Sự cần thiết phải giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 49 - 53)

Sinh viên là lớp người có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Muốn phát huy vai trò sinh viên cần quan tâm giáo dục sinh viên một cách toàn diện. Trong đó, giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng là nhiệm vụ cơ bản, nền tảng. Vì vậy, giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên là rất cần thiết, xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của đạo đức và đạo đức Hồ Chí Minh

Với tư cách là những quy tắc, chuẩn mực, những thang bậc giá trị nhằm điều chỉnh hành vi của con người, đạo đức có vai trò rất quan trọng trong mọi xã hội. Trong lịch sử phát triển của loài người, xã hội không lúc nào vắng bóng hay thiếu sự hiện diện của đạo đức. Đạo đức là một trong những phương thức cơ bản để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, của cả cộng đồng và mối quan hệ giữa người và người trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội; góp phần

làm cho con người sống nhân đạo, nhân văn. Vì vậy, xã hội càng tiến bộ, khoa học - kỹ thuật càng phát triển càng cần đến đạo đức.

Đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi người theo hướng chân, thiện, mỹ - là điều kiện đề hình thành xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhân ái.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm về vị trí, vai trò, về phẩm chất đạo đức mới và phương pháp rèn luyện đạo đức. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở để các tầng lớp nhân dân tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, là cơ sở cho những chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người Việt Nam hiện tại và tương lai, là cơ sở để xây dựng những nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện của con người Việt Nam hiện đại.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua hoạt động cách mạng, qua lối sống, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày, qua các mối quan hệ với mọi người xung quanh, với công việc. Ở Hồ Chí Minh, đạo đức quan trọng là thực hành đạo đức, nêu gương đạo đức trong lao động, trong học tập, trong đấu tranh cho lẽ phải, cho cái hay, cái tốt nảy nở, còn cái xấu thì mất dần đi. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một con người vĩ đại, một lãnh tụ cách mạng lỗi lạc, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhưng cũng là tấm gương đạo đức của một con người bình thường, gần gũi ai cũng có thể học tập và làm theo.

Đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc Việt Nam. Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, liên tục, lâu dài của Đảng ta. Chỉ thị số 05-CT/TW (2016) của Đảng, nêu:

Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội… [47, tr.1].

Vì vậy, sinh viên cần tích cực học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh để trở thành một người công dân tốt, xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước.

Thứ hai, xuất phát từ vị trí, vai trò của thanh niên sinh viên đối với sự phát triển của đất nước

Thanh niên là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, giữ vị trí và vai trò hàng đầu, là một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Thanh niên là độ tuổi dồi dào về thể chất và trí tuệ, luôn năng động, tìm tòi cái mới, khám phá, sáng tạo, là lực lượng đóng góp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm nhận những công việc đòi hỏi lòng nhiệt tình, sức khỏe, sự hy sinh, gian khổ. Hồ Chí Minh rất đề cao vị trí, vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước. Người coi thanh niên là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước: “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” [95, tr.216]. Thanh niên là lực lượng xung kích của cách mạng, là cánh tay đắc lực, đội hậu bị tin cậy của Đảng. Người viết: “trong mọi công việc thanh niên ta luôn luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng” [103, tr.30]. Đồng thời, thanh niên có vai trò rất lớn trong việc tổ chức, hướng dẫn, dìu dắt thiếu niên, nhi đồng, giúp các em học tập, vui chơi, lành mạnh. Người viết: “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng” [103, tr.298].

Xuất phát từ vai trò quan trọng của thanh niên, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên nhằm giúp họ trở thành những người cách mạng chân chính, người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ tương lai của đất nước. Trong “Di Chúc”, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội

vừa “hồng” vừa “chuyên”” [105, tr.622], “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [105, tr.612]. Công tác giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chú ý đến cả hai yếu tố đức và tài, trong đó đạo đức phải là gốc.

Thứ ba, xuất phát từ thực trạng đạo đức, lối sống của sinh viên hiện nay

Sinh viên là lực lượng trẻ tuổi, lực lượng dự bị cho đội ngũ trí thức

trong tương lai nhưng cũng là những người còn non nớt, thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động. Xã hội ngày càng phát triển, cơ hội giao lưu, hợp tác ngày càng được mở rộng, đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, sự du nhập các giá trị văn hóa, đạo đức từ bên ngoài sẽ mạnh hơn, nhanh hơn. Sự tác động tiêu cực của yếu tố bên ngoài đã khiến một bộ phận không nhỏ sinh viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống như: phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu; trong học tập còn có hiện tượng quay cóp, chạy điểm, chạy bằng, thờ ơ với các sinh hoạt đoàn thể; vì ngại khó, ngại khổ, nên thực dụng trong việc chọn ngành nghề; một số thích lối sống chạy theo đồng tiền, hưởng thụ, đua đòi, ăn chơi, buông thả, dẫn đến vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và sa vào các tệ nạn xã hội... Những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống này không chỉ gây nguy hại đến đời sống xã hội hiện tại, mà còn ảnh hưởng xấu đến tương lai của đất nước và bản thân sinh viên.

Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng âm mưu phá hoại sự nghiệp cách mạng nhân dân ta. Bằng “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, các thế lực thù địch tấn công trên nhiều phương diện, nhưng tập trung chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nhằm làm xói mòn niềm tin của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm ảnh hưởng tới các giá trị đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Sinh viên chính là một trong những đối tượng trực tiếp của kẻ thù hướng tới. Kẻ thù lợi dụng những

điểm yếu của sinh viên, dùng mọi thủ đoạn nhằm lôi kéo, kích động sinh viên xa rời cội nguồn, sống quay lưng lại với chế độ, với nhân dân, với dân tộc, khuyến khích sinh viên tìm đến sự hưởng thụ mà không có mục đích sống cao đẹp... Chính vì vậy, công tác giáo dục đạo đức nói chung, giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ngày càng trở nên cấp thiết. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, ngày 24/3/2015, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(193 trang)
w