Hiệu lực của sự thỏa thuận

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 53 - 54)

Như đã nói, khi xem xét một thỏa thuận, cần đặt nó trong những hoàn cảnh nhất định. Tính hiệu lực của một thỏa thuận do đó cũng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thông thường thỏa thuận là yếu tố đầu tiên của hợp đồng, nó gồm hai thành tố là đề nghị và chấp nhận đề nghị, bởi vậy thỏa thuận hình thành và có hiệu lực sau khi chấp nhận đề nghị có hiệu lực và thỏa mãn điều kiện để có thể dẫn đến một bản hợp đồng có giá trị pháp lý ràng buộc các bên. Trường hợp có yêu cầu về hình thức thì còn phải thỏa mãn điều kiện đó. Thời điểm hiệu lực có thể do các bên thỏa thuận, nếu không thì do pháp luật quy định. Thỏa thuận có hiệu lực sẽ ràng buộc các bên tạo lập nên nó. Tính hiệu lực cũng có thể được xem xét dưới khía cạnh tuyệt đối hay tương đối, từ đó lấy làm cơ sở cho việc giao kết hợp đồng.

Ví dụ một thỏa thuận vi phạm về hình thức thì có thể khắc phục được nhưng một thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật thì không thể được công nhận để có hiệu lực ràng buộc các bên.

50

Mặt khác, một thỏa thuận được thiết lập bởi hành vi của các chủ thể hoặc người đại diện của các chủ thể, và bản chất của sự thỏa thuận là tự nguyện, bình đẳng. Để xác định tính hiệu lực của thỏa thuận, không thể không xem xét toàn bộ các yếu tố cấu thành nên nó theo những căn cứ pháp lý nhất định. Thỏa thuận có hiệu lực pháp luật là luật được cưỡng chế thi hành đối với các bên.

Hiệu lực của thỏa thuận được đặt ra tại thời điểm giao kết, bởi lẽ các bên thiết lập thỏa thuận bằng chính hành vi của mình, việc xác định tính hợp pháp của hành vi phải được xác định tại thời điểm hành vi đó được thực hiện. Một thỏa thuận được xác định là vô hiệu thì thời điểm vô hiệu đương nhiên cũng được xác định từ khi giao kết. Đây là đặc điểm căn bản có tính quyết định để phân biệt thỏa thuận vô hiệu và thỏa thuận mất hiệu lực. Đó là những thỏa thuận có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết nhưng bị mất hiệu lực theo luật định trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Ví dụ hai bên giao kết hợp đồng mua bán pháo nổ, tại thời điểm giao kết nội dung của hợp đồng hoàn toàn hợp pháp, nhưng trong thời hạn một bên chuẩn bị hàng, thủ tướng chính phủ ban hành quyết định về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Sự kiện pháp lý này làm hợp đồng mua bán pháo giữa hai bên bị mất hiệu lực.

Về hiệu lực của thỏa thuận, cũng cần lưu ý: “Khi hành vi không được thừa nhận là hợp pháp thì mọi sản phẩm tạo ra từ hành vi đó thường được coi là bất hợp pháp. Một thỏa thuận được hình thành từ hành vi bất hợp pháp của các bên thì đương nhiên bị vô hiệu” [14, tr.14].

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Lý luận và thực tiễn về sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)