Xung đột vũ trang

Một phần của tài liệu Vấn đề Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ mở cửa (Trang 74 - 80)

1) Khả năng xảy ra xung đột vũ trang

Khả năng khó xảy ra xung đột vũ trang trong thời gian trước mắt nhưng không loại trừ do Trung Quốc đã đặt ra các tình huống sử dụng vũ lực với Đài Loan trong Luật chống chia cắt đất nước công bố năm 2005. Điều 8 của luật này quy định: "Trong trường hợp các thế lực ly khai "Đài Loan độc lập" tiến hành các hoạt động nhằm tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc dưới bất kỳ danh nghĩa hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào; hoặc nếu xảy ra một biến cố lớn dẫn đến việc Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc; hoặc nếu hoàn toàn hết khả năng tái thống nhất một cách hoà bình thì Nhà nước có thể sẽ sử dụng

những phương thức phi hoà bình và những biện pháp cần thiết khác để bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Quốc vụ viện và Quân uỷ Trung ương sẽ quyết định chọn và tiến hành các biện pháp phi hoà bình và những biện pháp cần thiết khác như đã được quy định ở trên và sẽ báo cáo ngay với Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc" [13].

Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định, "khả năng chiến tranh lớn xảy ra ở thế kỷ XXI có thể là vấn đề Đài Loan". "Vào cuối những năm 10 và đầu những năm 20 của thế kỷ XXI, nguy cơ Trung Quốc bị cuốn vào cuộc xung đột quân sự tăng lên, nguyên nhân chủ yếu là do các phần tử Đài Loan đòi tách Đài Loan thành một thực thể độc lập" [5, tr. 228].

Chính vì vậy, Trung Quốc vẫn duy trì bố trí một lực lượng lớn phía đối diện với Đài Loan, kể cả lực lượng hải quân, lục quân và không quân. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc vẫn đang ngày càng phát triển và tập trung lực lượng đối diện với Đài Loan nhằm uy hiếp Đài Loan đồng thời sẵn sàng cho tình huống phải sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2009 của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, lực lượng quân sự mà Trung Quốc bố trí có thể sẵn sàng can thiệp vào Đài Loan gồm:

- Lục quân: 440.000 quân gồm 8 tập đoàn quân, 8 sư đoàn lục quân, 4 sự đoàn thiết giáp, 2 sư đoàn pháo binh, 3 sư đoàn đổ bộ đường không, 2 sư đoàn đổ bộ đường biển và 2.800 xe tăng, 2.900 khẩu pháo các loại.

- Không quân: bố trí 330 máy bay chiến dấu, 160 máy bay tiêm/cường kích và 40 máy bay vận tải được bố trí ở các căn cứ có thể hoạt động hiệu quả trong tầm tác chiến khắp Đài Loan.

được giao nhiệm vụ trực tiếp tác chiến với Hải quân Đài Loan với trang thiết bị gồm: 17 tàu khu trục; 39 tàu khu trục nhỏ; 25 tàu đổ bộ; 23 tàu đổ bộ hạng trung; 32 tàu ngầm tấn công Diesel; 1 tàu ngầm tấn công hạt nhân; 55 tàu tuần tiễu ven bờ.

- Lực lượng tên lửa: Pháo binh hai có 5 lữ đoàn tên lửa đạn đạo tầm trung được bố trí tại các căn cứ gần với Đài Loan và có tầm bắn vươn tới tất cả các khu vực của Đài Loan. Số lượng tên lửa đạn đạo tầm ngắn CSS-6 và CSS-7 bố trí đối diện Đài Loan lên tới khoảng 1.100 và bình quân mỗi năm tăng thêm 100 tên lửa [18, tr. 60 - 66].

2) Tình huống xảy ra xung đột và sự can thiệp của nước ngoài

Thực chất, Trung Quốc đã đưa ra các “giới hạn đỏ” (red lines) theo đó Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan gồm: (1) Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập; (2) có những bước đi tiến tới Đài Loan độc lập; (3) bất ổn trong nội bộ Đài Loan; (4) Đài Loan tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân; (5) trì hoãn vô thời hạn nối lại các cuộc đàm phán thống nhất hai bờ eo biển; (6) có sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Đài Loan và (7) lực lượng quân sự nước ngoài đóng quân ở Đài Loan [60, tr. 42].

Nguyệt san "Ngang dọc Quân sự" kỳ 102, 2008 của Trung Quốc đăng bài "Đài Loan có kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình" đưa ra 10 lý do mà Trung Quốc sử dụng biện pháp tấn công Đài Loan gồm: (1) Đài Loan chuyển hướng độc lập; (2) Hỗn loạn bên trong Đài Loan; (3) Can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Đài Loan; (4) Đài Bắc trì hoãn vô thời hạn việc thương lượng các điều khoản đi đến thống nhất; (5) Đài Loan phát triển vũ khí hạt nhân; (6) Mô hình dân chủ của Đài Loan đe doạ làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Đại lục; (7) Đài Loan có hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường; (8) Đài Loan có được sự thừa nhận ngoại giao rộng rãi có tổn hại đến Trung Quốc; (9) Đài Loan phản đối

chính sách "một nước Trung Hoa"; (10) Cộng đồng quốc tế chấp nhận ý tưởng "hai nước Trung Quốc" của Đài Loan [9].

Khi đó, vấn đề đặt ra là có sự can thiệp của Mỹ như ba cuộc khủng hoảng trước đây không. Với vị trí và vai trò quan trọng của Đài Loan, sự can thiệp của Mỹ ở các mức độ khác nhau là hoàn toàn có cơ sở. Việc Mỹ có can thiệp hay không, hoặc can thiệp ở mức độ nào liên quan đến ba nhân tố sau: Lý do Trung Quốc sử dụng vũ lực chống Đài Loan; loại hình vũ khí sử dụng; bối cảnh khu vực và quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, 10 lý do dẫn đến việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở trên đều có thể dẫn đến sự can thiệp của Mỹ ở những mức độ khác nhau. Trường hợp Đài Loan có những quyết sách trái với những nguyên tắc của Mỹ như tuyên bố độc lập, phá vỡ nguyên tắc "một nước Trung Hoa" mà Mỹ đã cam kết, phát triển vũ khí hạt nhân... thì sự can thiệp của Mỹ là không chắc chắn. Quyết định can thiệp quân sự của Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào loại hình, phương tiện mà Trung Quốc tiến hành tấn công Đài Loan. Các trường hợp Mỹ có thể can thiệp quân sự trực tiếp nhằm ngăn chặn Trung Quốc gồm: Trung Quốc thử tên lửa rỗng vào lãnh thổ Đài Loan; thực hiện phong toả; đánh bom làm tê liệt hệ thống thông tin; đổ bộ đường không; tấn công tên lửa; đổ bộ vào Đài Loan; tấn công Kim Môn, Mã Tổ; cơ động lực lượng; gài mìn ở eo biển hoặc cảng của Đài Loan; sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác.

Ngoài loại hình và mức độ sử dụng vũ lực ra, sự can thiệp của Mỹ còn phụ thuộc vào tình huống chiến tranh và tình hình quốc tế, khu vực, trong nước Mỹ như sự xung khắc trong nội bộ Chính phủ Mỹ, người dân Mỹ phản đối can thiệp, hay bất ổn trong nội bộ Trung Quốc dẫn đến việc Trung Quốc phát động chiến tranh nhằm hướng dư luận ra bên ngoài.

Xung đột xảy ra ở eo biển Đài Loan sẽ dẫn đến sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo nên một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn, ảnh hưởng đến an ninh, hoà bình ở khu vực và trên toàn thế giới. Trước hết, Trung Quốc sẽ dựa vào nguyên tắc "một nước Trung Hoa" mà nhiều nước đã cam kết để giải thích cho hành động của mình, đồng thời yêu cầu LHQ và các nước có quan hệ với Trung Quốc ủng hộ giải pháp vũ lực của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ yêu cầu cắt quan hệ mọi mặt với Đài Loan, không ủng hộ Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, lên tiếng ủng hộ giải pháp của Trung Quốc, kể cả dùng sức ép về chính trị, ngoại giao và kinh tế đối với các nước.

Trong khi đó, với lý do tuân thủ "nguyên tắc hoà bình" và "được sự đồng ý của nhân dân hai bờ", Mỹ sẽ can thiệp với lý do bảo vệ "hoà bình", "bảo vệ nền dân chủ Đài Loan", đồng thời tập hợp lực lượng đồng minh gây sức ép với Trung Quốc. Mỹ cũng sẽ sử dụng các biện pháp gây sức ép về chính trị, ngoại giao và cả kinh tế để buộc các nước phải ủng hộ Mỹ, chí ít thì cũng không phản đối Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Điều này sẽ đặt các nước vào tình huống khó khăn trong xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế, cũng như trong quan hệ song phương. Có thể một số nước đồng minh của Mỹ sẽ trực tiếp hoặc ngầm ủng hộ Mỹ can thiệp vào Đài Loan. Sự đối đầu Mỹ - Trung trong vấn đề Đài Loan sẽ dẫn đến một cục diện hết sức nguy hiểm do Trung Quốc có vũ khí hạt nhân răn đe nên mọi sự leo thang quân sự cũng có thể dẫn đến sự can dự của các nước khác, dẫn đến một cuộc chiến khu vực, thậm chí là chiến tranh thế giới.

3) Kịch bản xung đột vũ trang

Trong tài liệu: “Báo cáo thường niên trình Quốc hội về: Sức mạnh quân sự của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 2009”, Bộ Quốc phòngMỹ đã đưa ra 4 kịch bản Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan như sau [18, tr. 43 - 44]:

(1) Cách ly hoặc phong toả đường biển: sử dụng đồng bộ các khả năng không quân, hải quân, tên lửa để phong toả các hải cảng và các con đường tiếp cận Đài Loan bằng đường biển. Trung Quốc có thể phong toả thông qua tuyên bố tập trận hoặc thử tên lửa ở gần các hải cảng.

(2) Sử dụng lực lượng hạn chế hoặc gây sức ép hạn chế: tiến hành một loạt các hoạt động quân sự quấy nhiễu, trừng phạt hoặc tiến hành một chiến dịch quân sự hạn chế vào Đài Loan, đồng thời tiến hành các hoạt động chính trị và kinh tế bí mật chống Đài Loan, các cuộc tấn công mạng và tác chiến điện tử, phá hoại cơ sở hạ tầng và kinh tế; lực lượng tác chiến đặc biệt xâm nhập Đài Loan sẽ tiến hành đánh phá các mục tiêu trọng yếu của Chính quyền Đài Loan.

(3) Chiến dịch không quân và tên lửa: tiến hành các cuộc tấn công hạn chế bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa dẫn đường chính xác đánh phá hệ thống phòng không của Đài Loan, bao gồm các căn cứ không quân, các trận địa ra-đa, trận địa tên lửa, các vệ tinh vũ trụ và cơ sở thông tin liên lạc.

(4) Đổ bộ lên Đài Loan: được gọi là Chiến dịch Đổ bộ liên quân lên đảo Đài Loan (The Joint Island Landing Campaign), theo đó các quân binh chủng phối hợp để lực lượng đổ bộ chọc thủng phòng tuyến phòng thủ của Đài Loan, xây dựng một vị trí đầu cầu để tập kết lực lượng tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chiếm giữ các mục tiêu quan trọng hoặc toàn bộ Đài Loan.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, nếu Trung Quốc tiến hành các chiến dịch trên với Đài Loan sẽ gây ra sự phản đối mạnh mẽ của người dân Đài Loan và của cả cộng đồng quốc tế. Do đó, Trung Quốc chỉ có thể tiến hành đổ bộ xâm chiếm các đảo nhỏ như Mã Tổ, Kim Môn.

Một phần của tài liệu Vấn đề Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ mở cửa (Trang 74 - 80)