Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 46 - 49)

Tấm gương trọn đời phấn đấu, hi sinh vì dân, vì nước

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về lòng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Ngay từ rất sớm, khi chứng kiến nỗi đau của

dân tộc, nỗi mất mát của nhân dân, Hồ Chí Minh đã lựa chọn và xác định cho mình một mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn, hiến dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc và cách mạng. Khi đất nước giành được độc lập, Người “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý” [94, tr.187], chỉ có một ham muốn “…ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” [105, tr.627]. Đến lúc từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc lớn nhất của Người là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Là lãnh tụ của dân tộc, với tư cách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân: Lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ. Người gắn bó với đồng bào theo đúng nghĩa anh em, chị em, con cháu. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh đã giành cho dân, cho nước.

Tấm gương vì nước, vì dân, vì nhân loại của Hồ Chí Minh không những được nhân dân ta ghi nhận và ca ngợi, mà còn có sức lan tỏa lớn đối với nhân dân thế giới. Họ đã dùng những lời đẹp đẽ và trang trọng để ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhà cách mạng triệt để”, “nhà hoạt động quốc tế thần thoại”, “một tấm gương sáng chói những phẩm chất đạo đức cách mạng và nhân đạo cao cả nhất” [106, tr.76].

Tấm gương của ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt mục tiêu cách mạng

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Song với ý chí và nghị lực phi thường, Người luôn kiên trì mục đích của cuộc sống, bảo vệ chân lý, giữ vững quan điểm, khí phách, bình tĩnh, chủ động vượt qua mọi thử thách. Vì muốn tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc mà chàng thanh niên 21 tuổi đã ra đi với hai bàn tay trắng, chịu biết bao thiệt thòi, làm đủ các nghề để kiếm sống,

có những lúc cận kề cái chết, chịu sự theo dõi của bọn mật thám, vào tù, đi hết nơi này đến nơi khác để tìm ra chân lý. Người tự răn mình: “Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần phải càng cao” [93, tr.305]. Chính vì vậy, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Hồ Chí Minh đã trở về mang theo con đường giải phóng dân tộc, lãnh đạo dân tộc Việt Nam, chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ thắng lợi.

Tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, lấy dân làm gốc, luôn nhân ái, vị tha, khoan dung, hết mực vì con người.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” [100, tr.453]. Tình yêu thương bao la đối với con người ở Hồ Chí Minh gắn liền với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh và trí tuệ của nhân dân. Người là lãnh tụ luôn có niềm tin không hề thay đổi rằng dân chúng rất tốt, rất sáng suốt, rất khôn khéo, rất anh hùng. Đồng thời, Người luôn luôn thương yêu, kính trọng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, cảm thông, sẻ chia với mỗi người những nỗi đau riêng. Với tấm gương luôn tin tưởng vào nhân dân, lấy dân làm gốc, yêu thương, quí trọng và khoan dung với con người, Hồ Chí Minh có sức cảm hóa lớn với nhân dân và quy tụ được toàn thể nhân dân trong khối đại đoàn kết, tạo thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù và xây dựng đất nước.

Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị

Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực nhất trong việc thực hiện những phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, chiến đấu và sản xuất. Khi ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 21, hành trang của Người chỉ có hai bàn tay trắng, với đức tính cần cù, siêng năng, Người đã vượt qua rất nhiều khó khăn để sống, hoạt động cách mạng và không

ngừng học tập, rèn luyện để tích lũy tri thức. Trong bất kì hoàn cảnh nào, trên cương vị nào Hồ Chí Minh luôn nêu cao lối sống tiết kiệm, giản dị, khiêm tốn. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương thực hành chữ “liêm”, chữ “chính”, “chí công vô tư”, luôn luôn trong sạch, ngay thẳng; không tham tiền tài, không tham danh vị; luôn vì tập thể, hi sinh lợi ích cá nhân; cả cuộc đời chỉ phấn đấu cho một mục tiêu vì dân, vì nước. Người chính là biểu tượng của sự giàu sang không quyễn rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục.

Như vậy, đạo đức Hồ Chí Minh biểu hiện ở những giá trị cơ bản nhất của tư tưởng đạo đức và quá trình thực hành đạo đức. Bên cạnh việc chỉ ra nội dung đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh còn có những chỉ dẫn rất cụ thể để giáo dục đạo đức, thực hành đạo đức.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 46 - 49)