Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua vai trò đội ngũ giảng viên trong Đại học Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 89 - 93)

giảng viên trong Đại học Thái Nguyên

Đội ngũ cán bộ, giảng viên đóng vai trò rất lớn trong giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. Tấm gương đạo đức người giảng viên là hình mẫu cho sinh viên noi theo. Đa số cán bộ, giảng viên trong Đại học Thái Nguyên là những người yêu nghề, có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, có năng lực, phẩm chất, xứng đáng là những tấm gương cho sinh viên học tập, noi theo.

Những năm gần đây, Đại học Thái Nguyên chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Đa số cán bộ, giảng viên có lập trường tư tưởng, bản

lĩnh chính trị vững vàng. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ IV (nhiệm kỳ 2010 - 2015) nhận định:

Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được quan tâm. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ được Ban Tổ chức Trung ương cho phép mở lớp và cử được 100 cán bộ chủ chốt tham gia học tập Cao cấp lý luận chính trị tại Đại học, đồng thời cử cán bộ đi học chính trị tại các lớp ngoài Đại học và đã có 11 đồng chí được cấp bằng cao cấp lý luận chính trị [37, tr.5].

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ, giảng viên, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên, đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên từ 2010 - 2015 như sau:

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra: đã cử được 532 cán bộ đi học nghiên cứu sinh, 734 cán bộ đi học cao học; đã có 298 cán bộ tốt nghiệp tiến sĩ, nâng số cán bộ có trình độ tiến sĩ của Đại học lên 463 người, đạt 16,43% giảng viên; 690 cán bộ tốt nghiệp thạc sĩ và tương đương, nâng số cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học lên 2.122 người, đạt 75,18%; 58 giảng viên được bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư, nâng số lượng giáo sư và phó giáo sư lên 110 người, đạt 3,81% giảng viên; 574 giảng viên đạt chuẩn tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020, đạt 20,32% giảng viên; 1.446 cán bộ, giảng viên đạt trình độ tin học quốc tế IC3, chiếm 50,9% số cán bộ, giảng viên trong độ tuổi theo quy định [37, tr.3].

Năm học 2016 - 2017, Đại học Thái Nguyên có 4.400 cán bộ viên chức, trong đó có 2.800 cán bộ giảng dạy với 110 Giáo sư và Phó giáo sư, 454 tiến sĩ. Năm học 2017 - 2018, Đại học Thái Nguyên có 4.146 cán bộ viên chức, trong đó có 2.621 cán bộ giảng dạy với 154 Giáo sư và Phó giáo sư, 712 tiến sĩ, 28 Nhà Giáo nhân dân và Nhà Giáo ưu tú, 2 thầy cô được phong tặng Anh hùng lao động, 15 chiến sĩ thi đua toàn quốc [120]. So với năm học 2016 - 2017, thì

năm học 2017 - 2018, số cán bộ là giảng viên giảm từ 2.800 còn 2.62, nhưng số giảng viên có học hàm, học vị tăng tăng: Giáo sư và Phó giáo sư tăng lên 44 người, tiến sĩ tăng 258 người.

Trong giảng dạy, đội ngũ giảng viên Đại học Thái Nguyên tích cực đổi mới phương pháp để đáp ứng yêu cầu vừa truyền thụ kiến thức vừa hình thành thái độ, ý thức đạo đức cho sinh viên. Với phương pháp giảng dạy tích cực, thông qua giảng dạy trên lớp, giảng viên đã lồng ghép giáo dục cho sinh viên lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu gia đình, yêu thương con người, đưa sinh viên vào nề nếp, kỉ luật, đồng thời, phối hợp với khoa chủ quản, đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, đoàn kết, giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, đa số giảng viên Đại học Thái Nguyên có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, tích cực học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo.

Đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh… trong Đại học Thái Nguyên cũng có sự phát triển. Đại bộ phận đội ngũ giảng viên dạy các môn Lý luận chính trị, môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có phẩm chất chính trị vững vàng, say mê, nhiệt huyết với nghề, gương mẫu về đạo đức lối sống. Có 12 trong số 28 giảng viên tham gia dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh được đào tạo đúng chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên này góp phần giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối, chủ trương của Đảng, qua đó, khơi dậy cho sinh viên khát vọng sống có ích cho cộng đồng và đất nước.

Như vậy, với sự nỗ lực vươn lên trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tu dưỡng đạo đức, đội ngũ giảng viên Đại học Thái Nguyên đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường. Khảo sát đội ngũ giảng viên với câu hỏi “Chất lượng đội ngũ giảng viên ở trường mà thầy, cô đang công tác đã đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo

dục hay chưa?”, thì có 31.4% giảng viên trả lời “đáp ứng tốt yêu cầu”, có 61% giảng viên trả lời “đáp ứng yêu cầu”.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đội ngũ giảng viên còn bộc lộ một số khuyết điểm. Một bộ phận giảng viên trong Đại học Thái Nguyên do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, cùng với đời sống còn nhiều khó khăn, chạy theo lối sống vật chất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến niềm tin của sinh viên. Quy mô tuyển sinh những năm gần đây của Đại học Thái Nguyên liên tục giảm, do đó thu nhập giảng viên giảm, đời sống giảng viên gặp nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ. Vì vậy, nhiều giảng viên vừa đi dạy, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống. Sự tâm huyết, đầu tư cho giảng dạy cũng giảm đi. Bên cạnh đó, sự suy thoái về phẩm chất chính trị, lối sống của một bộ phận giảng viên trong Đại học Thái Nguyên như tham ô, lãng phí, hạch sách sinh viên... đã làm cho bản thân các thầy cô không còn là tấm gương để sinh viên noi theo. Khảo sát có 7.6% giảng viên cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh đúng chuyên ngành còn thiếu. Qua thống kê tại các trường Đại học Thái Nguyên, trong số 28 giáo viên đang tham gia giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, có 12 giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành (chiếm 42.8%), còn lại từ các chuyên ngành khác chuyển sang như: Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đồng thời, số giảng viên giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh có trình độ tiến sĩ còn ít (5 tiến sĩ, chiếm 17.8%). Trong quá trình giảng dạy, nhiều giảng viên còn cho rằng môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là môn phụ nên thiếu đầu tư cho bài giảng, còn có tư tưởng dạy cho xong bài, hết tiết... Một số giảng viên chưa gương mẫu trong việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, nên chưa tạo được niềm tin cho sinh viên.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 89 - 93)