Kết hợp giữa học đi đôi với hành, nêu gương người tốt, việc tốt

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 62 - 63)

tốt

Trong nhà trường, các hoạt động giáo dục rất phong phú và đa dạng. Học đi đôi với hành là một phương pháp cơ bản của giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, học phải luôn gắn bó hữu cơ, không tách rời hành, học để ứng dụng vào thực tiễn đa dạng và phong phú. Người nói: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” [98, tr.361]. Đối với sinh viên, thực hiện “học đi đôi với hành” trong mọi hoạt động của mình như: trong học tập, trong sinh hoạt, trong lao động, trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, Người cũng phê phán lối học suông, học vẹt, học gạo: “Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt… Học phải suy nghĩ, phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành” [104, tr.402]. Quan điểm đó của Hồ Chí Minh trở thành nguyên lí giáo dục cơ bản của Đảng và Nhà nước ta.

Để giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh trước hết cần gắn với hoạt động giảng dạy, thông qua việc giảng dạy môn học, trong đó môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là nòng cốt. Bên cạnh việc dạy học trên lớp, giảng viên cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giáo dục sinh viên. Như vậy, thông qua hình thức này sẽ gắn kết chặt chẽ giữa học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giúp sinh viên có ý thức tu dưỡng theo đạo đức Hồ Chí Minh.

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên là quá trình xây dựng đạo đức mới, do đó phải đấu tranh loại trừ những biểu hiện đạo đức giả ra khỏi xã hội, thay vào đó là những tấm gương đạo đức trong sáng của những con người mới xã hội chủ nghĩa. Để đào tạo ra lớp sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, trong giáo dục cần thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt. Hồ Chí Minh cho rằng: Nêu gương người tốt, việc tốt “là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục lớn” [105, tr.665]. Những gương người tốt, việc tốt là những tấm gương trong lớp, trong trường và ngoài xã hội. Thực hiện giáo dục bằng việc nêu gương, bản thân mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những tấm gương mẫu mực về tu dưỡng, rèn luyện theo đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên noi theo. Nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ em” [102, tr.270]. Nhà trường, các đoàn thể cần tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân sinh viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện, trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là một trong những cách tốt nhất để tạo ra những sinh viên vừa “hồng” vừa “chuyên” cho xã hội mới.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 62 - 63)