Motif hôn nhân khác thường như là một motif tình tiết

Một phần của tài liệu MOTIF HÔN NHÂN KHÁC THƯỜNG TRONG MỘT SỐ TẬP TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM (Trang 109 - 115)

Trên bình diện motif hôn nhân khác thường như là một motif tình tiết, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu motif hôn nhân khác thường trong vai trò là motif tình tiết trên hai phương diện sau đây: dạng thức của motifvai trò của motif đối với cốt truyện.

3.1.3.1. Dạng thức của motif

Motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif tình tiết có những biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng. Trong mục này, chúng tôi sẽ tiến hành tóm lược chúng thành một số dạng thức và trình bày khái quát các dạng thức ấy để có cái nhìn sâu sắc và chi tiết hơn về motif hôn nhân khác thường trong vai trò là một motif tình tiết.

Đối với dạng thức người lấy tiên của motif hôn nhân khác thường với vai trò

là motif tình tiết, dạng thứ nhất, con người khi còn sống phải chịu nhiều oan ức

hoặc có công trạng, khi chết đi được phong làm thần, vì còn lưu luyến tình cảm với người vợ, người chồng của mình ở dương gian nên đã quay về gặp mặt, để thỏa nỗi lòng thương nhớ, báo trước những sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai hoặc để giãi bày nỗi niềm oan ức. Nàng Nhị Khanh trong Khoái Châu nghĩa phụ truyện (Truyền kỳ mạn lục), lúc sinh thời vì có người chồng là Trọng Quỳ ham mê cờ bạc, lấy nàng ra gán nợ, Nhị Khanh phẫn uất mà tìm đến cái chết. Sau khi chết, Thượng đến thương cho nàng nên đã phong Nhị Khanh làm thần. Vì nỗi nhớ nhung Trọng Quỳ và các con nên Nhị Khanh đã tìm về gặp mặt, tỏ rõ sự tình rồi cùng ái ân với Trọng Quỳ. Trước khi kịp biến mất, Nhị Khanh còn căn dặn Trọng Quỳ về những việc sẽ

diễn ra trong tương lai, mong chàng coi đó mà biết đường liệu tính. Hay nàng Vũ Nương trong Nam Xương nữ tử truyện (Truyền kỳ mạn lục), vì tính ghen tuông vô cớ của Trương Sinh mà nàng phải tìm đến cái chết. Thương cho cái chết oan uổng của Vũ Nương, các vị tiên trong thủy cung giúp nàng rẽ đường nước thoát chết, đến sống ở thủy cung, trở thành một vị tiên dưới nước. Vì nỗi oan chưa được giải và thương nhớ chồng con ở chốn trần gian, Vũ Nương đã tìm cách quay về gặp mặt Trương Sinh.

Có thể thấy, những câu chuyện tình cảm giữa người phàm sau khi chết được phong thần với người vợ hoặc người chồng của mình ở chốn dương gian đã cho thấy được tình yêu mãnh liệt cũng như sự chung thủy của những người vợ, người chồng, dù giữa họ có sự chia cắt giữa thế giới của người trần và thế giới thần tiên. Từ đó, chúng ta có thể khái quát mô hình của dạng hôn nhân này như sau:

Người phàm sau khi chết được phong thần quay về gặp mặt người vợ, người chồng ở dương gian => thỏa mãn sự nhớ nhung, làm rõ nỗi oan và báo trước sự việc tương lai

Một dạng hôn nhân người lấy tiên thứ hai, thần tiên giáng sinh đầu thai làm

người kết duyên cùng người trần. Sau khi kết duyên vợ chồng, cả hai cùng nhau

chung sống hạnh phúc. Kết quả của cuộc hôn nhân là sự chia li khi nhân vật thần tiên giáng sinh hiểu rõ nguồn gốc xuất thân của mình. Chàng Thiên Tích trong Trà

Đồng giáng đán lục (Truyền kỳ mạn lục), vốn là gã trà đồng bên cạnh thượng đế,

sau giáng sinh xuống trần đầu thai làm người và kết duyên vợ chồng cùng nàng Hán Anh. Cuộc hôn nhân khác thường giữa Thiên Tích và Hán Anh xuất phát từ việc trả ơn và sự ra đời thần kì, nguồn gốc xuất thân của Thiên Tích. Về sau, khi biết được mình là một vị tiên trên trời, Thiên Tích đã từ giã vợ con, lên núi tu luyện rồi đắc đạo thành tiên. Chúng ta có thể khái quát mô hình của dạng hôn nhân này như sau:

Thần tiên giáng sinh đầu thai làm người kết duyên cùng người phàm => thần tiên trở về trời.

Đối với dạng thức người chung sống với hồn phách của motif hôn nhân khác

thường với vai trò là motif tình tiết, dạng thứ nhất, sự chung sống giữa hồn ma với

ma Lệ Nương trong Lệ Nương truyện (Truyền kỳ mạn lục), hiện về chung sống với Phật Sinh, cả hai vợ chồng cùng nhau âu yếm chuyện trò như lúc Lệ Nương còn sống. Sự chung sống đã mang lại cho Lệ Nương và Phật Sinh những giây phút hạnh phúc sau những năm tháng xa cách và cũng là niềm an ủi cho cả hai kể từ ngày âm dương cách biệt. Có thể khái quát mô hình của dạng hôn nhân này như sau:

Hồn ma hiện về chung sống với con người => Hồn ma đem lại cho con người sự chung sống hạnh phúc

Một dạng hôn nhân người chung sống với hồn phách thứ hai, mối quan hệ tình

cảm giữa con người với hồn ma đã gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và dẫn đến cái chết cho con người. Trình Trung Ngộ trong Mộc miên thụ truyện (Truyền kỳ mạn lục), sau khi chung sống với hồn ma Nhị Khanh, chàng đã tìm đến cái chết để được đoàn tụ với nàng. Cũng giống như họ Hoàng trong Xương Giang yêu quái lục

(Truyền kỳ mạn lục), sau khi chung sống với hồn ma Thị Nghi, chàng cũng bệnh nặng mê sảng nhiều ngày. Đó cũng là sư Vô Kỷ trong Đào Thị Nghiệp oan ký

(Truyền kỳ mạn lục), sau khi gặp hồn ma Hàn Than, bệnh tình của sư Vô Kỷ trở nên nặng hơn rồi chết đi. Từ đó, có thể khái quát mô hình dạng hôn nhân này như sau:

Hồn ma chung sống với con người => hồn ma gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con người

Đối với dạng thức người chung sống với tinh loài vật, hồn cây cỏ của motif

hôn nhân khác thường với vai trò là motif tình tiết, sự chung sống giữa con người

với tinh loài vật làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và hạnh phúc của con người. Người vợ trong Thử tinh truyện (Thánh Tông di thảo), vì chung sống với chuột tinh lâu ngày mà trở nên gầy gò, xanh xao. Sự chung sống giữa Dương thị với thuồng luồng trong Long Đình đối tụng lục (Truyền kỳ mạn lục), không xuất phát từ tình yêu mà bắt nguồn từ việc thuồng luồng có thói dâm yêu mà bắt cóc nàng. Chính hành động dâm tà của thuồng luồng đã gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của Dương thị, khiến nàng phải xa lìa chồng con. Dẫu khi chung sống với thuồng luồng nàng được yêu thương, cưng chiều, sinh con cho thuồng luồng. Thế nhưng, sự chung sống ấy không xuất phát từ tình yêu mà là sự ép buộc. Từ đấy, có thể khái

quát mô hình hôn nhân này như sau:

Tinh loài vật chung sống với con người => Tinh loài vật gây ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc của con người

Với vai trò là một motif tình tiết, các tình tiết hôn nhân khác thường như trên có những biểu hiện vô cùng phong phú và tồn tại song hành cùng nhiều tình tiết khác, phục vụ cho những chủ đề riêng của truyện. Chẳng hạn, sự trở về gặp mặt của Nhị Khanh đối với Trọng Quỳ, cả hai cùng nhau ân ái chỉ là một tình tiết trong câu chuyện về cuộc đời của nàng Nhị Khanh. Hay sự chung sống giữa hồn ma Lệ Nương và Phật Sinh, thuồng luồng và nàng Dương thị, cũng chỉ là một tình tiết cùng tồn tại bên cạnh nhiều tình tiết khác như: li tán, đoàn tụ, diệt trừ yêu quái,…trong các tác phẩm truyền kỳ.

3.1.3.2. Vai trò của motif đối với cốt truyện

Trên cơ sở tìm hiểu về lí thuyết motif, có thể thấy motif có vai trò quan trọng với cốt truyện, là đơn vị hạt nhân cấu tạo nên cốt truyện. Mỗi cốt truyện sẽ được tạo thành từ tập hợp những motif khác nhau, các motif này sẽ kết hợp với nhau để xây dựng nên cốt truyện, tập trung làm rõ một chủ đề cụ thể. Nghĩa là mọi motif đều liên quan đến cốt truyện và liên quan đến các motif khác trong cốt truyện. Chính vì thế, mỗi motif đều có vị trí xác định và những vai trò nhất định trong cấu tạo của một cốt truyện.

Tác giả Nguyễn Ngọc Thường trong bài nghiên cứu Về mối quan hệ giữa

motif và cốt truyện, đã tiến hành phân loại motif dựa trên cấu trúc của cốt truyện.

Theo tác giả có ba loại motif sau đây: motif khởi đầu, motif tình tiếtmotif dẫn

dắt. Mỗi loại motif đều có vị trí và vai trò nhất định trong một cốt truyện. Thứ nhất,

motif khởi đầu có vai trò khởi tạo tình huống cốt truyện. Thứ hai, motif tình tiết,

motif này cung cấp cho người đọc những sự kiện đã diễn ra trước đó và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các sự kiện về sau, tạo tính liên kết cho cốt truyện. Cuối cùng,

motif dẫn dắt, nhiệm vụ của motif này là dẫn dắt các motif tình tiết theo một trật tự

nhất định nhằm đưa đến một nội dung rõ ràng, mạch lạc.

Trên cơ sở nghiên cứu sự biến đổi của motif hôn nhân khác thường trong từng cốt truyện và vai trò của motif ấy đối với cốt truyện, chúng tôi triển khai một cách

phân loại khác dựa trên vị trí của motif hôn nhân khác thường trong cấu tạo cốt truyện và vai trò của nó trong hệ thống các sự kiện của cốt truyện, chúng tôi đưa ra cách phân loại như sau: Thứ nhất, motif khởi đầu là motif xuất hiện ở đầu cốt truyện và có vai trò tạo tình huống, là “đòn bẩy” cho sự triển khai cốt truyện. Thứ hai,

motif diễn biến là motif sẽ xuất hiện ở vị trí giữa của cốt truyện. Vai trò của nó là

giúp liên kết các sự kiện trong cốt truyện với nhau, tạo ra tính mạch lạc cho cốt truyện, dẫn dắt người đọc đi từ sự kiện này đến sự kiện khác theo một trình tự nhất định. Thứ ba, motif kết thúc là motif xuất hiện ở phần cuối của cốt truyện, có vai trò khép lại câu chuyện.

Motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif tình tiết chủ yếu xuất hiện

trong phần diễn biến và phần kết thúc của câu chuyện. Motif này đảm nhận vai trò là motif diễn biến và motif kết thúc. Motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif diễn biến xuất hiện trong các truyện sau: An ấp liệt nữ truyện của Truyền kỳ

tân phả; Thử tinh truyện của Thánh Tông di thảo; Trà Đồng giáng đán lục, Khoái

Châu nghĩa phụ truyện, Mộc miên thụ truyện, Lệ nương truyện, Đào Thị nghiệp oan

ký, Xương Giang yêu quái lục, Long Đình đối tụng lục của Truyền kỳ mạn lục.

Motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif kết thúc chỉ xuất hiện trong Nam

Xương nữ tử truyện của Truyền kỳ mạn lục.

Về motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif diễn biến. Motif này xuất

hiện trong phần diễn biến của An ấp liệt nữ truyện (Truyền kỳ tân phả), có vai trò lí giải nguyên do cái chết của nhân vật người vợ của vị tiến sĩ Đinh Hoàn và nguyên nhân bà được phong làm “Trinh liệt phu nhân”. Trong Thử tinh truyện (Thánh Tông di thảo), motif này xuất hiện trong phần diễn biến của cốt truyện với vai trò liên kết sự kiện trước đó, khi nhân vật anh học trò phải đi học xa nhà với sự kiện diễn ra tiếp theo là khi anh học trò sau một năm miệt mài đèn sách, hay tin người vợ ngày càng trở nên xanh xao nên anh bèn về nhà thăm vợ. Trong Trà Đồng giáng đán lục

(Truyền kỳ mạn lục), motif này xuất hiện trong phần diễn biến với vai trò kết nối sự kiện diễn ra trước đó (chàng Thiên Tích được quan đại phu họ Thạch mách cho chàng rằng sẽ báo đáp công ơn cứu giúp của cha chàng bằng cách gả đứa con gái của mình tên là Hán Anh cho chàng), với sự kiện diễn ra tiếp theo (chàng Thiên

Tích và người vợ tâm sự, biết được nàng chính là Hán Anh, là con gái của quan đại phu họ Thạch). Hay trong Khoái Châu nghĩa phụ truyện (Truyền kỳ mạn lục), motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif diễn biến đã xuất hiện trong phần cuối diễn biến của câu chuyện, đảm nhận chức vụ liên kết giữa sự kiện diễn ra trước đó (Nhị Khanh chết, Trọng Quỳ đau lòng. Sau khi táng liệm cẩn thận, cuộc sống trở nên khốn khó, chàng bèn đi tìm người bạn cứu giúp. Trên đường đi, vô tình nghe được giọng nói như tiếng Nhị Khanh gọi), để chuyển tiếp sang phần kết thúc của câu chuyện. Ở Mộc miên thụ truyện (Truyền kỳ mạn lục), motif này xuất hiện trong phần diễn biến của câu chuyện, có vai trò liên kết giữa sự kiện diễn ra trước đó ( tình huống gặp gỡ giữa Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ), với tình huống diễn ra kế tiếp (Trình Trung Ngộ, tìm hiểu về lai lịch của Nhị Khanh). Ở Lệ Nương truyện

(Truyền kỳ mạn lục), motif này cũng xuất hiện trong phần giữa của câu chuyện, là cầu nối giữa tình huống diễn ra trước đó (Phật Sinh đi tìm Lệ Nương), với sự kiện diễn ra phía sau (Phật Sinh cải táng cho Lệ Nương). Hay trong Xương Giang yêu

quái lục (Truyền kỳ mạn lục), motif hôn nhân khác thường xuất hiện trong phần

diễn biến của truyện, có vai trò là motif diễn biến, đảm nhận nhiệm vụ kết nối giữa sự kiện diễn ra trước đó (viên quan họ Hoàng giúp đỡ Thị Nghi an táng cha mẹ nàng) với sự kiện diễn ra phía sau (viên quan họ Hoàng trở nên điên loạn, phải nhờ người cứu giúp). Tương tự, trong các truyện còn lại như Đào Thị nghiệp oan ký,

Long Đình đối tụng lục của Truyền kỳ mạn lục, motif hôn nhân khác thường với vai

trò là motif diễn biến đã xuất hiện trong phần diễn biến của câu chuyện, đảm nhận vai trò cầu nối giữa những sự kiện diễn ra trước đó với các sự kiện phía sau, giúp cho mạch truyện được liên kết mạch lạc về nội dung lẫn hình thức.

Về motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif kết thúc. Loại motif này chỉ

xuất hiện trong Nam Xương nữ tử truyện của Truyền kỳ mạn lục. Motif này nằm ở vị trí phần kết thúc của câu chuyện, có vai trò khép lại câu chuyện bằng sự trở về của nhân vật Vũ Nương, nhằm làm rõ mối hàm oan và bộc lộ tình cảm sâu nặng mà nhân vật Vũ Nương dành cho người chồng của mình là Trương Sinh.

Từ việc xác định vị trí và vai trò của motif hôn nhân khác thường đối với cốt truyện, chúng tôi nhận thấy rằng, khi đóng vai trò là motif tình tiết thì motif hôn

nhân khác thường chủ yếu xuất hiện trong phần diễn biến của câu chuyện, nhằm kết nối các sự kiện trong cốt truyện, làm cho cốt truyện có tính liên kết và mạch lạc về nội dung. Chỉ duy nhất một truyện là Nam Xương nữ tử truyện (Truyền kỳ mạn lục), có motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif tình tiết xuất hiện trong phần kết thúc, là motif kết thúc để khép lại câu chuyện.

Một phần của tài liệu MOTIF HÔN NHÂN KHÁC THƯỜNG TRONG MỘT SỐ TẬP TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM (Trang 109 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)