Giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 60 - 62)

Tấm gương được hiểu một cách chung nhất là biểu hiện của những người có nhân cách, đạo đức sống tốt đẹp, là mẫu mực để người khác noi theo. Hồ Chí Minh rất đề cao vai trò của tấm gương, Người nói: “… một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [91, tr.284].

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất nhiều bài biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, để mọi người học tập và noi theo, nhất là đối với thế hệ trẻ. Những tấm gương trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung… Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng… Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược như: Mạc Thị Bưởi, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Cù Chính Lan, Phan Đình Giót… Trong bài viết đăng trên báo Nhân dân, ngày 10/01/1967, Hồ Chí Minh biểu dương 111 anh hùng, trong đó có 44 thanh niên. Người nói: “Anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Là những người đày tớ thật trung thành của nhân dân, của giai cấp” [97, tr.379]. Hồ Chí Minh chủ trương

“Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau” [105, tr.672] nhằm giáo dục cho thanh niên, sinh viên. Những bài viết của Hồ Chí Minh có tác dụng động viên nhân dân ta tích cực chiến đấu, lao động, học tập, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Bên cạnh việc nêu các tấm gương để thanh niên, sinh viên noi theo, bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng. Đó là: tấm gương trọn đời phấn đấu, hi sinh vì dân, vì nước; tấm gương của ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt mục tiêu cách mạng; tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, lấy dân làm gốc, luôn nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người; tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong sáng, giản dị.

Đối với sinh viên, Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự học. Người lấy tự học làm gốc, làm phương thức chủ yếu tiếp nhận tri thức và nâng cao trình độ của bản thân. Tấm gương tự học của Hồ Chí Minh được hình thành trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phản ánh trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của Người. Tấm gương tự học của Hồ Chí Minh là tấm gương về ý chí tự học. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, khó khăn nào, cương vị nào, Người luôn nêu cao tinh thần học hỏi. Nói về ý chí tự học, phải kể đến tấm gương tự học ngoại ngữ của Hồ Chí Minh. Người biết nhiều ngoại ngữ, trong đó thành thạo các thứ tiếng như: Trung, Anh, Pháp, Nga, Đức… Tấm gương tự học của Hồ Chí Minh là tấm gương về phương pháp tự học. Tự học ở Hồ Chí Minh là kiên trì, sáng tạo, tiêu biểu như cách Người học viết báo. Lúc đầu Người viết ngắn, chỉ vài dòng, dần dần kéo dài tin thành cả cột báo. Sau khi viết được dài, Người lại học cách viết ngắn lại sao cho thật gọn gàng, súc tích. Với phương pháp như vậy, Người đã trở thành chủ bút của nhiều tờ báo và để lại một di sản lớn các tác phẩm báo chí. Tự học ở Người là sự kết hợp thực tế cuộc sống và hoạt động cách mạng, lấy

lao động làm cơ sở cho tự học. Tấm gương tự học của Hồ Chí Minh là tấm gương tự học suốt đời. Đối với Người, tự học không chỉ thực hiện trong một thời gian, một lĩnh vực mà là tự học suốt đời, tự học để hoàn thiện mình. Chính nhờ tự học và tự học suốt đời đã giúp Hồ Chí Minh có một tầm hiểu biết rộng lớn Đông, Tây, kim, cổ, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trí tuệ uyên bác.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 60 - 62)