Sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Vấn đề Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ mở cửa (Trang 31 - 37)

(1) Chủ trương giải phóng Đài Loan bằng vũ lực từng bước được lãnh đạo Trung Quốc chuyển sang chính sách "Thống nhất hoà bình, một nước hai chế độ".

Ngay từ khi Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan, Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch "giải phóng Đài Loan bằng vũ lực" và đây là phương châm chủ yếu trong thời kỳ đầu thành lập Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Đặc biệt, năm 1954, Chính phủ Trung Quốc đã ra quyết định sử dụng tổng lực để “giải phóng Đài Loan”, thông qua Nghị quyết tổng động viên lực lượng quân sự để “khuất phục Đài Loan càng nhanh càng tốt” [24]. Thực tế, Trung Quốc đã nhiều lần phát lệnh tổng động viên, tập hợp lực lượng ở khu vực đối diện với Đài Loan, sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh quy mô để giải phóng Đài Loan nhưng do nhiều yếu tố kiềm chế cả ở trong và ngoài nước nên Trung Quốc chưa thực hiện được.

Từ năm 1955, Trung Quốc đã bắt đầu đề cập đến biện pháp hoà bình để giải phóng Đài Loan. Đặc biệt, trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng lần thứ 3, khoá 11 (tháng 1 năm 1979), Ban thường vụ Hội nghị Nhân dân Toàn quốc đã đề ra: "Phương châm chính trị lớn về hoà bình, thống nhất Tổ quốc", trong đó phương châm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Đài Loan được điều chỉnh từ "giải phóng Đài Loan bằng vũ lực” sang phương thức thông qua "hiệp thương hoà bình, đám phán chính trị để thực hiện thống nhất đất nước" [5, tr.171].

Từ đó, Trung Quốc đưa ra nhiều tuyên bố, phương châm trong chủ trương thống nhất hoà bình Đài Loan vào Đại lục. Cùng với những thay đổi lớn về chủ trương, chính sách, Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh nhiều biện pháp tuyên truyền về chủ trương này như: Bộ Ngoại giao đưa ra 5 quyết định liên quan đến việc đi lại, buôn bán giữa hai bờ; Bộ Thương mại đưa ra 4 kiến nghị về việc thông thương; Bộ Bưu điện đưa ra 4 quyết định về thông bưu

chính viễn thông; Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra 5 kiến nghị về tiến hành hợp tác giữa hai bờ…

Từ năm 1983, chính sách "thống nhất hoà bình, một nước hai chế độ" được nhiều thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc theo đuổi và đặc biệt là sau khi Hồng Công trở về Trung Quốc (năm 1997), chính sách này càng được Trung Quốc thúc đẩy và coi trọng. Năm 1995, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân đưa ra 8 kiến nghị và chủ trương liên quan đến vấn đề thống nhất Đài Loan gồm: Một là, "Nguyên tắc một nước Trung Hoa" là cơ sở và tiền đề cho việc thực hiện thống nhất, hoà bình. Hai là, Trung Quốc không phản đối quan hệ kinh tế, văn hoá giữa Đài Loan với các nước, nhưng phản đối hành động "mở rộng không gian sinh tồn quốc tế". Ba là, tiến hành đàm phán giữa hai bờ về hoà bình, thống nhất. Bốn là, nỗ lực thực hiện thống nhất hoà bình, người Trung Quốc không đánh lẫn nhau. Năm là, đẩy mạnh việc phát triển và giao lưu, hợp tác kinh tế giữa hai bờ. Sáu là, nhân dân hai bờ cùng kế thừa và phát huy truyền thống ưu tú của nền văn hoá Trung Hoa. Bảy là, tôn trọng đầy đủ phương thức sinh hoạt và nguyện vọng làm chủ của đồng bào Đài Loan, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Tám là, hoan nghênh lãnh đạo Đài Loan sang thăm Đại lục. Trung Quốc cũng chấp nhận lời mời từ phía Đài Loan để hai bờ có thể cùng nhau bàn việc nước, hay trao đổi ý kiến về vấn đề nào đó [5, tr. 174 - 175].

Văn kiện Đại hội XV ĐCS Trung Quốc (tháng 9 năm 1997) xác định: "thúc đẩy hoà bình, thống nhất tổ quốc", thực hiện "một nước hai chế độ" và kêu gọi "nhà cầm quyền Đài Loan thực sự đáp ứng lại kiến nghị và chủ trương của Trung Quốc, sớm cùng Trung Quốc tiến hành đàm phán chính trị" [5, tr. 285].

(2) Trung Quốc tiếp tục duy trì khả năng răn đe, uy hiếp, ngăn chặn Đài Loan công khai tuyên bố "độc lập" và "hợp pháp hoá" việc chia cắt.

Trung Quốc chủ trương thống nhất hoà bình, nhưng tuyên bố không loại trừ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan có hành động tiến tới “độc lập”. Trung Quốc tiến hành xây dựng một hệ thống "răn đe và uy hiếp" có hiệu quả với 3 nội dung chính. Thứ nhất, về chính trị, trước chủ trương “Đài Loan độc lập” của Trần Thủy Biển, Trung Quốc cho ban hành "Luật chống chia cắt đất nước", trong đó quy định những hành vi vi phạm pháp luật Trung Quốc đối với giới lãnh đạo Đài Loan khi có ý định hoặc âm mưu chia cắt đất nước dưới bất kỳ hình thức nào. Luật này cũng quy định những hoạt động mua bán vũ khí, trang bị hoặc hợp tác củng cố hệ thống quốc phòng của các nước cho Đài Loan cũng vi phạm pháp luật Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Trung Quốc gây sức ép với các nước tuân thủ luật pháp Trung Quốc trong quan hệ song phương. Thứ hai, tiến hành các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và cuộc chiến tâm lý chống chia cắt, tạo sự thống nhất trong Đảng, trong nhân dân Trung Quốc ủng hộ chính sách chống chia cắt đất nước của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, chống lại mọi âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực đòi chia cắt. Thứ ba, tăng cường xây dựng thực lực quân sự, đủ sức răn đe, đánh thắng lực lượng quân sự Đài Loan và răn đe cả quân đội Mỹ.

Việc xây dựng thực lực quân đội nhằm vào ba mục đích chính. Một là, cảnh cáo các thế lực chia rẽ Đài Loan về nguy cơ bị giáng trả bằng đòn quân sự từ phía Trung Quốc, gây ra tổn thất nặng nề cho Đài Loan. Điều này có tác dụng dấy lên phong trào và dư luận chống lại các bước đi nhằm hướng tới độc lập của các quan chức Đài Loan. Hai là, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tiến hành cuộc tiến công quân sự chớp nhoáng thống nhất Đài Loan khi xảy ra những đột biến ví dụ như Đài Loan tuyên bố độc lập, Đài Loan không chấp nhận nguyên tắc "một nước Trung Hoa"… Ba là, cảnh cáo Mỹ về cái giá phải trả nếu can thiệp vào vấn đề Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất eo biển Đài Loan. Đây là biện pháp nhằm kiềm chế Mỹ đưa

quân can thiệp vào eo biển Đài Loan. Hàng năm, Bộ Quốc phòng Mỹ đều đưa ra Báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc, trong đó có phần nói về tương quan lực lượng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và việc Trung Quốc bố trí các trận địa pháo, tên lửa của Pháo binh Hai Trung Quốc (lực lượng tên lửa chiến lược: Di er ping - China’s Second Artillery), các hạm đội đối diện với Đài Loan. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ (tháng 3 năm 2009) về Sức mạnh quân sự của Trung Quốc, hiện nay, Trung Quốc bố trí từ 900 đến 1.070 tên lửa tầm ngắn CSS-6, CSS-7 và khoảng 400 ngàn trong số 1,25 triệu quân tại 3 quân khu đối diện với Đài Loan [18, tr. 30].

Vì vậy, cùng với việc kiên trì phương châm thống nhất hoà bình đối với Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh giải quyết 7 vấn đề. Thứ nhất, xuất phát từ tình hình thực tế, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc chuyển từ "mưu cầu thống nhất" sang "chống chia cắt". Thứ hai, nếu thế lực muốn "Đài Loan độc lập" có những bước đi nguy hiểm hơn, chia cắt đất nước thì quân đội Trung Quốc phải đặt hành động can thiệp quân sự lên hàng đầu. Thứ ba, nâng cấp sức ép toàn diện lên Đài Loan, cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, tâm lý, dư luận và pháp luật. Thứ tư, phá vỡ thế cân bằng quân sự ở eo biển Đài Loan, giành ưu thế tuyệt đối. Thứ năm, tiếp cận, ủng hộ các đảng phái, tổ chức, nhân vật và cả những nhóm người Đài Loan có tư tưởng ủng hộ chống chia cắt đất nước, phản đối chính sách "Đài Loan độc lập" của một số phe phái và nhân vật ở Đài Loan, nhằm tạo thành mặt trận, phong trào chống chia cắt, đồng thời gây chia rẽ nội bộ Đài Loan. Thứ sáu, đẩy mạnh "tam thông", trao đổi kinh tế thương mại với Đài Loan, mở rộng quan hệ với Đài Loan trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong đàm phán về giải pháp thống nhất, nối lại các chuyến bay, đẩy mạnh giao thương kinh tế, du lịch để nhân dân cũng như lãnh đạo hai bên thu hẹp khoảng cách bất đồng, tạo ra sự gắn kết nhằm xoá bỏ mọi ý đồ chia rẽ Đài Loan. Thứ bảy, đẩy mạnh quan hệ đối

ngoại với các nước, đặc biệt là Mỹ, tạo nên sự đan xen lợi ích chiến lược với các nước nhằm giảm thiểu sự can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Đồng thời, nâng cao vị thế và nội lực mọi mặt của Trung Quốc để nhân dân Đài Loan tự nguyện thống nhất vào Trung Quốc Đại lục [8, tr. 665].

Đặc biệt, văn kiện Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2007) đưa ra 4 điểm và 2 chủ trương lớn đối với vấn đề Đài Loan. Bốn điểm gồm: Thứ nhất, kiên trì nguyên tắc "một nước Trung Hoa". Thứ hai, tranh thủ khả năng thống nhất hòa bình. Thứ ba, gửi hy vọng vào nhân dân Đài Loan. Thứ tư, không nhân nhượng và thỏa hiệp Đài Loan độc lập về mặt pháp lý. Hai chủ trương lớn gồm: Thứ nhất, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, tranh thủ lòng dân Đài Loan và tăng cường quan hệ giao lưu hai bờ Eo biển. Thứ hai, chống Đài Loan độc lập, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi hiệp thương chấm dứt tình trạng đối địch giữa hai bờ theo nguyên tắc "một nước Trung Hoa", kêu gọi người dân Đài Loan ủng hộ Quốc dân đảng (KMT).

Sau Đại hội XVII, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ, giao lưu hợp tác kinh tế tổng hợp với Đài Loan, tăng cường giao lưu kinh tế, văn hoá, đồng thời mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, tiến tới “quan hệ toàn diện”. Để thực hiện được chủ trương này, Trung Quốc thúc đẩy thực hiện chính sách “tam thông”, tạo điều kiện cho người dân “đi lại, thăm viếng” lẫn nhau; tăng cường bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư Đài Loan và thúc đẩy giao lưu văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế và kể cả thể dục thể thao.

Ngày 31 tháng 12 năm 2008, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đưa ra kiến nghị 6 điểm về quan hệ hai bờ trong tình hình mới gồm: 1/tăng cường tin tưởng chính trị; 2/tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy hòa bình phát triển; 3/ phát huy truyền thống văn hóa Trung Hoa; 4/tăng cường giao lưu giữa nhân viên hai bờ; 5/ bảo vệ chủ quyền quốc gia, hiệp thương trong

các sự vụ bên ngoài; 6/ kết thúc trang thái đối đầu, ký kết hịêp ước hòa bình (Tạp chí “Bình luận Trung Quốc” số tháng 4 năm 2009). Phát biểu tại Kỳ họp thường niên thứ 2 Quốc hội Trung Quốc (từ ngày 5 - 13 tháng 3 năm 2009), Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định: "Trung Quốc sẽ tiếp tục tôn trọng nguyên tắc phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển và thúc đẩy việc thống nhất tổ quốc một cách hoà bình. Trung Quốc sẵn sàng tiến hành đàm phán về các vấn đề chính trị và quân sự, đồng thời tạo điều kiện để chấm dứt tình trạng thù địch và đạt được một thoả thuận hoà bình".

Về quân sự, để tránh xảy ra những xung đột ngoài ý muốn, Trung Quốc đề xuất lập khu vực tuần tra chung và đường dây liên lạc giữa quân đội hai bên. Phát biểu nhân dịp năm mới (ngày 31 tháng 12 năm 2008), Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi Đài Loan thúc đẩy giao lưu quân sự với Trung Quốc nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời giảm thiểu căng thẳng giữa hai bên.

Một phần của tài liệu Vấn đề Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ mở cửa (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)