Mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên trong nhà trường với hạn chế của đội ngũ

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 109 - 111)

Hồ Chí Minh cho sinh viên trong nhà trường với hạn chế của đội ngũ giảng viên Đại học Thái Nguyên và thực tiễn đời sống xã hội

Đội ngũ giảng viên là chủ thể trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. Trong những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đa số giảng viên là những người yêu nghề, tâm huyết, có năng lực, phẩm chất. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đội ngũ giảng viên còn bộc lộ nhiều khuyết điểm như: một bộ phận giảng viên trong Đại học Thái Nguyên do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, đời sống còn nhiều khó khăn, chạy theo lối sống vật chất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến niềm tin của sinh viên; sự suy thoái về phẩm chất chính trị, lối sống của một bộ phận giảng viên trong Đại học Thái Nguyên như tham ô, lãng phí, hạch sách sinh viên... Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, việc giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên chưa được đội ngũ giảng viên quan tâm đúng mức. Một số giảng viên chưa gương mẫu trong việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, nên chưa tạo được niềm tin cho sinh viên. Giảng viên giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ít được đào tạo cơ bản, dạy không đúng chuyên ngành được đào tạo. Trong quá trình giảng dạy, nhiều giảng viên còn cho rằng môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là môn phụ nên thiếu đầu tư cho bài giảng, còn có tư tưởng dạy cho xong bài, hết tiết... Vì vậy, để giải quyết được những bất cập, hạn chế này, Đại học Thái Nguyên cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng của đạo đức Hồ Chí Minh và giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên; đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để họ xứng đáng là tấm gương “người thầy” cho sinh viên học tập và noi theo.

Một trong những vấn đề gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Đại học Thái Nguyên hiện nay là mâu

thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh trong nhà trường và thực tiễn đời sống xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tiếp nhận những giá trị đạo đức Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền đạo đức mới, con người mới cho mỗi sinh viên là nhu cầu cấp thiết. Trong Đại học Thái Nguyên, các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, giảng viên và bản thân sinh viên đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Tuy nhiên, do sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của xu thế toàn cầu hóa, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho thực tiễn xã hội đang có nhiều biến đổi phức tạp, nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí đi ngược lại với những giá trị, chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh mà sinh viên được học trong nhà trường. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện con người. Trong xã hội, nhiều giá trị đạo đức nói chung và đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng được tiếp nhận và hiện thực hóa như yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, yêu thương con người... Bên cạnh việc hình thành những con người yêu nước, biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác thì vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ những con người có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, chạy theo lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân dẫn đến sự vô cảm giữa những con người trong xã hội. Đó là sự thờ ơ trước sự mất mát, hi sinh của các thế hệ cha ông đi trước để bảo vệ nền độc lập cho đất nước, thái độ lạnh lùng với những người có hoàn cảnh khó khăn như trẻ mồ côi, người già, người khuyết tật, vì đồng tiền mà chà đạp lên tình yêu, tình bạn, tình thân; vì tiền có thể đánh đổi tất cả, sự vô cảm trước nỗi đau của người khác... Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nêu 27 biểu hiện suy thoái) đã ảnh hưởng đến nhận thức của sinh viên. Tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí diễn ra nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp bị xử lý, kỉ luật đã làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của sinh

viên. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay còn nhiều bất cập như sự phân hóa giàu, nghèo, bất bình đẳng trong xã hội... Những biểu hiện đó đang hàng ngày diễn ra trong xã hội đã tác động tiêu cực đến sinh viên.

Thực tiễn đời sống xã hội rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh những yếu tố tích cực, những hiện tượng tiêu cực đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh như trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương con người... mà sinh viên Đại học Thái Nguyên được học. Thực tế này gây khó khăn trong công tác giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Đại học Thái Nguyên đòi hỏi cần được giải quyết để hoạt động giáo dục này có kết quả cao hơn.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 109 - 111)