mới. Đồng thời, giáo dục đạo đức góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái về đạo đức, các hiện tượng phi đạo đức, sự lệch chuẩn các giá trị nhân cách, quan niệm đạo đức lạc hậu đang diễn ra trong đời sống, xã hội. Giáo dục đạo đức còn góp phần vào việc truyền lại cho thế hệ sau những chuẩn mực, giá trị đạo đức truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng và gìn giữ.

Bằng con đường giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng sẽ góp phần hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho mỗi con người.

Như vậy, giáo dục đạo đức được hiểu là sự tác động một cách tích cực của chủ thể đến đối tượng giáo dục để hình thành trong họ ý thức, tình cảm, niềm tin, lý tưởng đạo đức và thông qua sự tác động này, đối tượng giáo dục tự biến đổi bản thân mình, tự hoàn thiện những phẩm chất đạo đức, năng lực phù hợp yêu cầu đề ra.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 34 - 36)