Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 137 - 141)

ngoại khóa, trải nghiệm

Bên cạnh giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giờ học, các hoạt động ngoại khóa là một biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh gắn liền với những địa danh, những sự kiện lịch sử, nhân chứng lịch sử. Hoạt động ngoại khóa sẽ giúp sinh viên hiểu và có tình cảm sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là biện pháp còn yếu và thiếu đối trong giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên tại Đại học Thái Nguyên.

Hoạt động giáo dục ngoại khóa có nội dung, hình thức rất phong phú và đa dạng, thể hiện qua các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội, văn nghệ, thể dục, thể thao, tham quan, lao động … Thông qua những hoạt động này, kiến thức tiếp thu được trên lớp có cơ hội được áp dụng vào thực tế, đồng thời nâng cao hứng thú, say mê học tập cho sinh viên. Trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên cần tiến hành một số hình thức ngoại khóa, trải nghiệm sau:

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua hình thức tuyên truyền, tọa đàm, chiếu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hình thức cần được các trường trong Đại học Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện như khẩu hiệu tuyên truyền bằng băng zôn, biểu ngữ, áp phích, website của trường, tổ chức tọa đàm, trao đổi về học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân các sự

kiện lớn của đất nước, trong Đại học Thái Nguyên nên tổ chức chiếu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các trường. Nội dung là các phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về đề tài chiến tranh Việt Nam, nhất là những phim tư liệu mới được công bố. Một số phim tiêu biểu có thể tổ chức chiếu cho sinh viên như: Hồ Chí Minh - Chân dung một con người; Việt Nam - Cuộc chiến mười ngàn ngày; Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ thế kỷ XXI; Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh; Những hình ảnh Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số của nước Pháp… Giảng viên cần kết hợp cho sinh viên thảo luận về nội dung phim hoặc giao lưu với đạo diễn, diễn viên, tạo nên sự hứng thú cho sinh viên.

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua hình thức tham quan. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc gắn liền lý luận với thực tiễn. Người yêu cầu thanh niên, sinh viên ngoài học tập trong sách vở cần đi sâu đi sát, xâm nhập thực tiễn. “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn”, “Lý luận không có thực tiễn là lý luận suông”... là để chỉ điều đó. Thực tiễn phong phú và biến chuyển không ngừng, sách vở không phải lúc nào cũng đề cập đủ cũng như theo kịp những biến chuyển đó. Bởi vậy, tổ chức các buổi ngoại khóa tham quan để sinh viên tiếp cận thực tiễn là rất cần thiết nhằm thực hiện lời dạy học đi với hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giảng viên có thể tổ chức cho sinh viên tham quan, học tập tại những địa điểm gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: ATK Định Hóa, Tân Trào, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác, quê Bác… và những địa danh lịch sử khác. Sau mỗi buổi tham quan, giảng viên yêu cầu sinh viên có bài thu hoạch về cảm nghĩ của mình theo chủ đề đã xây dựng. Đây là hình thức giáo dục sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn tác động mạnh đến nhận thức và hành động của sinh viên.

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua tổ chức ngày hội đọc sách, triển lãm ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức ngày hội đọc sách

là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò của việc đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong sinh viên Đại học Thái Nguyên và giúp họ có thêm sự hiểu biết về đạo đức Hồ Chí Minh. Nội dung của hoạt động này là trưng bày và giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh của tác giả trong và ngoài nước đến sinh viên. Đặc biệt là những cuốn sách, tư liệu phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để đạt được hiệu quả, các trường trong Đại học Thái Nguyên cần tổ chức một cách thường xuyên, định kỳ, bổ sung nguồn sách và tư liệu về Hồ Chí Minh trong các thư viện và trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên.

Tổ chức triển lãm ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại hiệu quả cao, tác động trực tiếp đến nhiều giác quan của sinh viên. Những hình ảnh thực tế, sinh động dễ khắc sâu trong tâm trí sẽ tác động lớn đến nhận thức và hành động của sinh viên. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, hoạt động này đòi hỏi phải chuẩn bị tư liệu công phu và chi phí tiến hành lớn. Để có nguồn tư liệu ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên có thể hợp tác với một số bảo tàng ở Hà Nội (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Hà Nội..v.v...) hoặc các bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tiến hành triển lãm tại nơi thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Thời gian tiến hành có thể kéo dài một tuần hoặc dài hơn, tuỳ vào tính chất sự kiện và nguồn tư liệu hiện có.

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên qua hình thức tổ chức thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi Olympic Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hình thức một cuộc thi sẽ tạo nên không khí thi đua, tranh tài, qua đó tạo sự hứng thú cho sinh viên trong việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh.

Thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Thí sinh tuỳ chọn một câu chuyện mà mình tâm đắc, có thể tiến hành nhiều vòng thi, từ sơ khảo đến chung khảo. Sinh viên đạt giải cao nhất có thể cử đi dự thi ở cấp cao hơn.

Hình thức này giúp cho sinh viên dự thi và khán giả là sinh viên biết được những câu chuyện giản dị nhưng rất cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, tác động đến tình cảm, tâm tư của sinh viên. Đây là một hình thức thi truyền thống, được tiến hành nhiều năm với các cấp độ từ trung ương đến cơ sở và đem lại hiệu quả. Trong Đại học Thái Nguyên, hình thức này đã được tiến hành và thu được một số kết quả khả quan, tuy nhiên, mới dừng lại ở các cuộc thi của đảng viên, cán bộ, giảng viên mà chưa tổ chức cho sinh viên.

Thi viết tìm hiểu về các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Qua thực tiễn tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Chỉ thị 05/CT-TW về “Học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong năm học 2016 - 2017, có nhiều sinh viên hưởng ứng tham gia. Điều đó chứng tỏ hình thức này lôi cuốn được sinh viên, vì sinh viên có thể bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình cũng như sự chuẩn bị công phu về kiến thức. Vì vậy, trong thời gian tới Đại học Thái Nguyên cần nhân rộng mô hình này đến các trường. Về cách thức tiến hành, các trường cần thành lập Ban tổ chức, Ban Giám khảo và xây dựng tiêu chí đánh giá bài viết cũng như trao giải thưởng một cách khách quan, công bằng, tổ chức tổng kết để động viên, khích lệ sinh viên.

Thi Olympic Tư tưởng Hồ Chí Minh: Cuộc thi sẽ giúp cho sinh viên nắm được tri thức tương đối hệ thống, toàn diện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạo đức Hồ Chí Minh. Có thể tổ chức cho sinh viên các lớp trong khoa hoặc giữa sinh viên các khoa trong trường với nhau. Hình thức thi là sân khấu hoá, xen kẽ nhiều phần chơi: tài năng, vấn đáp, trả lời câu hỏi và văn nghệ…

Như vậy, thông qua hoạt động Đoàn, Hội, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm rất đa dạng và phong phú sẽ giúp sinh viên Đại học Thái Nguyên hiểu hơn những kiến thức đã học về Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, giúp sinh viên có những trải nghiệm, hành động thiết thực làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện được kĩ năng, thái độ, cách ứng xử đúng đắn.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 137 - 141)