Kinh nghiệm của Ô-xtrây-li-a trong quan hệ với Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc sau [25]: (1) Việc tôn trọng hệ thống chính trị dân chủ của Đài Loan không được dẫn đến nguy cơ xung đột Trung Quốc - Đài Loan, làm tổn hại đến việc duy trì hệ thống địa chính trị, hoà bình tại châu Á; (2) Không công khai dự báo phản ứng trong trường hợp nổ ra xung đột; (3) Thực hiện nỗ lực ngoại giao để khuyến khích Mỹ duy trì hoà bình, thịnh vượng trong khu vực, loại bỏ nguy cơ xung đột tại eo biển Đài Loan; (4) Tìm cách củng cố
quan hệ, thương mại và văn hoá với cả Trung Quốc và Đài Loan.
Đối với các nước ASEAN, nguyên tắc trong quan hệ với Trung Quốc dựa vào các điểm chính sau: (1) Thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc, cắt quan hệ chính thức với Đài Loan; tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. (2) Tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa", phản đối "Đài Loan độc lập", ủng hộ hoà bình, thống nhất đất nước Trung Quốc. (3) Không thiết lập bất kỳ một cơ quan ngoại giao chính thức nào ở Đài Loan, cũng không cho Đài Loan thiết lập cơ quan ngoại giao chính thức nào trên lãnh thổ của mình; không cử các quan chức viếng thăm Đài Loan; không mời các quan chức Đài Loan thăm; không cấp thị thực cho các nhà lãnh đạo Đài Loan quá cảnh đi nước thứ ba, trừ các quan chức thuộc cơ quan kinh tế, văn hoá, du lịch... (4) Tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá cả với Trung Quốc và Đài Loan. (5) Trong xử lý các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc và Đài Loan, căn cứ vào những thoả thuận song phương với Trung Quốc để tham vấn, xử lý theo nguyên tắc tuân thủ "một nước Trung Hoa" mà các bên đã cam kết. (6) Trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông - Trường Sa, chỉ coi Đài Loan là một bên có tranh chấp chủ quyền.