Hoạt động giám sát đại diện chủ sở hữu

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 68 - 71)

Nhìn chung các nước thực hiện 2 phương thức chính: Giám sát trực tiếp thông qua người đại diện CSH tại doanh nghiệp và Giám sát gián tiếp thông qua hệ thống báo cáo.

Giám sát trực tiếp. Các nước thực hiện giám sát từ doanh nghiệp đến Quốc hội/ Chính phủ. Ở doanh nghiệp thực hiện giám sát thông qua hệ thống giám sát nội bộ tại doanh nghiệp, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ở cấp quản lý việc thực hiện giám sát được thông qua cơ quan do Quốc hội/ Chính phủ thành lập. Việc giám sát hình thành 4 nhóm chủ thể giám sát với mục tiêu giám sát khác nhau: Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện giám sát về quản trị doanh nghiệp, công khai và minh bạch hoạt động đầu tư; CSH vốn Nhà nước thực hiện giám sát tính hiệu quả trong đầu tư, lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư cũng như tính bền vững của doanh nghiệp; HĐQT thực hiện giám sát việc tạo ra giá trị cho CSH, quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro; Đội ngũ quản lý doanh nghiệp thực hiện giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn, tạo ra giá trị cho CSH.

Trung Quốc, SASAC là cơ quan tiến hành giám sát quản lý trực tiếp hoạt động đầu tư của doanh nghiệp với tư cách là người đại diện CSH. SASAC ủy thác cho các tổ chức kiểm toán hoặc thông qua biểu quyết của Hội đồng cổ đông trong các DNNN nắm cổ phần chi phối lựa chọn công ty kiểm toán để tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính thường niên. Quốc vụ Viện (đối với Trung ương) thông qua cơ quan thanh tra và chính quyền nhân dân địa phương (đối với địa phương) tiến hành giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của những cơ quan làm đại diện CSH vốn Nhà nước (SASAC). Chiếu theo quy định trong Luật Tài sản nhà nước trong doanh nghiệp 2009, cơ quan thanh tra và chính quyền địa phương thực hiện kiểm toán việc chấp hành dự toán kinh doanh vốn Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư thuộc đối tượng giám sát, kiểm toán. Thường ủy đại hội đại biểu nhân dân các cấp nghe báo cáo và biểu quyết cho ý kiến về tình hình thực thi trách nhiệm của người góp vốn của Quốc vụ viện và chính quyền nhân dân cùng cấp. Đồng thời xem xét báo cáo các hạng mục về tình hình giám sát quản lý tài sản Nhà nước, tổ chức kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật (sơ đồ 2.3).

Sơ đồ 2.3: Mô hình Giám sát đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc Nguồn: [48]

Giám sát gián tiếp. Các nước thực hiện việc giám sát hoạt động đầu tư vốn thông qua báo cáo của các doanh nghiệp và có sự phân cấp trong vai trò, trách nhiệm rõ rệt: Các báo cáo của doanh nghiệp thể hiện rõ các tiêu chí giám sát được quy định và theo định kỳ được gửi cho các cơ quan giám sát hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng hoặc các cơ quan giám sát sẽ trình báo cáo giám sát lên Chính phủ/ Quốc hội để xem xét.

Tại Pháp, hệ thống báo cáo hàng quý gồm các chỉ tiêu được dùng để theo dõi, đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp gồm: doanh thu, lợi nhuận, EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao), cổ tức Nhà nước. Các doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ cho Cơ quan quản lý phần vốn góp Nhà nước (APE). Bên cạnh đó, quản lý cấp cao của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư có trách nhiệm tổ chức các buổi họp thường kỳ, ít nhất một năm một lần với APE để trình bày và thảo luận các nội dung định hướng phát triển và chiến lược phát triển. Liên Bang Nga không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp mà chỉ thực hiện giám sát các giao dịch, thương vụ lớn để có thể xử lý theo pháp luật khi có sai phạm. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của danh nghiệp được thực hiện trên 4 chỉ tiêu gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn; hệ số nợ phải trả trên lợi nhuận trước thuế (hệ số an toàn là 2-4 lần); doanh thu và lợi nhuận thuần.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 68 - 71)