Kiến nghị thực hành

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 77 - 81)

Hiện nay việc đảm bảo thực hiện quy định về yếu tố thỏa thuận trong hợp đồng Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và đôi khi chưa thật hiệu quả. Bởi lẽ pháp luật hợp đồng tuy đã bước đầu được thống nhất, nhưng việc đưa tất cả các quy định về hợp đồng vào diện điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2005, mà lại không có chương trình hợp đồng thương mại trong Luật Thương mại, các nhà lập pháp chưa đem lại được cho doanh nghiệp một chế định hợp đồng đầy đủ khi họ giao kết hợp đồng thương mại, đăc biệt là hợp đồng thương mại quốc tế.

Thực tế vấn đề giao kết hợp đồng nói chung và thỏa thuận nói riêng thường xuyên gặp phải những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đòi hỏi

74

phải có những hướng cải thiện hợp lý.

Trước hết một bản thỏa thuận có hiệu lực chính là cơ sở để giao kết hợp đồng, bởi thế nó phải đảm bảo tính logic, nghĩa là nó có sự ràng buộc về mặt pháp lý và có hiệu lực. Mỗi điểm trong thỏa thuận đều phải rõ ràng, có chủ thể đi kèm để tránh những tranh chấp và kiện tụng có thể xảy ra. Nếu hỏi bất cứ một luật sư nào, họ sẽ trả lời rằng việc kiện cáo rất tốn kém nhưng lại không hiệu quả để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng. Hơn nữa, bạn sẽ mất đi quyền kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến tranh chấp khi có sự xuất hiện của toà án, do đó cần đảm bảo thỏa thuận được giao kết phải logic và chặt chẽ, đảm bảo các yếu tố đã được quy định trong pháp luật và phù hợp với điều kiện của hai bên.

Các cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản dưới luật, nghị định, thông tư hướng dẫn áp dụng các quy định đã được nêu trong Bộ luật Dân sự 2005 về chế định hợp đồng, bởi lẽ luật của ta còn sơ sài và có những khái niệm có thể mang tính trừu tượng như “đạo đức xã hội”…, các vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, do vậy việc ban hành những văn bản như vậy là cần thiết. Trong các văn bản đó, cần quy định chi tiết, dự liệu từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết thỏa đáng, đồng thời vẫn tạo tính mở để các bên chủ động áp dụng.

Bộ luật Dân sự chỉ quy định những nội dung mang tính nền tảng, các luật chuyên ngành phải đưa ra những quy phạm điều chỉnh cụ thể loại thỏa thuận hay hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của mình. Đồng thời không nên nhắc lại những quy định chung đã có trong Bộ luật Dân sự 2005. Chẳng hạn như nguyên tắc tự do tự nguyện thỏa thuận đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 nhưng vẫn được nhắc lại trong Luật Thương mại 2005 tại Điều 11, trong khi đó Luật Xây dựng hay một số luật chuyên ngành khác lại không đề cập đến trong các quy định chung đối với hợp đồng chuyên ngành đó. Việc

75

quy định như vậy khiến quá trình áp dụng gặp khó khăn, một số chủ thể có thể lợi dụng điều đó để nói rằng Luật Xây dựng không quy định nên thỏa thuận giao kết hợp đồng xây dựng không đòi hỏi sự tự nguyện, bên mạnh có thể áp đặt điều kiện cho bên yếu thế mà không khiến thỏa thuận bị vô hiệu. Bởi thế cần thống nhất quan điểm trong quá trình làm luật.

Một số quy định khi đi vào thực tiễn đã thể hiện sự yếu kém của nó: Khoản 2, Điều 122 và Điều 134, Bộ luật Dân sự 2005 có mâu thuẫn: Theo quy định tại khoản 2, Điều 122 thì công chứng, chứng thực… được hiểu là yếu tố cấu thành nên hình thức của hợp đồng trong trường hợp pháp luật bắt buộc, điều này làm cho điều luật không gần với lòng dân, không phục vụ được dân vì làm cho chi phí tăng, quyền định đoạt tài sản bị hạn chế…Thực tế, người dân đã hành xử theo đúng suy nghĩ và lợi ích của mình, họ bỏ qua một số nghĩa vụ (như không công chứng thỏa thuận…) mà một số người quan niệm là vi phạm trật tự công. Rõ ràng, nếu người bán nhà yêu cầu người mua nhà thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng chưa được công chứng; người mua xin gia hạn thanh toán thì quan tòa không thể tự mình tuyên hợp đồng đó vô hiệu chỉ vì lí do hình thức như trên. Đây là quy phạm mang thuộc tính nội dung.

Điều 134 thì lại có thuộc tính hình thức - tố tụng: cho phép các bên khắc phục trong một thời hạn nhất định, như vậy sự khiếm khuyết về hình thức luôn được đảm bảo thi hành. Thế nhưng, thực tế, hợp đồng không tuân thủ về hình thức vẫn bị tuyên vô hiệu.

Để tạo cơ chế thông thoáng cho người dân trong giao kết hợp đồng, giảm chi phí giao dịch thì nên loại bỏ khoản 2, Điều 122, Bộ luật Dân sự 2005 và việc làm đó sẽ kéo theo loại bỏ Điều 134. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật không đơn giản và không phải tiến hành được vào bất cứ lúc nào, bởi thế trước mắt cần có định hướng cụ thể để thẩm phán áp dụng triệt để Điều 134,

76

đảm bảo cho các thỏa thuận được công nhận và cho thì hành trên thực tế theo nguyện vọng của các chủ thể tham gia.

Mặt khác, dù pháp luật hợp đồng nước ta không quá coi trọng vấn đề hình thức của thỏa thuận, nhưng thực tế nếu xảy ra tranh chấp thì là thỏa thuận được ký kết bằng văn bản là một chứng cứ quan trọng, điều này tạo ra nhiều bất lợi cho các đối tác do tin tưởng hoặc quan hệ làm ăn lâu năm mà không tiến hành việc thỏa thuận theo hướng truyền thống đó, đặc biệt trong thời đại thương mại điện tử như ngày nay. Việc pháp luật quy định hợp đồng phải được thiết lập bởi những hình thức nhất định vô tình tạo nên khoảng cách giữa sự thỏa thuận mong muốn của các bên với hiệu lực của hợp đồng. Do đó, khi thực hiện, cần nhìn nhận vấn đề thoáng hơn và chấp nhận việc chứng minh thỏa thuận bằng bất cứ hình thức nào kể cả là nhân chứng như pháp luật nhiều nước quy định.

Một vấn đề nữa là về thỏa thuận bị khiếm khuyết do nhầm lẫn. Thực tế áp dụng cho thấy chỉ những thỏa thuận nhầm lẫn về đối tượng thì mới nên là nguyên nhân dẫn đến sự vô hiệu của thỏa thuận, không nên quy định như pháp luật hiện hành là nhầm lẫn về “Nội dung và mục đích của thỏa thuận”, bởi lẽ các nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá cả tuy cũng là nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng nhưng đó là những vấn đề có thể nằm trong khả năng kiểm soát của các chủ thể, đòi hỏi chủ thể phải tìm hiểu trước khi giao kết hợp đồng [13, tr.221]. Đồng thời cũng nên phân biệt sự nhầm lẫn là từ cả hai phía hay chỉ là nhầm lẫn của một bên để xác định tính vô hiệu, bởi lẽ mức độ nhầm lẫn từ cả 2 bên thông thường sẽ trầm trọng hơn.

Mặc dù không quy định trong luật nhưng khi áp dụng, cũng cần xác định thời điểm nhầm lẫn, chẳng hạn như:

- Nếu 1 bên vào thời điểm giao kết hợp đồng đó không hiểu hoặc hiểu không đúng về sự việc do vậy đã đánh giá không đúng về hậu quả hay khả

77

năng sinh lợi của hợp đồng thì những quy định về nhầm lẫn sẽ được áp dụng. - Nếu 1 bên vào thời điểm ký kết hợp đồng không quan tâm (không hình dung hết) sự việc cũng như không đánh giá đầy đủ khả năng sinh lợi của hợp đồng, đến khi thực hiện hợp đồng mới phát hiện ra những điểm “hớ” của mình và từ chối thực hiện hợp đồng thì những quy định về nhầm lẫn sẽ không được áp dụng.

Đề nghị và chấp nhận đề nghị trên thực tế cũng cần đươc áp dụng linh hoạt hơn. Các nội dung chủ yếu cần được đưa ra để đảm bảo tính chắc chắn cho việc giao kết hợp đồng tương lai, nhưng không nên cứng nhắc những nội dung quy định tại Điều 402, Bộ luật Dân sự 2005 mà phải tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa các bên. Những nội dung được đưa ra chỉ cần là những nội dung thiết yếu, phù hợp với loại hợp đồng sẽ được ký kết và đảm bảo thỏa mãn lợi ích của các bên là đủ, không nhất thiết phải theo đúng các nội dung pháp luật đòi hỏi.

Ngoài ra cũng cần quan tâm đến một vấn đề đó là việc sử dụng án lệ trong chế định hợp đồng nói chung và yếu tố thỏa thuận nói riêng. Pháp luật nước ta về nguyên tắc vẫn chưa thừa nhận đây là một nguồn luật, trong khi thực tiễn áp dụng và xét xử các vụ án liên quan đến hợp đồng lại có mối liên hệ mật thiết với vấn đề này. Do đó, khi xây dựng khung pháp luật về yếu tố thỏa thuận trong hợp đồng, thiết nghĩ nên đặc biệt ghi nhận nó trong qua trình hành pháp, đảm bảo việc thực hành luật không còn cứng nhắc và có những hướng giải quyết thỏa đáng khi không tìm thấy quy định pháp luật, bởi lẽ pháp luật ở trạng thái tĩnh nhiều hơn trong khi cuộc sống của con người thì linh hoạt không ngừng.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 77 - 81)