(1) Chính sách chung
Nhật Bản đã từng chiếm đóng đảo Đài Loan và đảo Bành Hồ từ cuối thế kỷ XIX. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản đã trao trả Đài Loan và các đảo Bành Hồ cho Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (ngày 25.10.1945). Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn rất coi trọng vị trí của Đài Loan, đặc biệt là sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan. Cũng như Mỹ, Nhật Bản cũng đề phòng làn sóng "Cộng sản" lan sang khu vực Đông Bắc Á, “đe doạ” đến an ninh của Nhật Bản.
Hiện nay, sự cạnh tranh vị thế khu vực và quốc tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc diễn ra rất gay gắt, đặc biệt là về vị thế và vai trò của mình ở khu vực và trên trường quốc tế. Nhật Bản có tiềm lực về kinh tế (đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ), nhưng là một nước nhỏ, bị hạn chế về phát triển tiềm lực quân sự (do là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ II) nên không thể trở thành một “cường quốc toàn diện” được. Trong khi Trung Quốc đang phát triển cả về kinh tế, quân sự và vị thế quốc tế, có đủ tiềm lực mọi mặt để trở thành một “cường quốc toàn diện”. Nếu thống nhất được đất nước, Trung Quốc sẽ củng cố thêm được tiềm lực mọi mặt trong cạnh tranh với Nhật và
“điều đáng lo ngại nhất là việc hai bờ liên kết với nhau, tạo áp lực với Nhật Bản. Có thể lòng tự hào dân tộc của nhân dân hai bờ sẽ gắn kết lại vì cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản” [27].
Chính vì vậy, để kiềm chế Trung Quốc, một mặt Nhật Bản mở rộng quan hệ với các nước, mặt khác liên minh với Mỹ, cho phép Mỹ đóng quân lâu dài trên đất Nhật làm đối trọng với Mỹ trong cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á. Nhật Bản luôn phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc và cả với Đài Loan. Nhật Bản thực hiện chính sách "hai mặt"
trong vấn đề Đài Loan: một mặt, Nhật Bản cam kết bảo vệ đại cục trong quan hệ với Trung Quốc, mặt khác ngấm ngầm quan hệ thực chất với Đài Loan, vừa để hỗ trợ cho chiến lược của Mỹ ở khu vực, đồng thời phục vụ cho lợi ích chiến lược của Nhật Bản trong khu vực.
Chính vì vậy, trong vấn đề an ninh, Trung Quốc và Nhật Bản có sự đối lập về lợi ích, thậm chí có nguy cơ xung đột tiềm ẩn, nhưng điểm quan trọng vẫn là tranh thủ chung sống hoà bình, bảo đảm sự ổn định ở khu vực để cùng nhau phát triển. Trung Quốc xác định Nhật Bản vừa là đối thủ, vừa là bạn bè, lợi dụng mâu thuẫn Nhật - Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Nhật, tăng cường và thúc đẩy hợp tác kinh tế tạo thế lợi ích đan xen nhằm kiềm chế Nhật Bản can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Mục tiêu của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại với Nhật Bản gồm: gây sức ép buộc Nhật Bản phải tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trong đó có vấn đề Đài Loan và đảo Điếu Ngư; tạo ra sự phụ thuộc đan xen về kinh tế nhằm giảm thiểu khả năng can thiệp của Nhật Bản vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc; nâng cao tiềm lực răn đe Nhật Bản.
(2) Biện pháp
Mặc dù tuyên bố tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa" chỉ duy trì các cơ quan đại diện không chính thức ở Đài Loan: cơ quan đại diện của Đài Loan tại Nhật gọi là "Hiệp hội quan hệ Đông Á", còn cơ quan của Nhật tại Đài Loan gọi là "Hiệp hội giao lưu", nhưng Nhật Bản vẫn cho phép các quan chức Đài Loan sang thăm Nhật Bản. Nhật Bản duy trì quan hệ chính trị chính thức với Trung Quốc; phản đối Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan, chủ trương ủng hộ quan điểm của Mỹ giữ nguyên trạng eo biển Đài Loan (không độc lập, không thống nhất) nhằm: thứ nhất là lợi dụng vấn đề Đài Loan để ngăn chặn, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc thành một cường quốc khu vực; thứ hai là phân tán sự tập trung của Trung Quốc nhằm giảm thiểu khả năng Trung Quốc tập trung sang giải quyết vấn đề Điếu Ngư do Nhật Bản đang nắm giữ; thứ ba là duy trì lợi ích kinh tế trong quan hệ với Đài Loan.
Do đó, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ ở cấp chiến lược nhằm tranh thủ cam kết của giới lãnh đạo chính trị Nhật Bản kiên trì chính sách “một nước Trung Hoa”, không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, trong đó có quan hệ với Nhật Bản. Nhật Bản và Trung Quốc chính thức bình thường hoá quan hệ ngoại giao từ năm 1972 và ký kết “Hiệp ước hoà bình hữu nghị Trung - Nhật” năm 1978, trong đó Nhật Bản công nhận Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai bên, thời gian gần đây, phía Nhật Bản vẫn cam kết tuân thủ nguyên tắc “một nước Trung Quốc” và không ủng hộ “Đài Loan độc lập”, phối hợp với Trung Quốc “gác tranh chấp, cùng nhau khai thác” ở những vùng biển tranh chấp, đặc biệt là biển Hoa Đông và xung quanh quần đảo Điếu Ngư.
Mặt khác, Trung Quốc triệt để lợi dụng tư tưởng dân tộc của lãnh đạo Đài Loan trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở đảo Điếu Ngư, lợi dụng vấn đề
chủ quyền để chia rẽ Đài Loan và Nhật Bản, đồng thời gây sức ép buộc Nhật Bản phải chấp nhận “gác tranh chấp, cùng nhau khai thác” ở khu vực biển Hoa Đông. Theo quan điểm của Trung Quốc và Đài Loan, đảo Điếu Ngư là phần “kéo dài tự nhiên về phía Đông của thềm lục địa châu Á, là đảo nhỏ thuộc đảo lớn Đài Loan” [14]. Đài Loan kiên quyết khẳng định chủ quyền của mình ở đảo Điếu Ngư và biển Hoa Đông, thậm chí đã xảy ra đụng độ giữa lực lượng tuần tra của Nhật Bản với tàu cá của Đài Loan ở khu vực gần đảo Điếu Ngư (ngày 10.6.2007), làm tàu cá của Đài Loan bị chìm. Viện trưởng Viện hành chính Đài Loan Lưu Triệu Huyền đã “phản đối mạnh mẽ, thậm chí bày tỏ khả năng sẽ xảy ra xung đột” với Nhật Bản [27].
- Về kinh tế:
Nhật Bản cũng có được những lợi ích quan trọng trong quan hệ thương mại vời Đài Loan. Theo Cục Thống kê Đài Loan, Nhật Bản là một trong những bạn hàng lớn của Đài Loan, kim ngạch nhập khẩu từ Nhật chiếm tới trên 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của Đài Loan. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt 64 tỷ USD, trong đó Đài Loan nhập khẩu sang Nhật Bản là 46 tỷ USD.
Chính vì vậy, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nhật Bản và hiện đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Nhật Bản khiến cho sự phụ thuộc lợi ích ngày càng gia tăng, giảm vai trò của Đài Loan trong quan hệ kinh tế với Nhật Bản. Theo Tổng cục thống kê Trung Quốc năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2008 với Nhật Bản đạt 236 tỷ USD, mức nhập siêu của Trung Quốc đối với Nhật Bản lên tới 32 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch với Đài Loan chỉ bằng gần 1/3 (64 tỷ USD) [20]. Hai bên đã xây dựng cơ chế đối thoại kinh tế cấp cao. Hội nhập kinh tế của hai nước ngày càng sâu sắc, hình thành mạng lưới các ngành sản xuất và mậu dịch bao trùm khu vực, hệ thống phân công ngành nghề khu vực đang dần hình thành, lợi ích chung ngày càng
bộc lộ rõ. Lợi ích kinh tế đan xen khiến hai bên kiềm chế trong tranh chấp ở biển Hoa Đông, quần đảo Điều Ngư thuộc khu vực phụ cận Đài Loan.
- Về quân sự, an ninh:
Nhật và Mỹ đã ký "Phương châm mới về hiệp định an ninh Nhật - Mỹ", trong đó mở rộng sang đối phó với những "sự biến xung quanh Nhật Bản" (gồm cả khu vực Đài Loan) và đưa Đài Loan vào chương trình "vấn đề an ninh chung". Đồng thời, Nhật Bản (được sự ngầm ủng hộ của Mỹ) nâng cấp Cục Phòng vệ Nhật Bản thành Bộ Quốc phòng, mở rộng phát triển lực lượng ở phía Nam nơi có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực giải quyết eo biển Đài Loan.
Trung Quốc cho rằng, “Phương châm hợp tác Nhật - Mỹ không loại Đài Loan ra ngoài sẽ uy hiếp mạnh tới đại nghiệp thống nhất Tổ quốc, tiềm ẩn hiểm hoạ đối kháng chiến lược giữa Nhật - Mỹ và Trung Quốc” [5, tr. 220]. Cùng với việc nâng cấp Cục Phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng, đưa khái niệm “phòng vệ đảo” vào nhiệm vụ của quân đội, Trung Quốc cho rằng Nhật Bản sẽ tăng cường lực lượng xuống phía Tây Nam nhằm kiềm chế Trung Quốc, sẵn sàng cùng Mỹ can dự vào vấn đề Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan.
Chính vì vậy, Trung Quốc cũng tiến hành tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này, đặc biệt là lực lượng hải quân. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển chiến lược hải quân mới, hướng tới khu vực biển sâu, gây sức ép với các hạm đội của Nhật Bản ở khu vực Đông Á và biển Đông, tạo thế uy hiếp và kiềm chế lẫn nhau khiến cho Nhật Bản phải tính toán trong các tranh chấp với Trung Quốc. Thậm chí, Trung Quốc còn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở các khu vực mà Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát nhằm tạo ra sự răn đe với lực lượng Nhật Bản nhưng hai bên đều kiềm chế, tránh đối kháng phát triển
thành xung đột quy mô lớn. Tháng 12.2008, hai tàu của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư nhưng đã rút khi Nhật Bản lên tiếng phản đối kịch liệt. Những vấn đề trên tuy không gây ra những xung đột lớn nhưng cũng là những tín hiệu cảnh báo của Trung Quốc nếu Nhật Bản can dự vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, trong đó có vấn đề Đài Loan.
2.2.3. Với ASEAN
(1) Chủ trương, chính sách chung
Đài Loan và Trung Quốc có vai trò rất quan trọng đối với ASEAN, là hai trong những những đối tác quan trọng của các nước ASEAN. Về mặt chính trị, Trung Quốc là một nước lớn, có ảnh hưởng không chỉ ở khu vực mà cả trên trường quốc tế. Hiện Trung Quốc đã tham gia hầu hết các cơ chế đa phương của ASEAN và luôn đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế này. Trung Quốc có đường biên giới trên bộ và trên biển với nhiều nước ASEAN, có tranh chấp lãnh thổ trên bộ và trên biển với đa số các nước ASEAN do đó có nhiều lợi ích đan xen, cũng như còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong khi đó, Đài Loan là đối tác kinh tế quan trọng của ASEAN, là một bên trong số các bên có tranh chấp ở Trường Sa. Mặt khác, cả Trung Quốc và Đài Loan đều coi trọng trong quan hệ với ASEAN, trong đó Đài Loan thúc đẩy thực hiện chiến lược “hướng Nam”, lấy ASEAN làm trọng tâm để “mở rộng không gian sinh tồn” của mình. Chính vì những lợi ích đan xen và những vấn đề tranh chấp trên khiến quan hệ ASEAN với Trung Quốc và Đài Loan có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoà bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng của khu vực.
Mục tiêu của ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan là: thứ nhất, tranh thủ tiềm năng vốn, công nghệ, thị trường của Trung Quốc và Đài Loan để phục vụ cho việc phát triển của khối ASEAN với bên ngoài; thứ
hai, tạo ra vị thế cân bằng trong quan hệ với cả Trung Quốc - Đài Loan và Mỹ - phương Tây; thứ ba, hoà nhập Trung Quốc vào mối quan hệ chung, giải quyết những bất đồng thông qua cơ chế đa phương; thứ tư, tìm cách tránh xảy ra xung đột và căng thẳng tại eo biển Đài Loan nhằm tạo ra môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực, phục vụ cho việc phát triển của ASEAN.
Trong khi đó, Trung Quốc coi khu vực Đông Nam Á là "sân sau", là
"khu vực trung gian và cái máy cân bằng quan hệ giữa các nước lớn" [2, tr. 331]. Trung Quốc và các nước ASEAN có nhiều quan hệ lợi ích chung, có tranh chấp về lãnh thổ với 5 nước khác ở khu vực biển Đông. Vấn đề ổn định ở eo biển Đài Loan có quan hệ mật thiết đối với sự ổn định của khu vực châu Á - TBD nói riêng và khu vực ASEAN nói chung vì Trung Quốc và Đài Loan là một nước và một bên có tranh chấp chủ quyền ở khu vực biển Đông. Do đó, tính đối kháng trong quan hệ Trung - Mỹ tăng lên trong vấn đề Đài Loan thì việc ổn định quan hệ với ASEAN là rất quan trọng, vừa bảo đảm khu vực đệm cho Trung Quốc, vừa là khu vực hậu thuẫn cho các chiến lược của Trung Quốc ở khu vực và đối với vấn đề Đài Loan.
Mục tiêu của Trung Quốc trong quan hệ với ASEAN: thứ nhất, củng cố vị thế của Trung Quốc ở ASEAN, thúc đẩy chiến lược mở rộng ảnh hưởng xuống phía Nam, mở rộng không gian chiến lược của Trung Quốc ra bên ngoài; thứ hai, phá thế bao vây, cô lập của Mỹ và phương Tây, thúc đẩy sự hình thành thế giới đa cực trong đó có Trung Quốc; thứ ba, tạo ra một vùng đệm chiến lược và sự hậu thuẫn quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan trước sự can thiệp của nước ngoài.
Trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc cho rằng, việc các nước tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa", có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực, đồng thời có lợi cho sự phát triển mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước, phù hợp với các lợi ích của các nước trong khu vực. Chính vì vậy, trong quan
hệ với ASEAN trên các mặt, Trung Quốc luôn yêu cầu các nước coi Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời khỏi Trung Quốc. Các nước chỉ duy trì quan hệ kinh tế, thương mại và văn hoá với Đài Loan.
Đánh giá về quan hệ ASEAN - Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Tôn Quan Á đã phát biểu tại cuộc hội thảo "Quan hệ Trung Quốc - ASEAN và vấn đề Đài Loan độc lập" (diễn ra tại Côn Minh Trung Quốc vào tháng 2 năm 2007) như sau: "Việc kiên quyết phản đối và ngăn chặn hoạt động của các phần tử Đài Loan độc lập, bảo vệ hoà bình, ổn định khu vực eo biển Đài Loan là phù hợp với lợi ích các nước trong khu vực châu Á - TBD. Chúng tôi bày tỏ sự hoan nghênh đối với việc kiên định mãi mãi chính sách một Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp thống nhất hoà bình Trung Quốc của các nước ASEAN; bày tỏ sự hoan nghênh đối với thái độ công khai và rõ ràng của một số nước ASEAN trong việc phản đối Nhà đương cục Đài Loan xúc tiến việc bỏ phiếu trưng cầu dân ý xin gia nhập LHQ. Chúng tôi hy vọng, Chính phủ các nước ASEAN tiếp tục kiên trì chính sách một Trung Quốc, phản đối hoạt động của các thế lực theo đuổi Đài Loan độc lập, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng tôi chống Đài Loan độc lập, ủng hộ sự nghiệp lớn hoà bình, thống nhất Trung Quốc".
(2) Biện pháp
- Về chính trị, đối ngoại:
Trước khi mở cửa, quan hệ Trung Quốc với các nước ASEAN bị phân lập, Trung Quốc chỉ quan hệ với Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma. Sau khi thực hiện cải cách, mở cửa năm 1978, Trung Quốc tiến hành bình thường hoá quan hệ với các nước khác trong ASEAN. Sau khi quan hệ Mỹ -