Cấu trúc của pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 35 - 36)

Cấu trúc của một hệ thống pháp luật có thể được xem xét trên ba phương diện: những bộ phận cấu thành của hệ thống, những chế định quan trọng nhất và cuối cùng là quy phạm pháp luật [12, tr.204].

Trong hệ thống pháp luật bao giờ cũng tồn tại hai khái niệm “Quyền” và “Nghĩa vụ”. Với chế định hợp đồng, ta chủ yếu nghiên cứu phần nghĩa vụ, như là một cơ sở để giao kết và thực thi hợp đồng. Nghĩa vụ bao gồm hành vi pháp lý, sự kiện pháp lý và hiệu lực của luật. Trong hành vi pháp lý lại chia ra hành vi pháp lý đơn phương và hợp đồng. Chế định này lại thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự, bao gồm các phần: giao kết hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, và giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng. Pháp luật Việt Nam không có đạo luật riêng về hợp đồng, mà chế định này được điều chỉnh ở nhiều ngành luật khác nhau, quan trọng nhất là Bộ luật dân sự và Luật thương mại, những loại hợp đồng đặc thù thì được điều tiết ở các đạo luật chuyên biệt. Do vậy việc xem xét cấu trúc pháp luật hợp đồng Việt Nam tương đối phức tạp, chỉ khi pháp luật đã có sự thống nhất một cách hệ thống thì cấu trúc của nó mới dần được định hình rõ nét hơn.

“Những quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 1995 tương đối phù hợp với pháp luật về hợp đồng của các nước khác và có nhiều điểm mới so với các văn bản pháp luật về dân sự trước đó” [11, tr.11].

Các quy định về chào hàng và chấp nhận chào hàng cũng được quy định khá chi tiết và thể hiện sự tiến bộ trong Luật Thương mại 1997.

Tuy nhiên mốc đánh dấu quan trọng nhất đối với pháp luật hợp đồng Việt Nam là sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2005. Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam đã có những bước đi quan trọng. Tất cả các quy định chung về hợp đồng được đưa ra khỏi Luật Thương mại 2005. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 hết hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2006. Các quy định có tính chất luật

32

chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2005 tạo niềm tin lớn hơn và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc áp dụng pháp luật. Mặc dù Bộ luật quy định “Hợp đồng dân sự” nhưng về cơ bản nó được áp dụng cho cả hợp đồng kinh tế, thương mại, các quy định trong này đều hướng đến những vấn đề chung mà bất cứ loại hợp đồng nào cũng gặp phải và cần sự điều tiết của pháp luật.

Như vậy, pháp luật hợp đồng hiện nay của Việt Nam được quy định một cách khái quát và mang tính “gốc’ ở Bộ luật Dân sự 2005, phần thứ ba. Trong đó bao gồm các chế định về giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, đồng thời bộ luật cũng đưa ra và điều chỉnh một số loại hợp đồng dân sự thông dụng. Bộ luật còn quy định các nguyên tắc cơ bản ở chương II phần thứ nhất, đây cũng là một phần quan trọng không thể thiếu khi xem xét chế định hợp đồng. Các quy phạm này điều tiết chung cho tất cả các hợp đồng được giao kết trong đời sống Việt Nam, bao gồm cả hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Với các hợp đồng chuyên biệt như hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tín dụng, hợp đồng vận chuyển bằng đường biển, đường không… còn được quy định chi tiết trong các đạo luật chuyên ngành như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng…. Các quy phạm trong đó đề cập cụ thể và sát thực hơn về loại hợp đồng đó, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc chung đã được quy định trong Bộ luật Dân sự.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)