1.2.1. Motif và motif hôn nhân khác thường
Trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, Motif là một trong những thuật ngữ được tìm hiểu từ rất sớm và được sử dụng nhiều nhất để nghiên cứu văn học dân gian. Người ta tiến hành phân tích motif để khai thác những tầng nghĩa sâu xa được lồng ghép trong mỗi motif, những biểu tượng mang ý nghĩa văn hóa và có tính lịch sử đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Với tư cách là một thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất trong ngành nghiên cứu văn học dân gian, chúng tôi sẽ tiến hành giới thuyết một số quan điểm về motif của các nhà nghiên cứu để có cái nhìn khái quát về thuật ngữ motif.
1.2.1.1.Khái niệm motif
Trong quá trình khảo sát các định nghĩa về motif, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau về thuật ngữ motif, tuy nhiên, chúng tôi xin dẫn ra hai cách hiểu sau đây về thuật ngữ motif:
Theo Từ điển thuật ngữ văn học của các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi có nêu: “Mô típ – tiếng Hán Việt gọi là “Mẫu đề” (do người Trung Quốc phiên âm chữ “mô típ” trong tiếng Pháp) có thể chuyển thành các từ “khuôn”, “dạng” hoặc “kiểu” trong tiếng Việt, nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học, nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian”(Lê Bá Hán et al., 1999).
Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học cho rằng: “Motip là thành tố bền vững, vừa mang tính hình thức vừa mang tính nội dung của văn bản văn học. Motip có thể được phân xuất ra từ trong một hoặc một số tác phẩm văn học, của một nhà văn hoặc trong văn cảnh toàn bộ sáng tác của nhà văn ấy, hoặc trong văn cảnh một
khuynh hướng văn học, một thời đại văn học nào đó” (Lại Nguyên Ân, 2017). Từ đó, có thể thấy, motif là đơn vị nhỏ nhất tham gia vào việc xây dựng nên cốt truyện. Chúng có tính bền vững, ổn định và thường xuyên xuất hiện lặp đi lặp lại trong nhiều cốt truyện. Motif cũng gắn với cá nhân tác giả và cảm quan nghệ thuật của tác giả với việc phân tích cấu trúc chỉnh thể của tác phẩm.
Có thể dẫn ra một số motif cơ bản xuất hiện trong truyện kể dân gian như:
motif thiện - ác, motif tái sinh, motif chiếc giày, motif người mang lốt, motif dũng sĩ
diệt quái vật, motif mẹ ghẻ con chồng, motif sự ra đời thần kì,…Đây là những motif
phổ biến trong kho tàng văn học dân gian của các nước trên thế giới. Ở giai đoạn sau, khi văn học viết bắt đầu phát triển và đạt được những thành tựu nhất định. Chúng ta thấy, khái niệm motif cũng được sử dụng trong văn học viết. Cụ thể, motif đã xuất hiện trong văn xuôi tự sự trung đại, đặc biệt hơn là ở thể loại truyền kỳ. Trong các tác phẩm truyền kỳ Việt Nam có một số motif phổ biến như: motif kỳ ngộ, motif nhập mộng, motif kẻ sĩ, motif tiên nữ, motif yêu nữ, motif hiển linh - báo
ứng,… trong đó có motif hôn nhân khác thường.
Từ đó nhận thấy, motif giữ một vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu, đồng thời nó cũng chính là cái nòng cốt, cái hạt nhân trong cấu tạo của cốt truyện. Chính vì thế, nghiên cứu motif có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở ra con đường khám phá kho tàng văn học cũng như văn hóa lịch sử của các nước.
1.2.1.2.Motif trong mối quan hệ với Type
Bên cạnh Motif, Type là thuật ngữ được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm và được nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm của mình về khái niệm type. Về khái niệm này, chúng tôi xin được dẫn ra một số quan điểm như sau:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc trong công trình Truyện kể dân gian: đọc
bằng type và Motif đã dẫn ra quan điểm của nhà nghiên cứu Stith Thompson về type
như sau: “Type là những cốt kể có thể tồn tại độc lập trong kho truyện truyền miệng. Dù đơn giản hay phức tạp, truyện nào cũng được kể như cốt kể độc lập đều được xem là một type. Có những truyện kể dài chứa đựng hàng tá motif, lại có những truyện kể ngắn như những mẫu kể trong các chùm truyện về súc vật, có thể
chỉ có một motif đơn lẻ. Trong trường hợp đó, type và motif đồng nhất.” (Nguyễn Tấn Đắc, 2001). Từ đó có thể thấy rằng, trong một kiểu truyện có thể có sự hiện diện của các motif, tuy nhiên không phải truyện nào cũng sẽ có đầy đủ tất cả các motif ấy.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc cũng trong bài nghiên cứu có tựa đề Nghiên
cứu truyện dân gian Đông Nam Á (Bằng Motif và Type), được in trong công trình
Văn học Việt Nam, Văn học dân gian, Những công trình nghiên cứu do các tác giả
Bùi Mạnh Nhị, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp tổng hợp, ông cũng bày tỏ quan điểm: “khoa văn học dân gian sử dụng khái niệm type để chỉ một tập hợp những mẫu truyện kể dân gian có chung một cốt truyện” (Nguyễn Tấn Đắc, 1998, được trích dẫn trong Bùi Mạnh Nhị, 2000)
Theo Từ điển văn học (bộ mới), của các tác giả Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá cho rằng: “Tập hợp những truyện có cùng chủ đề và cốt truyện tương tự nhau, được gọi là kiểu truyện” (Đỗ Đức Hiểu et al., 2005)
Từ những quan điểm như trên về khái niệm type, chúng tôi đưa ra cách hiểu của mình về type là tập hợp những truyện có chung cốt kể, có chung chủ đề. Nghiên cứu type và motif là con đường giải mã tốt nhất cho lĩnh vực nghiên cứu văn học nói chung và nghiên cứu truyền kỳ nói riêng.
Về mối quan hệ giữa type và motif, chúng tôi nhận thấy rằng type và motif là
những thành tố vừa mang tính đặc trưng vừa mang tính bền vững. Giữa type và motif có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau. Nhà nghiên cứu La Mai Thi Gia trong bài nghiên cứu Nghiên cứu motif trên bình diện mối quan hệ giữa motif và
cốt truyện cho rằng một điểm đặc biệt thú vị là giữa type và motif có sự chuyển hóa
và thay đổi vai trò cho nhau tùy theo cấu tạo của mỗi cốt truyện. Đối với những cốt truyện chỉ có một motif thì motif ấy sẽ đóng vai trò là type. Nếu motif ấy di chuyển sang một cốt truyện khác phức tạp hơn và đóng vai trò là thành phần của cốt truyện phức tạp bên cạnh những thành tố khác, khi ấy, type đã chuyển hóa thành motif.
Dựa vào mối quan hệ biện chứng như trên về sự chuyển hóa giữa type và một motif, có thể phân loại motif thành hai loại chính sau đây: motif chủ đề và motif tình tiết. Trong đó, motif chủ đề là motif có thể phát triển thành cốt truyện. Tập hợp các
truyện có chung chủ đề, có chung cốt kể gọi là type truyện. Còn motif tình tiết là motif có vai trò là chi tiết trong một cốt truyện, nó cùng với các tình tiết khác kết hợp với nhau để tạo thành một cốt truyện hoàn chỉnh.
Từ việc nghiên cứu về type và mối quan hệ giữa type và motif, chúng tôi nhận thấy cả type và motif đều là những đối tượng nghiên cứu quan trọng và có giá trị đặc biệt cho con đường giải mã văn học. Việc tìm hiểu mối quan hệ chuyển hóa giữa type và motif sẽ là cơ sở tiền đề để chúng tôi giải quyết vấn đề được đặt ra ở chương ba của luận văn.
1.2.1.3.Khái niệm motif hôn nhân khác thường
Vấn đề hôn nhân khác thường không phải là vấn đề xa lạ đối với văn học các nước trên thế giới, đặc biệt là văn học dân gian Việt Nam. Với quan niệm “vạn vật hữu linh” của người nguyên thủy thì mọi sự vật, hiện tượng xung quanh con người đều có linh hồn, chúng cùng tồn tại song song với thế giới con người và có sự tác động đến thế giới con người. Đó là những lực lượng siêu nhiên với khả năng siêu nhiên bao gồm: thần, thánh, tiên, yêu, ma, quỷ quái,…Và con người tin rằng giữa họ với những thế lực siêu nhiên ấy có mối quan hệ mật thiết với nhau. Một trong những biểu hiện cho mối quan hệ ấy chính là những câu chuyện, giai thoại dân gian về việc hôn nhân được xảy ra giữa một đối tượng là người với một đối tượng thuộc thế giới siêu nhiên.
Trong văn học dân gian, đặc biệt là ở thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích, các tác phẩm phản ánh hình thức hôn nhân giữa người với một đối tượng siêu nhiên chiếm số lượng rất lớn. Đó có thể là hôn nhân giữa người với thần linh, thần tiên, hoặc hôn nhân giữa người với vật,…Những hình thức hôn nhân này xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm tạo thành một motif truyện quen thuộc mà chúng ta có thể gọi là motif hôn nhân kì lạ, khác thường. Motif này góp phần phản ánh quan niệm của con người về thế giới tự nhiên cũng như làm sáng rõ hơn về quan niệm của con người về mối quan hệ nhân sinh, về gia đình, xã hội, phong tục tập quán,…
Từ những buổi đầu phát triển, văn học viết một phần chịu ảnh hưởng từ văn học dân gian, trong đó, có thể loại truyền kỳ. Các tác giả vẫn thường vay mượn
những cốt truyện của truyện kể dân gian hoặc các mẫu đề thần thoại, huyền thoại để làm chất liệu sáng tác, đặc biệt là các motif. Làm cho các tác phẩm truyền kỳ mang đậm dấu ấn của văn học dân gian. Chẳng hạn như: motif thụ thai, sự ra đời thần kì,
motif xuống thủy phủ, lên cung tiên, motif duyên kỳ ngộ và đặc biệt là motif hôn
nhân khác thường.
Bên cạnh đó, motif hôn nhân khác thường cũng được nhắc đến trong công trình nghiên cứu của tác giả Đinh Phan Cẩm Vân với nhan đề Tiếp cận thể loại văn
học cổ Trung Quốc. Trong công trình này, tác giả có nhắc đến motif hôn nhân khác
thường ở hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, tác giả bàn về motif hôn nhân khác thường trong truyền kỳ Trung Quốc. Tác giả cho rằng gọi là hôn nhân khác thường vì ở những cuộc hôn nhân này con người có thể kết duyên cùng tiên, ma, tinh loài vật, hồn cây cỏ,…Trong motif hôn nhân khác thường sẽ có ba dạng thức cơ bản như sau: người lấy tiên, người chung sống với hồn phách và người chung sống với tinh
loài vật, hồn cây cỏ. Khía cạnh thứ hai, tác giả bàn về motif hôn nhân khác thường
trong truyền kỳ Việt Nam từ phương diện tiếp nhận thể loại. Trong mục này, tác giả cũng đề cập đến ba dạng thức: người lấy tiên, người chung sống với hồn phách và
người chung sống với tinh loài vật, hồn cây cỏ. Tác giả đưa ra một vài tác phẩm ví
dụ để thấy được sự tiếp nhận từ phương diện thể loại của truyền kỳ Việt Nam so với truyền kỳ Trung Quốc. Đây là nguồn tài liệu quý báu để chúng tôi triển khai những phần tiếp theo của luận văn.
Từ đó thấy được, motif hôn nhân khác thường là một motif cơ bản và có giá trị. Chúng không chỉ xuất hiện trong văn học dân gian mà còn xuất hiện trong văn học viết, cụ thể là trong truyền kỳ. Chính vì thế, motif cũng như motif hôn nhân khác thường không còn là đối tượng riêng của ngành nghiên cứu văn học dân gian mà nó nên được nới rộng ranh giới trở thành một đối tượng nghiên cứu trong truyền kỳ nói riêng và văn học viết nói chung.
Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi xác định Motif hôn nhân khác
thường là những tình tiết chỉ hiện tượng hôn phối, hợp hôn hoặc quan hệ tình cảm
thể xác, chung sống với nhau như vợ chồng giữa người với một nhân vật không phải là người. Theo chúng tôi, nội dung khái niệm hôn nhân khác thườngsẽ bao
hàm hai yếu tố sau: hôn nhân hoặc quan hệ tình cảm và sự khác thường (với một đối tượng khác không phải người). Vì vậy, khi tiến hành khảo sát, thống kê các truyện truyền kỳ trong ba tác phẩm Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông) và Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm), chúng tôi chỉ chọn lọc những truyện nào có chi tiết hôn nhân hoặc quan hệ tình cảm thể xác giữa người với một đối tượng khác không phải người. Chính những sự kết duyên giữa người với một đối tượng khác không phải người tạo nên tính chất “kỳ” cho câu chuyện.
Qua đó thấy rằng, motif hôn nhân khác thường đã xuất hiện từ lâu trong kho tàng văn học các nước. Đây là motif thể hiện những mối quan hệ về tình cảm hay hôn nhân kì lạ giữa người với một đối tượng không phải là người. Những đối tượng ấy có thể là thần tiên, hồn ma, tinh loài vật, hồn cây cỏ,…Việc xác định nội hàm khái niệm hôn nhân khác thường sẽ giúp chúng tôi khảo sát và thống kê chính xác về mật độ xuất hiện cũng như những dạng thức biểu hiện đa dạng của motif này.
1.2.2.Tiền đề hình thành motif hôn nhân khác thường trong truyền kỳ Việt Nam Việt Nam
Trong mục này, chúng tôi sẽ phân tích những cơ sở hình thành motif hôn nhân khác thường. Chúng tôi xác định có bốn cơ sở sau là tiền đề hình thành motif hôn nhân khác thường trong truyền kỳ Việt Nam: Thứ nhất, vấn đề văn hóa tâm linh người Việt; Thứ hai, vấn đề văn hóa hôn nhân của người Việt; Thứ ba, vấn đề hôn nhân khác thường trong văn học dân gian; Cuối cùng, vấn đề tiếp nhận motif hôn nhân khác thường từ truyền kỳ Trung Quốc.
1.2.2.1.Vấn đề văn hóa tâm linh người Việt
Từ việc xác định nội hàm của khái niệm hôn nhân khác thường, chúng tôi nhận thấy rằng đời sống tâm linh người Việt là một trong những cơ sở hình thành nên motif này. Trong cuộc sống, bên cạnh những nhu cầu về khía cạnh vật chất, con người cũng có nhu cầu thỏa mãn về khía cạnh tinh thần. Và tâm linh chính là một trong những khía cạnh thuộc về đời sống tinh thần của con người. Những quan niệm, suy nghĩ của con người về sự vật, hiện tượng, về thế giới siêu nhiên xung quanh con người tạo nên những nét văn hóa tâm linh đặc sắc trong nhận thức của người Việt.
Trước tiên, chúng tôi xin dẫn lại một số cách hiểu của các tác giả về “tâm linh” để có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này. Theo tài liệu Văn hóa tâm linh của Nguyễn Đăng Duy quan niệm rằng: “tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường. Là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả được đọng lại ở những biểu hiện hình ảnh, ý niệm” (Nguyễn Đăng Duy, 2002). Hay trong tài liệu Văn học trung đại Việt Nam và những vấn đề
tâm linh của Lê Thu Yến (chủ biên) cho rằng: “Thực ra tâm linh bao gồm hai từ tâm
và linh. Tâm ở đây được hiểu là lòng, là thế giới tinh thần của con người. Linh là thiêng trong linh thiêng, thiêng liêng…Vậy tâm linh là thế giới tinh thần của con người, là sự nhạy bén, mẫn cảm của thế giới bên trong con người có khả năng vượt khỏi tầng nhận thức lý tính để chạm đến những điều mà lí trí không thể nắm bắt và lí giải được…” (Lê Thu Yến et al., 2014). Từ hai cách hiểu trên về chữ “tâm linh”, chúng ta có thể thấy “tâm linh” là những ý niệm sâu thẳm ẩn chứa bên trong thế giới tinh thần của con người và đôi khi nó vượt thoát khỏi sự kiểm soát bởi lí trí. Vấn đề “tâm linh” không dành riêng cho một cộng đồng người nhỏ bé mà nó rộng ra là của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Mỗi dân tộc sẽ có những quan niệm, tín ngưỡng khác nhau về tâm linh nhưng chắc chắn cũng sẽ có những điểm giao thoa giống nhau.
Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước đã hình thành nên trong tâm thức người Việt tín ngưỡng sùng bái, sống tin tưởng và lệ thuộc vào tự nhiên. Họ