Nhân tố bên trong

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 55 - 57)

Nhân tố bên trong là nhân tố nội tại, có liên quan đến sự phù hợp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đại diện CSH vốn nhà nước với thực tế; đến cơ quan và người đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp và đến những đặc điểm về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

- Sự phù hợp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đại diện CSH vốn nhà nước với thực tế. Trong cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp thì các yếu tố pháp luật (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách) phản ánh hiệu lực, hiệu quả quản lý thường rõ nét nhất. Nhà nước, với tư cách cơ quan quyền lực quản lý đất nước, không chỉ thông qua xây dựng và chỉ

đạo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, mà còn tạo lập khung khổ pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động. Các văn bản pháp luật của Nhà nước tạo điều kiện cho đại diện CSH vốn nhà nước cũng như DNNN chủ động thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Trong điều kiện chuyển từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu có một hệ thống chính sách đại diện CSH vốn nhà nước sát với thực tiễn sẽ là tiền đề thuận lợi để đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp hiệu quả, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng tham ô, tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn của nhà nước. Mặt khác đại diện CSH vốn nhà nước thu được hiệu quả nhiều hay ít cũng phần lớn phụ thuộc vào tính hợp lý, thông thoáng của chính sách. Ngược lại tính không đồng bộ, thiếu nhất quán sẽ gây cản trở rất lớn đến hiệu lực và hiệu quả cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các DNNN. Vì vậy việc hoạch định các chính sách đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp phải được tiến hành thận trọng, kịp thời với chất lượng cao để soạn thảo ra các chính sách sát với thực tế, sớm đi vào đời sống xã hội phục vụ tốt nhất quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Năng lực của cán bộ được giao đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp (Người đại diện). Cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp do Người đại diện hoạch định và thực thi. Do đó hiệu lực, hiệu quả cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức và năng lực của Người đại diện trong việc thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm được giao đại diện và chấp hành đúng cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp.

- Hiệu lực, hiệu quả của cơ quan đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Hoạt động của cơ quan này nhằm bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN với mục tiêu hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu, gồm hiệu quả của cơ quan đại diện CSH và hiệu quả của doanh nghiệp của DNNN. Thực tiễn cho thấy việc phân chia chức năng đại diện CSH cho nhiều cơ quan dẫn tới không xác định được đầu mối chịu trách nhiệm khi xảy ra những sai phạm, thất thoát, mất vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp. Ðồng thời, bộ máy thực hiện quyền đại diện CSH chủ yếu là kiêm nhiệm, ngày càng tỏ ra không theo

kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Do đó DNNN cần được tập trung về một hoặc một số cơ quan đại diện CSH chuyên trách, thực hiện đúng trách nhiệm quyền đại diện CSH nhà nước đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, công khai, minh bạch.

- Đặc điểm về tổ chức và hoạt động của DNNN:

+ Mô hình và cơ cấu tổ chức của DN: doanh nghiệp có thể hoạt động kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp độc lập hoặc doanh nghiệp thành viên trong nhóm doanh nghiệp. Theo pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có mối liên kết chặt chẽ giữa các giai đoạn hoặc lĩnh vực hoạt động kinh doanh có thể tổ chức liên kết hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế hoặc mô hình công ty mẹ- công ty con nhằm tăng cường tình hợp tác liên kêt kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên. Trong nền kinh tế thị trường, mối liên kết theo kiểu hành chính cấp trên cấp dưới trước đây trong các tổng công ty được thay thế bằng mối liên kết kinh tế dựa trên nền tảng đầu tư tài chính, về thương hiệu, công nghệ sản xuất và thị trường.

+ Đặc điểm kinh tế kỹ thuật của ngành kinh doanh: những đặc trưng về kỹ thuật hoặc công nghệ sản xuất, độ dài chu kỳ kinh doanh, quy mô sản xuất... ảnh hưởng đến mức độ rủi ro của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc quyết định lựa chọn việc đầu tư vốn nhà nước vào ngành nghề, lĩnh vực nào.

+ Năng lực, trình độ của bộ máy quản lý điều hành hoạt động kinh doanh trong các DNNN: Khách thể của cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp là DNNN. Bởi vậy, năng lực chấp hành và thực thi cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 55 - 57)