Sự điều chỉnh chính sách của Đài Loan

Một phần của tài liệu Vấn đề Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ mở cửa (Trang 37 - 43)

Năm 1988, Lý Đăng Huy đắc cử trở thành "Tổng thống" Đài Loan và tuyên bố: "Chỉ có một Trung Quốc chứ không có hai Trung Quốc"; "chúng tôi nhất quán với chủ trương thống nhất và kiên trì nguyên tắc một nước Trung Hoa" [16, tr. 10]. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, Lý Đăng Huy đã có những biểu hiện về việc Đại lục, Đài Loan "bình đẳng", hàm ý nói đến nguyên tắc "một nước Trung Hoa" theo quan điểm của Đài Loan.

Những năm tiếp theo, Chính quyền của Lý Đăng Huy đã có những thay đổi quan trọng trong chiến lược của mình. Lý Đăng Huy liên tục có những bài phát biểu trong đó đều hàm ý “Chính phủ” Đài Loan là một “Chính phủ” ngang bằng với Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Lý Đăng Huy coi quan hệ hai bờ là quan hệ giữa "hai Chính phủ", đó là "Chính phủ Trung Hoa dân quốc ở Đài Loan và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ở Đại

lục" [16, tr. 10].

Chính phủ Lý Đăng Huy chủ trương thông qua cải cách "hiến chính" để thay đổi Đài Loan thành một "thực thể chính trị độc lập", phù hợp với quan điểm "hai nước Trung Hoa", "mở rộng không gian chung sống quốc tế" để phục vụ cho mục đích thiết lập "hai nước Trung Hoa". Tháng 5 năm 1999, Lý Đăng Huy cho xuất bản cuốn "Chủ trương của Đài Loan", trong đó "kêu gọi phân Trung Quốc thành 7 khu vực được hưởng quyền tự chủ" [11, tr.10]. Ngày 9 tháng 7 năm 1999, Lý Đăng Huy trả lời phóng viên đài phát thanh Đức như sau: "Sau tổng tuyển cử năm 1991 trở lại đây, đã định vị quan hệ hai bờ là quan hệ giữa quốc gia với quốc gia" [5, tr.175]. Lý Đăng Huy đưa ra thuyết "Hai nhà nước", định hướng đưa Đài Loan đi đến độc lập.

Sau khi đắc cử "Tổng thống" Đài Loan (năm 2000), Trần Thuỷ Biển đẩy mạnh thực hiện chính sách "Đài Loan độc lập". Ngày 3 tháng 8 năm 2002, lần đầu tiên Trần Thuỷ Biển công khai ý định trưng cầu dân ý về việc "Đài Loan độc lập", với quan điểm chính: Đài Loan là một quốc gia độc lập, có chủ quyền; Đài Loan đối với Đại lục là một bên, một nước, không chấp nhận "một Trung Quốc" hay "một nước hai chế độ" do Đại lục đề ra.

Do tình thế thay đổi, quan hệ Mỹ - Trung Quốc được cải thiện vì những mục tiêu “thực dụng” lớn hơn, Đài Loan cũng có những bước điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của mình nhằm vừa duy trì được an ninh và vị thế chính trị hiện tại, vừa giảm thiểu được khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất vào Đại lục dựa vào sự lệ thuộc và tương tác trong quan hệ Mỹ - Trung trong vấn đề Đài Loan. Sau khi nhậm chức "Tổng thống" nhiệm kỳ 2008 - 2012, "Tổng thống" Đài Loan Mã Anh Cửu khẳng định, tiếp tục thực hiện chủ trương “ba không” (không độc lập, không thống nhất, không sử dụng vũ lực) trong quan hệ hai bờ, tái khởi động các cơ chế đàm phán hai bờ

theo phương châm “bình thường hoá quan hệ kinh tế, thương mại trước, đàm phán chính trị sau”. Đài Loan sử dụng các biện pháp chính sau:

Thứ nhất, Đài Loan triệt để lợi dụng tầm quan trọng về vị thế địa chính trị của mình trong chiến lược của Mỹ để duy trì quan hệ với Mỹ. Mỹ luôn xác định Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng có thể cạnh tranh vị thế siêu cường của Mỹ trên thế giới trong tương lai gần. Do đó, Mỹ buộc phải hình thành thế bao vây, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra thế giới, trong đó quan trọng nhất là phía biển. Trong khi đó, Đài Loan là một tiền đồn hết sức quan trọng, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của các khía cạnh chiến lược ngăn chặn Trung Quốc. Do đó, Đài Loan biết rằng không dễ gì mà Mỹ có thể từ bỏ Đài Loan nên tận dụng điều này để phát triển quan hệ với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự và kinh tế.

Hàng năm, Đài Loan chi hàng tỷ USD để mua các loại vũ khí, trang bị của Mỹ vừa để củng cố tiềm lực quốc phòng của mình, vừa để khuyến khích các tập đoàn vũ khí của Mỹ lobby để Chính phủ Mỹ thúc đẩy quan hệ với Đài Loan. Mặt khác, Đài Loan cũng cho phép Mỹ triển khai các loại vũ khí tại khu vực biển của Đài Loan, trong đó có việc triển khai tàu khu trục Agiss ở khu vực eo biển Đài Loan, phục vụ cho mục tiêu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Điều này vừa đảm bảo cho an ninh của Đài Loan trước cuộc tấn công của Trung Quốc, vừa tạo ra lợi ích chiến lược cho Mỹ.

Thứ hai, Đài Loan đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ và Trung Quốc để giảm thiểu khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan. Đối với Mỹ, Đài Loan kêu gọi các công ty, tập đoàn hàng đầu của Mỹ vào làm ăn tại Đài Loan để một mặt ràng buộc Mỹ về mặt lợi ích kinh tế, mặt khác buộc Trung Quốc phải tính đến yếu tố lợi ích của Mỹ tại Đài Loan khi tiến hành một cuộc tấn công vào Đài Loan.

Đài Loan cũng đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là về đầu tư nhằm ràng buộc Trung Quốc trong quan hệ thương mại, tăng "cái giá" phải trả nếu Trung Quốc mạo hiểm tiến công Đài Loan. Hai yếu tố này sẽ là vật đảm bảo và là nhân tố kiềm chế xung đột hữu hiệu mà Đài Loan đang thực hiện. Sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, quan hệ hai bờ eo biển đã có nhiều động thái phát triển theo hướng tích cực như việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Đài Loan Tiêu Vạn Trường; Chủ tịch Quốc Dân đảng Ngô Bá Hùng thăm Trung Quốc và có cuộc tiếp kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào; khôi phục lại hội đàm giữa Trung Quốc và Đài Loan, đánh đấu chính thức việc khôi phục lại các vòng đàm phán giữa tổ chức ARATS và SEF sau gần 10 năm bị gián đoạn.

Thứ ba, Đài Loan tăng cường quan hệ với các nước trên thế giới nhằm mở rộng quan hệ chính trị, ràng buộc về mặt kinh tế để có thể nhận được sự hậu thuẫn nhất định trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế của Đài Loan. Đây cũng là một biện pháp rất hiệu quả. Nhiều nước vì lợi ích kinh tế mà bất chấp những cảnh báo và sức ép từ phía Trung Quốc, tiếp tục đón các quan chức Đài Loan sang làm việc và thăm viếng. Từ quan hệ kinh tế, Đài Loan có nhiều tiếng nói trong tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương hơn.

Thứ tư, Đài Loan tiếp tục phát triển tiềm lực quốc phòng theo xu hướng đẩy mạnh chiến lược phòng thủ, củng cố khả năng tấn công để hạn chế sự răn đe quân sự của Trung Quốc. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về tiềm lực quân sự Trung Quốc (năm 2009), “Đài Loan đã xem xét lại xu thế cắt giảm chi phí quốc phòng trong vài năm qua; Đài Loan cũng đang hiện đại hoá một số khả năng quốc phòng và tăng cường diễn tập đối phó với tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, cán cân quân sự ở eo biển đang dịch chuyển có lợi cho Trung Quốc” [18, tr. 52].

Đài Loan tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự thông qua củng cố cơ cấu quân sự kiểm soát tình hình khủng hoảng, tiến hành cải cách nhân sự, nâng cao khả năng tác chiến liên hợp và mua sắm vũ khí hiện đại, tập trung vào các hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống tên lửa tầm trung, hệ thống máy bay cảnh báo sớm. Chính quyền Mỹ (kể cả Chính quyền Ô-ba-ma) tiếp tục khẳng định cam kết bán các loại vũ khí cho Đài Loan, hỗ trợ Đài Loan huấn luyện để đảm bảo cho Đài Loan có thể phòng thủ trước các cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.

Tiểu kết chương 1

Vấn đề eo biển Đài Loan diễn biến phức tạp kéo dài xuất phát từ việc Đài Loan muốn trở thành thực thể chính trị độc lập, có chủ quyền, có quan hệ quốc tế bình đẳng với Trung Quốc. Trong khi đó, Đại lục kiên định nguyên tắc Đài Loan là một thực thể không thể tách rời của Trung Quốc, chủ trương thống nhất Đài Loan theo nguyên tắc “một nước, hai chế độ”, nhưng cũng chuẩn bị sẵn sàng sư dụng sức mạnh nếu Đài Loan có những bước đi hướng tới độc lập. Một yếu tố quan trọng nữa khiến vấn đề Đài Loan phức tạp là từ ý đồ của Mỹ, Nhật Bản, sử dụng vấn đề Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Trong ba lần khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, Mỹ đều đưa lựclượng, đặc biệt là Hải quân và Hải quân đánh bộ đến khu vực Đài Loan, sẵn sàng can thiệp "bảo vệ" Đài Loan khiến cho tình hình ở eo biển Đài Loan thêm căng thẳng, nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh quy mô, đe doạ đến hoà bình và an ninh ở khu vực. Trong khi đó, đa số các nước trong khu vực ủng hộ duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực eo biển Đài Loan, ủng hộ giải quyết vấn đề Đài Loan bằng biện pháp hoà bình, thông qua đàm phán.

Gần đây, hai bên đã có những động thái nối đàm phán song phương, thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt nhằm thu hẹp bất đồng, đi tới giải pháp

chung phục vụ cho lợi ích của cả hai bên. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn muốn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế qua việc điều chỉnh chính sách theo hướng "độc lập", "mở rộng không gian sinh tồn", khiến cho Trung Quốc cũng phải điều chỉnh chính sách "chống độc lập", gây ra sự căng thẳng giữa hai bên, tác động đến tình hình khu vực và thế giới.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Vấn đề Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ mở cửa (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)