(1) Quan điểm của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và vấn đề Đài Loan.
Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ láng giềng truyền thống, lâu đời. Hiện nay, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan điểm của Việt Nam là luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thực hiện nguyên tắc không can thiệp vào
công việc nội bộ của nhau. Chính vì vậy, Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa" và phản đối việc Đài Loan độc lập, ly khai khỏi Trung Quốc. Quan điểm này luôn được Đảng và Nhà nước ta khẳng định với Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Đặc biệt, trong các thông cáo chung nhân chuyến thăm Trung Quốc gần đây của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, Việt Nam luôn khẳng định lại lập trường này. Trong thông cáo chung Trung - Việt năm 2007, điểm thứ 5 khẳng định: Việt Nam nhắc lại việc kiên định thực hiện chính sách "một Trung Quốc", ủng hộ sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, ủng hộ "Luật chống chia cắt đất nước", kiên quyết phản đối mọi hoạt động ly khai của thế lực "Đài Loan độc lập" dưới bất kỳ hình thức nào. Việt Nam sẽ không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan.
(2) Giải pháp của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan
Để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, cùng với việc duy trì quan hệ kinh tế, văn hoá với Đài Loan theo đúng tinh thần của các thoả thuận song phương, đa phương, cũng như phù hợp với các nguyên tắc quốc tế và luật pháp Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục thể hiện một số quan điểm chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và quan điểm của Trung Quốc về vấn đề thống nhất Đài Loan; khẳng định duy trì quan hệ đối tác chiến lược chính thức với Trung Quốc; tôn trọng và ủng hộ "Sách trắng một nước Trung Hoa và vấn đề Đài Loan", "Luật chống chia cắt đất nước" mà Trung Quốc đã ban hành. Điều này là cơ sở và tiền đề cho việc phát triển quan hệ toàn diện, chiến lược với Trung Quốc dựa trên 16 chữ: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Thứ hai, trong quan hệ ngoại giao, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa", ủng hộ thống nhất Trung Quốc, không ủng hộ Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức, không ủng hộ Đài Loan gia nhập LHQ. Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ phi chính phủ với Đài Loan, thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hoá, đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế, với nguyên tắc "một nước Trung Hoa".
Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế với cả Trung Quốc và Đài Loan trên cơ sở cùng có lợi. Trong quan hệ với Đài Loan và Trung Quốc, đặc biệt là trên các diễn đàn quốc tế, cần hết sức chú trọng đến cách ứng xử và hành xử của các cơ quan ngoại giao trong phát ngôn, phát biểu và trong các quyết định, không để Trung Quốc hiểu lầm, gây khó dễ cho Việt Nam.
Thứ tư, trong xử lý một số vấn đề liên quan đến Đài Loan, có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước và giải thích cho cả phía Trung Quốc và Đài Loan nắm được quan điểm của Việt Nam nhằm tránh sự nghi kị, hiểu lầm và gây xung khắc trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan.
Thứ năm, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông - Trường Sa, chỉ coi Đài Loan là một bên tranh chấp, kiên quyết phản đối (bằng hình thức phi ngoại giao) Đài Loan củng cố hoặc chủ quyền hoá các quần đảo chiếm đóng, kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm này với Việt Nam, không để Đài Loan làm phức tạp thêm tình hình ở khu vực tranh chấp.
Tình hình eo biển Đài Loan trong thời gian tới cơ bản ổn định, góp phần duy trì môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực. Trong thời gian trước mắt, ít có nguy cơ xảy ra xung đột do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, xuất phát từ chính nhu cầu tập trung phát triển của Trung Quốc, cũng như môi trường quốc tế và các bên có liên quan, đặc biệt là Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Trong thời kỳ Trần Thuỷ Biển, Đài Loan đẩy mạnh xu hướng "độc lập", "mở rộng không gian sinh tồn quốc tế" tác động đến quan hệ hai bờ và tác động đến cách ứng xử trong quan hệ quốc tế với cả Trung Quốc và Đài Loan. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cũng đã gặp phải tình huống khó xử trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan, đặc biệt là khi tổ chức các hội nghị, hoạt động mang tính quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc và Đài Loan là một nước và một bên có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông - Trường Sa của Việt Nam, nên có tác động không nhỏ tới quan hệ của Việt Nam trong ứng xử quốc tế.
Tuy nhiên, hầu hết các nước trên thế giới đều tuyên bố tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa", không ủng hộ "Đài Loan độc lập", ủng hộ giải quyết hoà bình vấn đề eo biển Đài Loan, duy trì môi trường ổn định, hoà bình ở khu vực nói chung và eo biển Đài Loan nói riêng. Việt Nam luôn kiên định chính sách tôn trọng "một nước Trung Hoa" và không ủng hộ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức, nhưng trong quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến vị thế quốc tế của Đài Loan hay vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong ứng xử và giải quyết các vấn đề có liên quan.
KẾT LUẬN
Vấn đề Đài Loan đã kéo dài gần 60 năm và tiếp tục là vấn đề phức tạp trong thời gian tới, tác động đến môi trường hoà bình, an ninh khu vực và thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Do một số thế lực ly khai Đài Loan và chính sách can thiệp của Mỹ nên vấn đề Đài Loan tiếp tục phức tạp kéo dài, khó lường, đặc biệt là đã tạo ra ba cuộc khủng hoảng nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang, đe doạ hoà bình và an ninh thế giới.
Trong 30 năm qua, Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, tập trung phát triển kinh tế nên chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan cũng có những bước điều chỉnh từ tuyên bố sử dụng vũ lực để thống nhất sang "thống nhất hoà bình, một nước hai chế độ". Trung Quốc đã đặt vấn đề thống nhất đất nước sau vấn đề mở rộng hội nhập, phát triển kinh tế nên tình hình hai bờ eo biển Đài Loan cơ bản ổn định. Điều này đã giúp Trung Quốc mở rộng được quan hệ với các nước, tăng cường vị thế quốc tế và khu vực, giành được sự ủng hộ nhất định của cộng đồng quốc tế về vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, đặc biệt là các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nhờ có nền kinh tế phát triển, Đài Loan thực hiện chính sách thực dụng, sử dụng kinh tế để mua chuộc, vận động và ràng buộc các nước trong quan hệ song phương, cũng như mở rộng "không gian sinh tồn quốc tế", hướng tới độc lập. Điều này đã khiến cho tình hình eo biển tuy có cải thiện về quan hệ kinh tế nhưng lại căng thẳng về chính trị, tác động đến các mối quan hệ đa phương và song phương ở khu vực.
Để giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hoà bình, một mặt cần sự đoàn kết, thống nhất của nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan, mặt khác cần phải có
sự tôn trọng và đóng góp to lớn của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền của Trung Quốc và thái độ tích cực của các bên có liên quan, đặc biệt là Mỹ.
Là thành viên của các nước ASEAN và là đối tác chiến lược của Trung Quốc, đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh chia cắt đất nước nên Việt Nam thấu hiểu tình cảnh chia cắt đất nước. Việt Nam tiếp tục ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc, ủng hộ nguyên tắc “một nước Trung Hoa” và luôn coi việc thống nhất Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam ủng hộ những bước cải thiện quan hệ hai bờ trên mọi lĩnh vực hiện nay đảm bảo cho hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan nói riêng, cũng như hoà bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới nói chung.