phát triển bền vững đối với quản lý nợ công
1.2.2.1. Quan niệm về phát triển bền vững
Phát triển bền vững là xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới. Đó cũng là mục tiêu chiến lược quan trọng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện. Phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và được thể hiện rõ nét trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng như của các ngành và địa phương của Việt Nam.
Việt Nam đã tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, kinh tế tăng trưởng khá nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Phát triển bền vững là một khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải đảm bảo sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa… riêng của quốc gia mình để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó.
Xét theo nghĩa của thuật ngữ “phát triển bền vững” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN)
với nội dung rất đơn giản: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú
trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học” [45].
Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Bundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Bundtland). Báo cáo này ghi
rõ: Phát triển bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu
hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...” [45]. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo
đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội – môi trường.
Theo Tổ chức ngân hàng phát triển Châu Á (ADB):
Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai [45].
Theo các chuyên gia kinh tế về lĩnh vực ngân sách thì để phát triển bền
vững trong quản lý nợ công, họ cho rằng “quản lý nợ công bền vững đó là nợ
công ngày hôm nay phải được tài trợ bằng thặng dư ngân sách ngày mai” [1]. 1.2.2.2. Các yêu cầu về phát triển bền vững đối với quản lý nợ công
Phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và được thể hiện rõ nét trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng như của các ngành và địa phương của Việt Nam. Nội hàm khái niệm phát triển bền vững của Việt Nam không giống với các nước khác. Theo quan điểm nêu trên, sự phát triển bền vững của Việt Nam cần phải được bổ sung ba yêu cầu quan trọng để sự phát triển đó phải thật sự bền vững, đó là: (i) phải phát triển đúng
với tiềm năng; (ii) phải phát triển mạnh hơn sức ép, và (iii) phải phát triển tương xứng với cơ hội [42].
Nếu sự phát triển của Việt Nam với những chỉ số tuyệt đối dù cho có tốt đến đâu mà vẫn xa với cơ hội, vẫn yếu hơn sức ép, và vẫn kém xa cơ hội thì sự phát triển đó chắc chắn thiếu tính bền vững [42].
Ba yêu cầu của phát triển bền vững của Việt Nam nêu trên không chỉ là của riêng Việt Nam mà còn có tính đại diện chung cho rất nhiều các quốc gia đang phát triển có quy mô nhỏ và trung bình trên thế giới, cho kể cả quốc gia đã phát triển gần như cực đỉnh về vật chất.
Để phát triển bền vững, chúng ta phải nhận ra được một trong những nguyên nhân nội tại hàng đầu làm cho chúng ta phát triển kém bền vững. Trong lĩnh vực nợ công cũng vậy, chúng ta phải biết được nguyên nhân nào dẫn đến nợ công tăng cao làm ảnh hưởng đến tính bền vững của quản lý nợ công. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ công của mỗi quốc gia. Ở mỗi nước và tùy từng thời kỳ lại có các nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, tại Hy Lạp, nguyên nhân gia tăng nợ là những số liệu được làm giả để đối phó với các điều kiện khắt khe của Liên minh châu Âu; Tại Ailen, nguyên nhân là hệ thống ngân hàng quá yếu kém lại không được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tình trạng nợ công hiện nay ở nhiều nước đều có chung một số nguyên nhân cơ bản như: Sự kiểm soát chi tiêu và quản lý nợ của Nhà nước yếu kém, không chặt chẽ, thậm chí bị buông lỏng, cộng thêm với tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư và chi tiêu, cùng với tệ tham nhũng gia tăng ở nhiều nước, cũng trở thành nguyên nhân không kém phần quan trọng. Bên cạnh đó, các nguồn thu (chủ yếu từ thuế) tăng không kịp với nhu cầu chi, thậm chí một số loại thuế chịu áp lực phải cắt giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt như thuế quan và phí hải quan của hầu hết các nước phải cắt giảm hoặc loại bỏ để phù hợp với các quy định của WTO và các thỏa thuận thương mại khác mà họ tham gia. Cùng với đó, vấn đề quản
lý các nguồn thu, nhất là thuế, gặp không ít khó khăn ở nhiều nước do tình trạng trốn thuế, tệ tham nhũng, hối lộ, kiểm soát không chặt và xử lý không nghiêm của các cơ quan chức năng [3, tr. 26, 27].
Khi nợ công tăng cao, vượt quá xa giới hạn được coi là an toàn, nền kinh tế sẽ rất dễ bị tổn thương và chịu nhiều sức ép cả bên trong và bên ngoài. Với tình hình hiện nay, khi cuộc khủng hoảng nợ công với tâm chấn là Hy Lạp đang có nguy cơ lan tỏa sang nhiều nền kinh tế khác, Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng thì vấn đề đặt ra là các nhà hoạch định chính sách phải quản lý nợ công như thế nào để đảm bảo tính an toàn bền vững?
Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động quản lý nợ công, việc quản lý nợ công của Nhà nước phải đáp ứng được các yêu cầu phát triển
bền vững sau đây:
Thứ nhất, quản lý nợ công trước hết phải phù hợp với đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ phát triển của đất nước, tận dụng các thuận lợi có được trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Vay nợ là tất yếu để phát triển kinh tế nhưng phải có kế hoạch cụ thể về trả nợ, đồng thời giám sát và quản lý chặt chẽ các khoản nợ để không rơi vào khủng hoảng. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, cần gắn với các công cụ, kế hoạch phù hợp để phát triển bền vững theo
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2011-2020 [43, tr.19].
Thứ hai, yêu cầu về khung pháp lý về quản lý nợ công phải đảm bảo
đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến khâu thực hiện và áp dụng các quy định pháp luật về nợ công. Để làm được điều đó, trước tiên cần học hỏi kinh nghiệm cũng như khuyến nghị từ các tổ chức thế giới và các nước về quản lý nợ công trên cơ sở phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước. Từ đó mới có những quy định đồng bộ về khung pháp lý, cơ quan quản lý,
công cụ quản lý nợ công, quyền và nghĩa vụ các cơ quan quản lý, minh bạch về thông tin và các chính sách quản lý nợ, công khai chế độ báo cáo nợ, khuôn khổ quản lý rủi ro, chiến lược quản lý nợ… đồng thời kiện toàn cơ chế thực thi,
giám sát việc thực thi pháp luật trên thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ ba, yêu cầu chú trọng xây dựng chiến lược, công cụ quản lý góp
phần khai thác tốt các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ vững ổn định, an toàn cho ngân sách
nhà nước, an ninh tài chính quốc gia.
Thứ tư, yêu cầu về ràng buộc cán cân ngân sách áp đặt một số giới hạn
cho cân bằng ngân sách cơ bản: giá trị hiện tại của thặng dư ngân sách phải lớn hơn hoặc bằng giá trị hiện tại của khoản nợ công ban đầu – nghĩa là nếu ngân sách đang thâm hụt và nợ công là một số dương thì ngân sách tương lai buộc phải thặng dư. Có thể nhận thấy mức thâm hụt ngân sách phản ánh giá trị tuyệt đối của nợ công Chính phủ. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi khoảng cách thâm hụt nhỏ, những khoản vay bù đắp giảm đi, làm cho nợ
công được hạn chế.
Thứ năm, yêu cầu về mức độ chặt chẽ của kỷ luật tài khóa. Do đó quản
lý nợ công phải có các chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công như: tham ô, lạm dụng, lạm quyền… để trừng trị và răn đe giúp quản lý tốt vốn vay. Bởi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thâm hụt ngân sách, sai lệch thông tin về nợ công dẫn tới khủng hoảng
nợ công ở một số quốc gia.
Thứ sáu, yêu cầu cách tính nợ công phải tính đến các nghĩa vụ nợ phát
sinh trong tương lai như nghĩa vụ về chi trả bảo hiểm xã hội và các nghĩa vụ
nợ phát sinh từ khối doanh nghiệp nhà nước.
Thứ bảy, yêu cầu về tính minh bạch đối với chế độ báo cáo thông tin về
nợ công. Bởi đây là một trong những nguyên nhân làm sai lệch thông tin về số liệu nợ thực hoặc làm gia tăng nợ tại một số nước đã xảy ra.