Cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá đại diện chủ sở hữu vốn Nhà

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 50 - 52)

nước trong các doanh nghiệp

Đại diện CSH vốn nhà nước thực chất chỉ là tổ chức thực hiện các chức năng được uỷ quyền, kể cả khi Chính phủ được coi là người thống nhất thực hiện. Xét về phương diện lý luận, “Lý thuyết đại diện” đã đề cập cụ thể đến vấn đề này. Riêng trong đại diện CSH vốn nhà nước, để tránh các trường hợp người đại diện (tức người được uỷ quyền) lạm dụng để tư lợi hoặc không đảm bảo hoặc thậm chí mâu thuẫn với lợi ích và mục tiêu của người uỷ quyền (tức CSH nhà nước tối cao), cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của

người được uỷ quyền thực hiện chức năng CSH vốn nhà nước (đại diện CSH vốn nhà nước).

Trong điều kiện cơ quan hành pháp là chủ thể thực hiện các quyền CSH nhà nước, thì cơ quan lập pháp là chủ thể giám sát và đánh giá việc thực hiện chức năng CSH nhà nước của cơ quan hành pháp; cơ quan hành pháp (Chính phủ) giám sát, đánh giá việc thực hiện của người trực tiếp đứng tên phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp…

Về phương thức thực hiện, căn cứ đầu tiên và quan trọng là hệ thống báo cáo và cung cấp thông tin. Trong đó, ngoài việc áp dụng chế độ kiểm toán độc lập thì cơ chế giám sát thông qua việc minh bạch hoá thông tin và chế độ báo cáo là những cách thức thực hiện đáng quan tâm. Chính phủ phải tổng hợp rồi trình trước Quốc hội một bản báo cáo chung về tình hình thực hiện chức năng CSH nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, cùng bảng cân đối hợp nhất về vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp theo quý và theo năm tài chính. Kèm theo là phụ lục các báo cáo định kỳ hàng quý của từng DNNN mà HĐQT đã trình đầu mối CSH. Đây là những căn cứ quan trọng để Quốc hội đánh giá kết quả hoạt động của Chính phủ trong việc thay mặt nhà nước thực hiện chức năng CSH nhà nước đối với phần vốn đầu tư trong kinh doanh. Báo cáo của Chính phủ phải công bố các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản của từng DNNN, liệt kê quyết định của các đại diện CSH, phân tích tính chất pháp lý của các quyết định đó v.v. Ngoài ra còn có một chỉ tiêu quan trọng khác là lợi tức của vốn nhà nước tại các doanh nghiệp kinh doanh. Việc công bố này có 2 mục đích chính: một là thông báo cho những người dân đóng thuế- những người chủ thực sự của phần vốn nhà nước, hai là giúp các nhà đầu tư khác định hướng được chiến lược kinh doanh của mình, kể cả việc đầu tư vào các DNNN.

Đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp tổ chức thực hiện quyết định mục tiêu và định hướng chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp. Nhằm ràng buộc HĐQT phải quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu và lợi ích của mình, CSH nhà nước sử dụng các dạng “thỏa thuận”, “giao kèo”, “văn bản ghi nhớ” hay một dạng hợp đồng quản lý với HĐQT. Đây là một hình thức giao nhiệm vụ cho HĐQT nhằm bảo đảm mục tiêu đầu tư của CSH. Xét trên giác độ pháp lý, đây chỉ

là thỏa thuận giữa CSH nhà nước với HĐQT. Nhưng trong thực tế, nó tác động toàn diện tới các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị có toàn quyền quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, kế hoạch năm của doanh nghiệp mình theo luật định, nhưng về nội dung, những chiến lược và kế hoạch đó đã nằm trong khung khổ định hướng của CSH nhà nước. Mức độ chi tiết, sự chặt chẽ và tính chất ràng buộc của các văn bản thỏa thuận này là tùy theo từng DNNN cụ thể. Với các DNNN có sự tham gia của các CSH khác thì nó mang tính chất định hướng và được dùng chủ yếu để đánh giá hoạt động của các thành viên HĐQT do CSH nhà nước bổ nhiệm. Còn đối với các DNNN chỉ có duy nhất một CSH nhà nước thì nó vừa là “cẩm nang” cho hoạt động quản lý của HĐQT, vừa là “điều khoản tham chiếu” trong công tác giám sát và đánh giá kết quả hoạt động của HĐQT. Riêng trong trường hợp một số DNNN cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công cộng, thì tính chất “pháp lệnh” của văn bản thỏa thuận này rõ hơn rất nhiều.

Kết quả thực hiện quyền hạn, trách nhiệm đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp của các tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao quyền cần được đánh giá cụ thể, khách quan, toàn diện theo các tiêu chí được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp. Cơ chế khen thưởng, kỷ luật đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cần phải được xây dựng trên cơ sở khách quan, toàn diện; nhằm khuyến khích (đối với khen thưởng) hoặc xử lý kỷ luật kịp thời những sai phạm do đại diện CSH vốn nhà nước đã gây ra.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 50 - 52)