Nguồn của pháp luật hợp đồng nghĩa là hình thức ghi nhận và ban hành quy phạm pháp luật hợp đồng. Đơn giản hơn, “Tìm thấy các quy định của pháp luật hợp đồng ở đâu, nơi ấy được gọi là nguồn” [17, tr.17].
Nguồn của pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay bao gồm:
33
- Hiến pháp 2013: Mặc dù trong Hiến pháp không có điều luật cụ thể về chế định hợp đồng nhưng các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp vẫn có giá trị pháp lý tối cao đối với chế định này, bởi thế cũng cần phải xem xét nó với tư cách một loại nguồn. Ví dụ Điều 33 “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Quyền tự do kinh doanh chính là nền tảng cho tự do hợp đồng.
- Bộ luật Dân sự 2005: Những quy định về hợp đồng được điều chỉnh khá chi tiết tại Phần ba “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự” với rất nhiều những điều khoản vừa mang tính lý luận chung vừa có tính cụ thể với những quy định điều tiết các loại hợp đồng dân sự thông dụng. Ngoài ra cũng có thể tìm thấy những vấn đề liên quan ở các quy định khác trong bộ luật như về giao dịch dân sự, về chuyển quyền sử dụng đất, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài…
- Luật Thương mại 2005: Cùng với Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại cũng được xem là đạo luật căn bản nhất liên quan đến hợp đồng. Có thể tìm thấy các quy định liên quan đến hợp đồng ở bất cứ điều luật nào, như về hợp đồng mua bán hàng hóa, đại lý, nhượng quyền thương mại…
- Ngoài ra các đạo luật điều chỉnh các loại hợp đồng chuyên biệt như Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Xây dựng…cũng được xem là nguồn của pháp luật hợp đồng. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cũng điều tiết rất nhiều lĩnh vực liên quan đến hợp đồng.
(2) Các nghị quyết, hướng dẫn và tổng kết của Tòa án Nhân dân Tối cao
Pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận án lệ hay các học thuyết là một loại nguồn của pháp luật. Tuy nhiên thực tế các hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, các phán quyết và nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã bắt đầu được tái công bố từ năm 2004 đang tạo thành một
34
nguồn pháp luật tương tự như án lệ và đôi khi cũng trở nên rất quan trọng đối với pháp luật hợp đồng.
(3) Thói quen, tập quán thương mại
Thói quen và tập quán được áp dụng trong trường hợp pháp luật không có quy định cụ thể hay các bên không có thỏa thuận (với điều kiện chúng không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và đạo đức xã hội).
Đối với hợp đồng có tính chất quốc tế như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế… thì các bên có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng là luật nước ngoài, các công ước quốc tế, Incoterms 2000, Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế…Chúng cũng có thể được xem là một loại nguồn của pháp luật hợp đồng Việt Nam trong những giao dịch cụ thể.
Với một hệ thống nguồn phong phú như vậy, các bên khi tham gia quan hệ hợp đồng cần có cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp. Nguyên tắc chung là luật chuyên ngành được áp dụng trước luật chung, nghĩa là đi từ cái cụ thể, chuyên biệt rồi mới đến quy định chung, phổ quát hơn.Với từng hoàn cảnh cụ thể, phải xác định đâu là luật chung, luật chuyên ngành, từ đó đi tìm quy định điều chỉnh trực tiếp vấn đề, nếu không tìm thấy thì mới đọc đến các quy định mang tính khái quát hơn. Việc làm này sẽ giúp tìm được giải pháp thực tế và đúng đắn hơn cho hợp đồng đang được đề cập.