3.2.3.1. Nhân vật người phàm
Trên cơ sở nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, cũng giống như dạng thức người lấy tiên, thế giới nhân vật người phàm trong dạng thức người chung sống với tinh loài vật, hồn cây cỏ cũng có sự phong phú và đa dạng, không cố định về giới tính của nhân vật người phàm. Nhân vật người phàm trong những câu chuyện tình cảm dị thường giữa người và tinh loài vật, hồn cây cỏ là những nhân vật nam, nữ có nguồn gốc xuất thân đa dạng, đến từ những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Các nhân vật nam phàm được giới thiệu là những nhân vật có nguồn gốc xuất thân từ con nhà thường dân như chàng Thúc Ngư trong Ngư gia chí dị (Thánh Tông di thảo), chàng Chu Sinh trong Hoa Quốc kỳ duyên (Thánh Tông di thảo); có xuất thân là thư sinh, học trò như chàng Hà Nhân trong Tây Viên kỳ ngộ ký (Truyền kỳ mạn lục). Còn nhân vật nữ phàm là những nhân vật có xuất thân từ tầng lớp trung lưu cho đến những nữ nhân là thường dân bình thường trong xã hội như nhân vật Dương thị trong Long Đình đối tụng lục (Truyền kỳ mạn lục), nhân vật người vợ
không rõ họ tên trong Dương phu truyện và Thử tinh truyện của Thánh Tông di thảo. Tương tự như thế giới nhân vật người phàm trong dạng thức người lấy tiên và người chung sống với hồn phách, ở dạng thức người chung sống với tinh loài vật, hồn cây cỏ, chúng tôi cũng xem xét thế giới nhân vật người phàm dựa trên các khía cạnh về diện mạo, nguồn gốc xuất thân, lời nói, hành động,…
Trước tiên, đó là chàng Hà Nhân trong Tây Viên kỳ ngộ ký (Truyền kỳ mạn lục). Về nguồn gốc xuất thân, chàng được Nguyễn Dữ giới thiệu là một người học trò theo nghiệp đèn sách. Về diện mạo, Hà Nhân vô cùng khôi ngô, tuấn tú, tuổi còn trẻ. Về danh tính, nhân vật được tác giả gọi tên bằng tên gọi cụ thể. Về tính cách,
phẩm chất, Hà Nhân thể hiện mình là người lòng còn mang nhiều dục niệm. Bản
tính có phần phóng túng, dễ dao động, lung lay trước nhan sắc của những người con gái đẹp. Về hành động, chính tính cách lãng tử nên khi gặp được hai hồn hoa của nàng Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương bỡn cợt, trêu đùa với mình thì chàng liền say đắm, không màng đến việc học hành. Hà Nhân còn chủ động rủ rê hai nàng đến chỗ trọ của mình, cùng nhau nói chuyện, buông lời trêu hoa ghẹo nguyệt. Vì ham mê cuộc sống ái ân thỏa thích với hai hồn ma mà chàng không muốn lấy vợ, lừa dối mẹ cha, đem chuyện học hành để làm cớ trì hoãn chuyện lấy vợ. Đến khi biết được hai hồn ma nàng Đào, Liễu không phải là người, Hà Nhân cũng không hề sợ hãi mà ngược lại còn thêm phần tiếc thương cho hai nàng. Với Hà Nhân, Nguyễn Dữ đã xây dựng nên một nhân vật thư sinh trẻ tuổi, lãng tử, phóng túng chỉ mải mê cái đẹp chìm đắm vào sắc dục, vui đùa cùng hai hồn ma, thỏa thê nhu cầu xác thịt mà quên đi trách nhiệm của bản thân.
Tiếp đến là chàng Chu Sinh trong Hoa Quốc kỳ duyên (Thánh Tông di thảo).
Về nguồn gốc xuất thân, chàng được tác giả giới thiệu là một chàng trai mồ côi từ
nhỏ, được người chú ruột nuôi nấng. Về danh tính, chàng được tác giả gọi bằng tên gọi cụ thể. Về tính cách, phẩm chất, Chu Sinh thông minh nhưng tính lại rất lười, ngoài việc đi học chàng chẳng chịu làm gì cả. Chỉ khi kết nghĩa vợ chồng với nàng Mộng Trang, Chu Sinh mới ra sức học hành, đỗ đạt làm quan. Về hành động, sau khi hết hạn làm người, chàng quyết định từ giã cõi trần, trở lại Hoa Quốc cùng nàng Mộng Trang chung sống hạnh phúc. Có thể thấy, cách xây dựng nhân vật Chu Sinh
trong Hoa Quốc kỳ duyên (Thánh Tông di thảo), cũng giống như những nhân vật người phàm khác trong các truyện có sử dụng motif hôn nhân khác thường. Tác giả không dành nhiều đoạn để miêu tả nội tâm của nhân vật Chu Sinh khi đặt trong mối quan hệ tình cảm với nàng Mộng Trang mà chỉ giới thiệu ngắn gọn về nguồn gốc xuất thân, diện mạo và tính cách của Chu Sinh. Với mối duyên vợ chồng của Chu Sinh và Mộng Trang vì vốn là duyên xưa, chỉ chờ ngày lành tháng tốt kết nghĩa vợ chồng nên chúng ta chưa thấy được sự chủ động của nhân vật trong việc tạo ra cơ hội kết duyên. Thế nhưng, chàng thư sinh Hà Nhân trong Tây Viên kỳ ngộ ký
(Truyền kỳ mạn lục), là nhân vật chủ động trong câu chuyện tình cảm dị thường với hai hồn hoa. Chàng là người chủ động rủ rê hai hồn hoa về chỗ trọ của mình để cùng nhau trò chuyện, ái ân.
Hay nhân vật người con gái sống ở làng Thanh Khê trong Dương phu truyện
(Thánh Tông di thảo). Về nguồn gốc xuất thân, qua cách giới thiệu của tác giả có thể thấy cô gái xuất thân trong một gia đình bình thường. Về diện mạo, nhân vật hiện lên là một người con gái có nhan sắc, đang tuổi đôi mươi, có thể dựng vợ gả chồng. Về danh tính, nhân vật không được tác giả gọi bằng tên gọi cụ thể mà chỉ là cách gọi chung chung. Về phẩm chất, tính cách, cô gái được tác giả giới thiệu là người con gái có phẩm chất tốt đẹp. Nàng vô cùng hiếu thảo. Về hành động, chính sự hiếu thảo của nàng đã dẫn đến hành động nàng quyết để tang mẹ mà hoãn lại chuyện lấy chồng. Khi gặp người chồng dê nàng có phần dè dặt chứ không sỗ sàng, dễ dãi. Chỉ khi biết được sự thật nàng và người chồng dê có hẹn ước Châu - Trần thì mới cởi mở lòng mình.
Đó còn là nhân vật người vợ trong Thử tinh truyện (Thánh Tông di thảo). Về
diện mạo, nàng được tác giả miêu tả là một người con gái xinh đẹp. Chính nhan sắc
của nàng khiến cho loài chuột già sống lâu năm hóa tinh phải mê mẩn. Về danh tính,
nàng cũng giống như người con gái trong Dương phu truyện (Thánh Tông di thảo), không được tác giả gọi bằng tên gọi cụ thể mà chỉ bằng cách gọi chung chung như người con gái, người vợ. Về tính cách, phẩm chất, nhân vật người vợ được tác giả miêu tả là một người dịu dàng, hết mực yêu thương chồng.
Dương thị trong Long Đình đối tụng lục (Truyền kỳ mạn lục), cũng được Nguyễn Dữ miêu tả là một người phụ nữ có diện mạo vô cùng xinh đẹp. Nhan sắc của nàng đã thu hút giống thuồng luồng sống lâu năm hóa thành yêu quái. Nàng bị thuồng luồng bắt đi, đưa về sống cùng hắn ở miếu thờ thần thuồng luồng. Về danh tính,
nàng cũng không được gọi bằng tên gọi cụ thể mà chỉ được gọi chung chung là Dương thị. Về hành động, tính cách, phẩm chất, không giống với những nhân vật nữ phàm khác như nàng Vũ Thị Thiết, nàng Nhị Khanh, khi gặp phải tình cảnh bế tắc, việc lựa chọn cái chết là điều tất yếu. Còn nàng Dương thị dẫu bị thuồng luồng bắt đi, phải xa cách chồng con, phải chịu cảnh chung sống ái ân với thuồng luồng, nhưng Dương thị không chọn lựa cái chết mà nàng vẫn tiếp tục sống cho đến khi được đoàn tụ với chồng. Có thể thấy hành động không chọn lựa cái chết và đứng ra vạch tội của thuồng luồng trước mặt Long vương của Dương thị đã phần nào cho chúng ta thấy đây là nhân vật có tính cách mạnh mẽ, can đảm và có khát vọng sống dù bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng.
Bên cạnh đó, chúng ta còn bắt gặp chàng người phàm Thúc Ngư trong Ngư
gia chí dị (Thánh Tông di thảo). Về nguồn gốc xuất thân, chỉ qua một vài đoạn giới
thiệu ngắn gọn có thể biết được chàng xuất thân trong một gia đình thường dân, có cha mẹ làm nghề đánh cá. Về diện mạo, chàng hiện lên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Về danh tính, chàng được tác giả gọi bằng tên gọi cụ thể và nguồn gốc tên gọi được đặt dựa trên sự ra đời kì lạ của chàng. Về phẩm chất, tính cách và hành
động, điều đặc biệt ở Thúc Ngư là khi lớn lên chàng không hề có ý muốn theo đuổi
việc học hành, thường xuyên đi đây đó, có khi vắng nhà trong suốt nhiều ngày. Qua lời đối đáp với cha mẹ, tính cách của chàng lại càng bộc lộ rõ:
“Có người là có của. Con nghĩ cha mẹ tuổi già mà gia tư lại bần bạc, muốn tìm một người vợ về làm thay cha mẹ, chung sức lại có thể kiếm được nhiều tiền hơn, may ra nghiệp nhà có thể khá lên được ít nhiều. Nhưng việc trăm năm không thể cẩu thả, cho nên con phải đi lâu ngày để xét cho kỹ. Dám đâu chỉ rong chơi mà cam chịu thành người lêu lỏng” (Thánh Tông di thảo, 2008).
Có thể thấy, Thúc Ngư tuy không theo đuổi việc học hành, nhưng chàng lại vô cùng biết suy nghĩ, hiểu đạo lí và biết hiếu thảo với cha mẹ già. Chính quyết định ấy đã
dẫn đến mối duyên gặp gỡ và nên nghĩa vợ chồng giữa chàng với nàng tiên cá. Từ đó thấy rằng, thế giới nhân vật người phàm trong dạng thức người chung sống với tinh loài vật, hồn cây cỏ của motif hôn nhân khác thường, họ cũng chỉ là những con người bình thường trong xã hội, có những người cả đời không tránh khỏi và cũng không thể cưỡng lại những cám dỗ trong đời sống trần thế; cũng có những người khi đương đầu với khó khăn, hiểm nguy thì vẫn giữ được phẩm chất thanh cao của mình. Những nhân vật nữ phàm được xây dựng với diện mạo vô cùng xinh đẹp và phẩm chất cao quý đã thu hút những giống loài sống lâu năm hóa tinh, tìm đến để chung sống. Trải qua cuộc sống với những giống loài ấy, phẩm chất chung thủy và đức hạnh của những người phụ nữ lại được bộc lộ rõ nét. Còn nhân vật nam phàm hiện lên là những nhân vật mang danh là học trò theo nghiệp đèn sách nhưng lại đắm chìm vào cửa ái ân, lòng tràn dục niệm mà không màng đến việc học, trách nhiệm, bổn phận của kẻ sĩ, dễ dàng bị những giống loài yêu ma mê hoặc. Có những nam phàm, phần mang nặng duyên xưa, phần xuất thân trong gia đình nghèo khó, lại hiếu thảo, chính trực nên có cơ duyên kết nghĩa vợ chồng với những giống loài không phải là người.
3.2.3.2. Nhân vật tinh loài vật, hồn cây cỏ
Thế giới nhân vật tinh loài vật, hồn cây cỏ trong dạng thức người chung sống với tinh loài vật, hồn cây cỏ của motif hôn nhân khác thường là những nhân vật vô cùng phong phú và đa dạng, vừa mang đậm màu sắc kì ảo vừa có nét gần gũi với đời sống của con người. Nhân vật tinh loài vật, hồn cây cỏ có thể chia thành hai dạng cơ bản. Dạng thứ nhất là những nhân vật có nguồn gốc xuất thân từ phần linh thiêng trong cây cối, hoa cỏ, loài vật. Đó là những giống loài như: nàng bướm Mộng Trang, nàng cá Ngọa Vân, hai hồn hoa nàng Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương. Các nhân vật này đều biến hóa thành những cô gái xinh đẹp để kết duyên cùng với các nam nhân phàm tục. Riêng người chồng đội lốt dê trong Dương phu
truyện (Thánh Tông di thảo), biến hóa thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú để
chung sống với người vợ của mình. Theo tác giả Đinh Phan Cẩm Vân trong Tiếp
cận thể loại văn học cổ Trung Quốc, mặc dù biến hóa thành hình dáng con người
mang trong mình những đặc điểm tự nhiên vốn có của giống loài. Dạng còn lại là những nhân vật có nguồn gốc xuất thân từ loài vật, đồ vật lâu ngày hóa tinh, chúng có thể biến hóa thành con người để chung sống với người như: chuột tinh hóa thành người trong Thử tinh truyện (Thánh Tông di thảo), thuồng luồng sống lâu năm hóa thành yêu quái trong Long Đình đối tụng lục (Truyền kỳ mạn lục). Chính khao khát được chung sống với con người, được nếm trải dư vị của cuộc sống trần thế mà những loài vật, đồ vật lâu ngày hóa tinh đã thoát thai, biến hóa thành con người. Thế nhưng, sự chung sống của những nhân vật này không đem lại hạnh phúc cho con người mà ngược lại còn làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần và thể xác của con người.
Nhân vật hai hồn hoa Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương trong Tây Viên kỳ
ngộ ký (Truyền kỳ mạn lục), về nguồn gốc xuất thân, nhân vật được Nguyễn Dữ
miêu tả là hai hồn hoa biến hóa thành hai cô gái xinh đẹp để trêu ghẹo chàng thư sinh Hà Nhân. Về diện mạo, dù đã biến hóa thành hình dáng con người nhưng hai nàng Đào, Liễu vẫn mang trong mình những đặc điểm tự nhiên của loài hoa cỏ. Thân hình hai nàng mềm mại, dáng đi uyển chuyển tựa như cây đào, cây liễu. Về
danh tính, hai hồn hoa được Nguyễn Dữ gọi bằng hai tên gọi cụ thể là Liễu Nhu
Nương và Đào Hồng Nương. Về tính cách, phẩm chất và hành động, hai hồn hoa Đào, Liễu được tác giả xây dựng là hai nhân vật có tài làm thơ. Trong những buổi gặp gỡ trò chuyện, ái ân cùng Hà Nhân, hai nàng đều trổ tài làm thơ, diễn tả lại tình cảnh buồng xuân vô cùng tuyệt diệu. Mặc dù là những giống loài khác người, thế nhưng, hai hồn hoa Đào, Liễu cũng có những nét tính cách, đời sống tâm tư, tình cảm, những suy nghĩ, lo sợ như con người. Khi chàng Hà Nhân âu yếm, khen tặng nàng Liễu thì nàng Đào tỏ vẻ buồn bã, cảm thấy hổ thẹn và cho rằng mình không xứng với Hà Nhân. Chỉ khi nhận được bài thơ bày tỏ của Hà Nhân, nàng mới trở nên vui vẻ. Không những thế, khi Hà Nhân phải từ biệt về quê lấy vợ theo sự thúc giục của cha mẹ, hai hồn hoa vô cùng buồn bã, căn dặn chàng chớ vì người mới mà quên đi mình. Trước lúc cận kề cái chết, hai nàng vô cùng đau lòng, đến từ biệt Hà Nhân, rồi trao tín vật, chỉ mong chàng lúc nào cũng nhớ đến hai nàng.
Tông di thảo), về nguồn gốc xuất thân, nàng vốn là một nàng bướm nay biến hóa thành người con gái xinh đẹp để kết duyên cùng chàng Chu Sinh. Về diện mạo, Qua ngòi bút của Lê Thánh Tông, công chúa Mộng Trang hiện lên là một người con gái vô cùng xinh đẹp:
“tuyết hờn thua trắng, ngọc thẹn kém trong, ngón tay búp măng thon thon, hàm răng hạt bầu nho nhỏ. Nếu không là gái dưới trăng Dao Đài, thì cũng là tiên trên núi Quần Ngọc, trần gian làm gì có người như vậy? Nhưng nhìn kỹ, sau lần áo lót mình, Sinh thấy ở bụng Mộng Trang, có nhiều ngấn ngang, duy có điều ấy là hơi lạ.” (Thánh Tông di thảo, 2008).
Có thể thấy, nàng bướm Mộng Trang khi biến thành người, nàng có nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần khiến cho tuyết, cho ngọc phải ganh tỵ với vẻ đẹp của nàng. Thế nhưng, khi đã mang hình dáng của con người, Mộng Trang cũng không thể trút bỏ được những đặc điểm tự nhiên của loài bướm, phần bụng của nàng vẫn còn nhiều ngấn ngang giống như những nếp gấp trên bụng của loài bướm. Về danh tính, nàng cũng được tác giả Nguyễn Dữ gọi bằng tên gọi cụ thể. Về tính cách, phẩm chất và
hành động, khi chung sống với Chu Sinh, Mộng Trang hiện lên là một người vợ vô
cùng hiền dịu, đức hạnh, hết lòng yêu thương, chung thủy với chồng của mình. Nàng còn sinh cho Chu Sinh một người con trai vô cùng kháu khỉnh.
Đó còn là nàng cá Ngọa Vân trong Ngư gia chí dị (Thánh Tông di thảo), về
nguồn gốc xuất thân, nàng được tác giả xây dựng là một nàng hải tiên ở đảo ấp. Về
diện mạo, Ngọa Vân được miêu tả là một người con gái xinh đẹp, xuất thân cao
quý. Ngọa Vân tuy đã biến thành người nhưng vẫn còn mang trong mình những đặc điểm của giống loài. Nàng vô cùng giỏi nghề chài lưới, bơi lội. Về danh tính, nàng