Phương thức xác định thẩm quyền của chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 44 - 48)

chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp

Phương thức xác định thẩm quyền của CSH và đại diện CSH vốn nhà nước trong doanh nghiệp được thực hiện dựa trên các nguyên tắc xuất phát từ yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn vốn mà Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và các chủ thể được lựa chọn làm đại diện CSH vốn nhà nước trong doanh nghiệp.

Với tư cách là một trong những CSH điều kiện sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có đầy đủ các quyền năng của CSH. Chủ sở hữu là người hoặc tổ chức có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và hưởng thụ tài sản trên cơ sở quy định của pháp luật [125]. Chủ sở hữu là chủ của các nguồn lực, trong doanh nghiệp họ là CSH doanh nghiệp và các cổ đông. Trong các doanh nghiệp, các giám đốc, quản lý và người làm công là người được ủy quyền (được thuê) để tối đa hóa lợi nhuận từ doanh nghiệp cho CSH. Hội đồng quản trị thường bao gồm các cổ đông lớn nắm cổ phiếu của doanh nghiệp, HĐQT là đại diện trực

tiếp của CSH doanh nghiệp. Công ty nhà nước được tổ chức quản lý theo mô hình có hoặc không có HĐQT. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của CSH nhà nước tại tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có HĐQT, có quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của công ty, v.v. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước người quyết định thành lập tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có HĐQT, người bổ nhiệm và trước pháp luật về mọi hoạt động của tổng công ty, công ty. Tuy nhiên các HĐQT công ty chỉ là một trong các cấp độ đại diện của CSH, trên đó nhà nước là CSH, mà Chính phủ là cơ quan đại diện hoặc Chính phủ phân cấp cho các cơ quan trực thuộc thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện CSH

vốn nhà nước trong các doanh nghiệp.

Bộ Luật Dân sự 2005 quy định: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người đại diện cho nhân dân quản lý, nắm giữ những tư liệu sản xuất, là CSH đối với tài sản và Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với các tài sản đó [104, Điều 200]. “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền của CSH đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu Nhà nước” [104, Điều 201]. “Khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước được đầu tư vào DNNN thì Nhà nước thực hiện quyền của CSH đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước có quyền quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp” [104, Điều 203].

Theo Lý thuyết người đại diện (Principle-Agent Theory, ra đời vào đầu những năm 1970 khi các nhà kinh tế nghiên cứu việc phân chia rủi ro giữa người ủy quyền và người đại diện do họ có mục tiêu và sự phân công lao động khác nhau), Chủ sở hữu là chủ của các nguồn lực, Người đại diện là người được ủy quyền của CSH nguồn lực và được CSH nguồn lực trao một số quyền quản lý nhất định đối với nguồn lực của CSH nhằm phục vụ lợi ích của CSH. Mối quan hệ giữa CSH doanh nghiệp và nhà quản lý doanh nghiệp, khi mà CSH cho phép nhà quản lý thay mặt mình điều hành các hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các công ty TNHH và công ty cổ phần, quan hệ đại diện đã dẫn tới sự tách biệt

giữa sở hữu doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, sẽ đem đến những thuận lợi, đồng thời sẽ dẫn tới vấn đề về xung đột lợi ích giữa nhà quản lý và các CSH. Xung đột lợi ích giữa CSH và nhà quản lý doanh nghiệp được đề cập lần đầu tiên bởi Michael C.Jensen và William H.Meckling (1976), bắt nguồn từ việc tách rời việc sở hữu doanh nghiệp và việc quản lý doanh nghiệp. Mục tiêu của các CSH là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, nghĩa là tối đa hóa giá trị thị trường của vốn cổ phần doanh nghiệp. Các nhà quản lý lại hướng đến các mục tiêu trong ngắn hạn: tăng doanh số, tăng thị phần, tối đa hóa lợi nhuận,... nhằm tăng mức lương, thưởng hay uy tín của mình đối với doanh nghiệp. Do vậy, Lý thuyết người đại diện cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ này đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình, thì có cơ sở để tin rằng người quản lý công ty sẽ không luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho CSH. Sự tách biệt việc sở hữu và điều hành doanh nghiệp còn tạo ra hiện tượng thông tin không cân xứng, nhà quản lý có ưu thế hơn CSH về thông tin, nên dễ dàng hành động tư lợi, hơn nữa việc giám sát các hành động của người đại diện cũng rất tốn kém, khó khăn, phức tạp. Với vị trí của mình, người quản lý công ty được cho là luôn có xu hướng tư lợi và không đủ siêng năng, mẫn cán, và có thể tìm kiếm các lợi ích cá nhân cho mình chứ không phải cho công ty [109]. Do đó có thể nảy sinh vấn đề người đại diện hành động tư lợi cho bản thân, có thể thông đồng với giám đốc, nhà quản trị nhằm rút ruột nhà nước, thu lợi riêng; khó xác định trách nhiệm cá nhân của đại diện CSH vốn nhà nước và của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi DNNN hoạt động kém hiệu quả, thất thoát vốn, tài sản của nhà nước. Chính vì vậy, cần có giải pháp nhằm hạn chế những khó khăn nảy sinh trong mối quan hệ giữa CSH và người đại diện.

Xuất phát từ mục tiêu và các nguyên tắc tổ chức và hoạt động chung của mọi Nhà nước: (i) Ưu tiên chính trị - nhằm bảo vệ và phát triển quyền lực chính trị và Nhà nước, lợi ích của các thế lực nắm giữ quyền lực nhà nước trong xã hội. (ii) Huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân. (iii) Tập trung dân chủ. (iv) Pháp chế xã hội. (v) Tiết kiệm, hiệu quả... Các nguyên tắc cơ bản của đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp bao gồm:

Một là, đại diện CSH vốn nhà nước phải bảo đảm cho DNNN hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Làm rõ và tách bạch giữa chức năng sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Hai là, đại diện CSH vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền của CSH nhà nước. Đại diện CSH vốn nhà nước tuyệt đối không thực hiện hoạt động quản lý hàng ngày của doanh nghiệp mà chỉ nên tạo ảnh hưởng gián tiếp thông qua các biện pháp và công cụ như: Hình thành hệ thống báo cáo về việc giám sát và đánh giá hoạt động của DNNN; hợp tác chặt chẽ với kiểm toán độc lập và các cơ quan kiểm tra đặc biệt của Nhà nước; tham gia bằng quyền chi phối đối với việc bổ nhiệm cán bộ quản lý doanh nghiệp. Đối với DNNN hoạt động theo khung khổ pháp luật riêng, phải có quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý, v.v.

Ba là, đại diện CSH vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần tôn trọng và đảm bảo các quyền của CSH khác trong doanh nghiệp.

Bốn là, bảo đảm nguyên tắc công khai và minh bạch hoá trong hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng như hoạt động đầu tư của Nhà nước. Thực hiện cơ chế giám sát đối với các DNNN nói chung và giám sát việc thực hiện các quyền của CSH nhà nước nói riêng.

Năm là, đại diện CSH vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải góp phần bảo đảm và nâng cao hiệu quả hoạt động cho cơ quan quản lý điều hành tại doanh nghiệp. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp phải đầy đủ vai trò của một cơ quan định hướng chiến lược và giám sát việc điều hành doanh nghiệp; được giao một cách rõ ràng về các nghĩa vụ, trách nhiệm đối với hoạt động của doanh nghiệp và có quyền tự chủ hoàn toàn trước CSH nhà nước và các CSH khác (nếu có). Hội đồng quản trị có nghĩa vụ đối xử công bằng với tất cả các CSH. Cơ cấu của HĐQT có thể có các thành viên chuyên trách, không chuyên trách, nhưng tại các DNNN do Nhà nước chi phối hoàn toàn, cần giảm thiểu số lượng thành viên được bổ nhiệm theo phương thức hành chính nhà nước cũng như số lượng thành viên từ Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp. Chủ tịch HĐQT cần có các thẩm quyền quan trọng để thực hiện vai trò của mình và tách khỏi bộ máy điều hành kinh doanh trực tiếp. Hội đồng quản trị phải được giao toàn quyền bổ nhiệm, miễn

nhiệm người đứng đầu bộ máy điều hành (Tổng giám đốc, Giám đốc). Chế độ lương thưởng của các thành viên HĐQT phải được nhìn nhận theo lợi ích dài hạn của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 44 - 48)