Nhận thức được vai trò của công cụ quản lý nợ công Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ công thông qua bốn công cụ: Cụ thể, các công cụ đó là: Chiến lược dài hạn về nợ công; chương trình quản lý nợ trung hạn; Kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ; Các chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công [9].
Một là, chiến lược dài hạn về nợ công gồm các nội dung như đánh giá
thực trạng nợ công và công tác quản lý nợ công trong giai đoạn thực hiện Chiến lược đó; mục tiêu, định hướng, các giải pháp, chính sách đối với quản lý nợ công được xây dựng trong khuôn khổ chiến lược tài chính quốc gia, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, các kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ cũng như các nghị quyết, quyết định về chủ trương huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ của Đảng, Nhà nước, Chính Phủ… Có thể thấy rằng, chiến lược dài hạn là vấn đề lớn, có vai trò định hướng hoạt động vay nợ trong từng thời kỳ, thuộc chính sách tài chính quốc gia và nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thuộc thẩm quyền quyền quyết định của Quốc Hội đã được quy định tại Điều 84 của Hiến pháp.
Hai là, chương trình quản lý nợ trung hạn gồm các mục tiêu, nhiệm vụ
và giải pháp về huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và cơ chế, chính sách, tổ chức quản lý nợ trong giai đoạn 3 năm liền kề để thực hiện các chỉ tiêu an toàn về nợ đã được Quốc hội xác định trong mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công. Việc xây dựng chương trình quản lý nợ trung hạn được quy định rõ cần phải dựa vào chiến lược dài hạn về nợ công; các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ và thực trạng nợ hiện tại
Ba là, kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ có nội
dung gồm: Kế hoạch vay trong nước (gồm kế hoạch huy động vốn cho ngân sách nhà nước và kế hoạch huy động vốn cho đầu tư phát triển); kế hoạch vay nước ngoài, được thực hiện thông qua các hình thức huy động, gồm vay ODA, vay ưu đãi, vay thương mại và được chi tiết theo chủ nợ nước ngoài; Kế hoạch trả nợ, được chi tiết theo chủ nợ, có phân định trả nợ gốc và trả nợ lãi, trả nợ trong nước và trả nợ nước ngoài.
Bốn là, các chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công. Theo Nghị định số
79/2010/NĐ-CP, có 8 chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, bao gồm: Nợ công so với GDP; Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; Nợ Chính phủ so với GDP; Nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; Nghĩa vụ nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; Nghĩa vụ nợ dự phòng so với thu ngân sách nhà nước; Hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ. Đây chính là một trong những công cụ đánh giá tính bền vững của nợ công, dựa vào tiêu chí tỷ lệ nợ công/GDP được coi là tiêu chí đánh giá phổ biến nhất. Để bào đảm an toàn của nợ công, các nước thường sử dụng tiêu chí sau làm giới hạn vay và trả nợ: (i) Giới hạn nợ công không vượt quá 50% - 60% GDP hoặc không vượt quá 150% kim ngạch xuất khẩu, ii) Dịch vụ trả nợ công không vượt quá 15% kim ngạch xuất khẩu và không vượt quá 10% chi ngân sách [18].
Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ hợp lý với trường hợp các nước đang phát triển nên ở mức dưới 50% GDP. Tuy nhiên, trên thực tế không có hạn mức an toàn và ngược lại. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có tỷ lệ nợ bằng 96% GDP, nhưng vẫn được xem là ngưỡng an toàn. Trong khi đó, nhiều nước có tỷ lệ nợ trên GDP thấp hơn rất nhiều nhưng đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ như Argentina năm 2001 là 45% GDP; Ukraina năm 2007 với 13%
GDP... Vì vậy, để đánh giá đúng mức độ an toàn của nợ công, không thể chỉ quan tâm đến tỷ lệ nợ trên GDP, mà cần phải xem xét một cách toàn diện trong mối liên hệ với hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nhất là tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động tổng hợp, hiệu quả sử dụng vốn (qua tiêu chí ICOR).
Đây chính là các chỉ tiêu quy định giới hạn tối đa về nợ có liên quan do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ 5 năm theo thẩm quyền của Quốc hội. Thông qua những chỉ tiêu này cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện theo dõi thường xuyên tình trạng nợ, phân tích, đánh giá mức độ rủi ro đối với danh mục nợ, từ đó kịp thời đưa ra những điều chỉnh chính sách quản
lý công phù hợp.