Quy định về chủ thể của sự thỏa thuận

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 39 - 42)

Chủ thể của thỏa thuận trong trường hợp đặc biệt trên thực tế có thể chỉ là 1 người như phân tích ở trên, nhưng về cơ bản và thông thường thì chủ thể thỏa thuận là từ 2 người trở lên, như thế thì mới có được sự bàn bạc, thương lượng, sự gặp gỡ giữa các ý chí để đi tới giao kết hợp đồng.

Chủ thể có thể là cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác:

* Đối với cá nhân thì phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi để giao kết hợp đồng. Năng lực pháp luật của cá nhân xuất hiện từ khi sinh ra và chấm dứt khi người đó chết, bởi thế về nguyên tắc bất cứ ai cũng có đủ năng lực pháp luật để thực hiện một hành vi pháp lý. Vấn đề cần xem xét là năng lực hành vi của người đó. Pháp luật chia năng lực hành vi của con người thành nhiều loại khác nhau, tương ứng với nó là những khả năng khác nhau để tham gia vào các giao dịch cũng như khả năng đáp ứng điều kiện có hiệu lực của một thỏa thuận.

Điều 122 BLDS Việt Nam 2005,điểm a khoản 1 quy định một trong những điều kiện để Giao dịch dân sự có hiệu lực là “Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự”. “có” chứ không phải “đủ”, bởi thế có thể xét đến nhiều trường hợp:

+ Người đủ năng lực hành vi đương nhiên có thể tham gia thỏa thuận. Theo quy định tại các Điều 17,18,19, Bộ luật Dân sự 2005 thì đó là những người từ đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Tuy nhiên cũng có ngoại lệ đối với những người tuy đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng lại mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng nhận

36

thức, làm chủ được hành vi của mình thì sẽ bị tuyên ‘mất năng lực hành vi”, những người này không được tự mình thỏa thuận mà phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện (Điều 22, Bộ luật Dân sự 2005).

Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi (do nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác…) thì các thỏa thuận của họ phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (Điều 23 Bộ luật Dân sự 2005).

+ Người không đủ năng lực hành vi:

- Người chưa đủ 6 tuổi thì không có năng lực hành vi, mọi thỏa thuận liên quan đến hợp đồng đều phải phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (Điều 21, Bộ luật Dân sự 2005)

- Thỏa thuận của người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng đủ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập những thỏa thuận mà không cần có sự đồng ý của người đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 20, Bộ luật Dân sự 2005)

Trong điều khoản này có một vấn đề cần xét đến đó là “Giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi”, pháp luật quy định đối tượng trên có quyền tự mình thực hiện giao dịch này, tức là những thỏa thuận như vậy sẽ có hiệu lực pháp luật.

Ví dụ : A 14 tuổi, hàng ngày bố mẹ đi làm nên A ăn cơm trưa tại một nhà hàng. A thỏa thuận với nhà hàng đó ký một hợp đồng ăn cơm trưa, thỏa thuận này có hiệu lực vì nó phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của A. [17, tr.26]

* Về năng lực của pháp nhân:

Khác với con người cụ thể, việc xác định năng lực tham gia thỏa thuận của các tổ chức tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật

37

như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã…. Quy định về điều kiện có hiệu lực như trên cũng như những quy định khác trong Bộ luật dân sự và các văn bản khác hầu như không đề cập trực tiếp đến vấn đề này, từ đó đặt ra một câu hỏi về điều kiện năng lực của pháp nhân để thỏa thuận có hiệu lực.

Pháp nhân là một chủ thể đặc biệt, những quy định chung về pháp nhân có thể tìm thấy từ Điều 84 đến Điều 99, Bộ luật Dân sự 2005. Đối với pháp nhân thì thẩm quyền giao kết hợp đồng đươc xác định kết hợp giữa năng lực hành vi của người đại diện và điều kiện, phạm vi kinh doanh… Thẩm quyền và năng lực thiết lập thỏa thuận là do pháp luật quy định hoặc được ghi nhận trên cơ sở pháp luật. Do vậy, pháp luật chỉ công nhận và bảo vệ những thỏa thuận do chủ thể có thẩm quyền giao kết, ngược lại thỏa thuận đó sẽ không được công nhận, không có hiệu lực pháp luật - vô hiệu.

Vấn đề thiếu năng lực hành vi không được đặt ra với pháp nhân vì khái niệm này chỉ thuộc về con người tự nhiên.

Một vấn đề đặt ra là pháp nhân được tạo thành bởi sự liên kết của nhiều cá nhân, bản thân nó không phải là một con người thực tế, việc xác lập, thực hiện thỏa thuận buộc phải thông qua người đại diện của chủ thể đó, bởi vậy cũng cần xem xét năng lực hành vi của người đại diện này.

“Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự” (Điều 86, khoản 3, Bộ luật Dân sự 2005). Người đại diện được xác định theo quy định của pháp luật, quyết định thành lập của cơ quan nhà nước hoặc điều lệ của pháp nhân. Thông thường là người đứng đầu pháp nhân (đại diện theo pháp luật) hoặc một thành viên nào đó của pháp nhân (đại diện theo ủy quyền). Người đại diện có thể ủy quyền cho người khác thỏa thuận nhưng không được tùy tiện mà phải theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của pháp nhân. Sự thay đổi

38

người đại diện không làm ảnh hưởng đến pháp nhân và thỏa thuận liên quan đến pháp nhân vẫn được thi hành.

Người đại diện phải có quyền đại diện, có ý chí đại diện và ý chí thỏa thuận - ý chí giao kết hợp đồng. Đương nhiên người này cũng phải có năng lực hành vi để tiến hành thỏa thuận thì thỏa thuận đó mới có hiệu lực. Hành vi xác lập, thực hiện thỏa thuận của người này cũng chỉ được coi là hành vi của người đại diện của pháp nhân khi nó được tiến hành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của pháp nhân.

Trường hợp chọn người không có năng lực hành vi làm người đại diện sẽ không được chấp nhận.

* Ngoài ra để thỏa thuận có hiệu lực pháp luật và trở thành một hợp đồng thì giữa các chủ thể phải có sự gặp gỡ ý chí, bản thân họ phải nhận thức được và có ý chí ràng buộc về mặt pháp lý bởi sự thỏa thuận đó. Quy định này không được đề cập trực tiếp trong pháp luật về hợp đồng của Việt Nam nhưng là một điều kiện hết sức cần thiết để tạo nên một thỏa thuận, nó là cơ sở cho một thỏa thuận chính đáng và hợp lý về mặt lợi ích của các bên. Chỉ khi có ý chí như vậy thì họ mới có thể nhìn nhận thỏa thuận một cách nghiêm túc và có trách nhiệm thực sự với những vấn đề được đặt ra.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 39 - 42)