Trên bình diện motif hôn nhân khác thường như là một motif chủ đề, dựa vào lý thuyết type và motif, chúng tôi nhận thấy rằng motif chủ đề cũng chính là type, chính vì thế, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu motif hôn nhân khác thường trong vai trò là motif chủ đề trên hai phương diện sau đây: kiểu truyện hôn nhân khác thường
và hệ thống motif trong kiểu truyện hôn nhân khác thường
3.1.2.1. Kiểu truyện hôn nhân khác thường
Motif hôn nhân khác thường trong truyền kỳ với vai trò là motif chủ đề là một
tập hợp các truyện có cốt truyện gần giống với nhau. Hay có thể diễn đạt theo cách khác, kiểu truyện hôn nhân khác thường là một tập hợp các truyện có chung một cốt kể. Những truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường được xem như những dị bản của kiểu truyện hôn nhân khác thường. Những truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường có cốt truyện không hoàn toàn giống nhau. Một số truyện có sự giống nhau với các truyện khác ở một vài motif. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các truyện trong kiểu truyện hôn khác thường có sự giống nhau ở nhiều motif. Tùy theo sự sáng tạo của tác giả mà các truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường sẽ có những đặc điểm riêng biệt, thêm thắt hoặc được lược bớt đi những tình tiết không cần thiết làm cho các truyện trở nên đặc biệt không thể nhầm lẫn với các truyện khác.
Motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif chủ đề xuất hiện trong các truyện sau: Từ Thức tiên hôn lục và Tây Viên kỳ ngộ ký của Truyền kỳ mạn lục;
Nhất thư thủ thần nữ, Dương phu truyện, Hoa Quốc kỳ duyên, Ngư gia chí dị của
Thánh Tông di thảo; Bích câu kỳ ngộ và Vân Cát thần nữ lục của Truyền kỳ tân
phả.
Kiểu truyện hôn nhân khác thường có cốt truyện kể về những cuộc hôn nhân
hoặc quan hệ tình cảm xác thịt, chung sống với nhau như vợ chồng giữa con người với những đối tượng có nguồn gốc xuất thân khác thường như: thần tiên, hồn ma, tinh loài vật,…Trên cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa motif và type, chúng tôi sẽ tập hợp và phân tích các dị bản của kiểu truyện hôn nhân khác thường để có cái nhìn khái quát về type hôn nhân khác thường. Chúng tôi nhận thấy rằng việc chỉ ra được mạch sự kiện chính của các dị bản sẽ cho chúng tôi thấy được cái lõi chung giữa các dị bản thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường. Từ đó, chúng tôi có thể phác thảo ra mô hình khái quát cấu tạo cốt truyện cho nhóm truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường như sau:
Chân dung, tính cách nhân vật => gặp gỡ => hợp hôn => chung sống => chia li/ đoàn tụ
Có thể thấy, kiểu truyện hôn nhân khác thường có cốt truyện đơn tuyến. Các sự kiện trong truyện diễn ra theo một trật tự tuyến tính. Tình huống diễn ra trước đó là điều kiện, là đòn bẩy để cho tình huống tiếp theo diễn ra, tạo nên một cốt truyện có tính liên kết và mạch lạc về nội dung. Đi sâu vào phân tích cấu tạo cốt truyện của nhóm truyện này, chúng tôi nhận thấy rằng, phần mở đầu của truyện sẽ đề cập đến
motif chân dung nhân vật. Motif này sẽ tập trung giới thiệu về lai lịch, nguồn gốc
xuất thân, diện mạo và tính cách cụ thể của nhân vật người phàm và nhân vật có nguồn gốc khác thường. Tùy vào cách xây dựng của tác giả mà chân dung nhân vật có thể hiện lên khá chi tiết hoặc mờ nhạt. Chẳng hạn, tình huống bộc lộ chân dung nhân vật trong Từ Thức tiên hôn lục (Truyền kỳ mạn lục), khá chi tiết, bao gồm hai tình tiết sau đây: tình tiết giới thiệu về lai lịch, gốc gác, quê quán của nhân vật: “Trong năm Quang Thái, đời nhà Trần, người ở Hóa Châu tên là Từ Thức, vì có phụ ấm được bổ làm tri huyện Tiên Du” (Truyền kỳ mạn lục, 2011). Và tình tiết giới thiệu về tính cách của nhân vật Từ Thức: “Song Từ Thức vốn tính hay rượu, thích đàn, ham thơ, mến cảnh,…” (Truyền kỳ mạn lục, 2011). Thế nhưng, tình huống
chân dung nhân vật trong Tây Viên kỳ ngộ ký (Truyền kỳ mạn lục), lại khá đơn giản hơn khi chỉ giới thiệu về gốc tích, xuất xứ của nhân vật Hà Nhân “Hà Nhân, người học trò quê ở Thiên Trường, khoảng năm Thiệu Bình, ngụ ở kinh sư để tòng học cụ Ức Trai” (Truyền kỳ mạn lục, 2011).
Phần sự kiện của truyện được đánh dấu bằng các tình huống gặp gỡ giữa các nhân vật. Một số truyện có tình huống gặp gỡ xuất hiện sau các tình huống như khám phá, đề thơ, nằm mộng rồi mới đến tình huống gặp gỡ như trong Từ Thức tiên
hôn lục (Truyền kỳ mạn lục). Trước khi có màn chính thức gặp gỡ với nàng tiên
Giáng Hương, truyện được xây dựng với các tình tiết như Từ Thức khám phá, du ngoạn sơn thủy ở bể Thần Phù, tình huống Từ Thức đề thơ, vịnh cảnh tỏ chí nam nhi. Trong Hoa Quốc kỳ duyên (Thánh Tông di thảo), tình huống gặp gỡ giữa nhân vật chàng Chu Sinh và nàng công chúa xứ Hoa Quốc Mộng Trang cũng được diễn ra sau một loạt các tình huống như: tình huống Chu Sinh nhập mộng, tình huống Chu Sinh gặp gỡ với Quốc mẫu, nguyên tử xứ Hoa. Ở Nhất thư thủ thần nữ (Thánh Tông di thảo), tình huống gặp gỡ trải qua các bước sau: lần đầu, anh học trò nghèo gặp người con gái nhà thần; lần thứ hai, cách mười ngày sau, người con gái nhà thần tiếp tục đến gặp anh học trò để nhờ vả sự cứu giúp của chàng; lần thứ ba, anh học trò nghèo gặp gỡ chị gái của người con gái thần; lần thứ tư, anh học trò gặp gỡ với tôn thần, cha của người con gái; lần thứ năm, anh học trò mới chính thức gặp gỡ người con gái trong tư cách là con gái nhà thần. Mặc dù trước đó người con gái đã xuất hiện hai lần, thế nhưng, hai lần gặp gỡ trước đó anh học trò chưa biết rõ về gốc tích của người con gái là thần tiên. Nói đúng hơn, màn gặp gỡ trước khi diễn ra đám cưới giữa anh học trò và người con gái nhà thần là tình huống tái ngộ của cả hai. Trái lại, ở Tây Viên kỳ ngộ ký (Truyền kỳ mạn lục), tình huống gặp gỡ là tình huống mở đầu cho phần sự kiện của truyện, khi chàng thư sinh Hà Nhân gặp được hai hồn hoa có ý trêu ghẹo, bỡn cợt với mình.
Sự kiện hợp hôn, chung sống, cùng nhau quan hệ thể xác thường xuất hiện ngay sau tình huống gặp gỡ. Trong Tây Viên kỳ ngộ ký (Truyền kỳ mạn lục), sau màn gặp gỡ giữa Hà Nhân và hai hồn hoa Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương là tình huống Hà Nhân và hai hồn hoa cùng nhau ái ân tại chỗ trọ của Hà Nhân. Trong
Bích Câu kỳ ngộ (Truyền kỳ tân phả), sau tình huống gặp gỡ giữa chàng thư sinh Tú Uyên và nàng tiên Giáng Kiều, phải trải qua hai tình huống sau: tình huống lộ diện
(Giáng Kiều từ trong tranh bước ra, thú nhận thật về thân phận là nàng tiên của mình) và tình huống uống rượu (Giáng Kiều cùng Tú Uyên uống rượu với quần tiên), mới đến tình huống hợp hôn, chung sống chính thức giữa hai nhân vật. Ở
Nhất thư thủ thần nữ (Thánh Tông di thảo), tình huống hợp hôn giữa anh học trò
nghèo và người con gái nhà thần cũng diễn ra ngay sau tình huống chính thức gặp gỡ giữa anh học trò cùng với người con gái nhà thần, sau khi anh học trò đã hiểu rõ gốc tích của nàng.
Riêng trong Vân Cát thần nữ lục (Truyền kỳ tân phả), tình huống hợp hôn được diễn ra hai lần. Lần đầu, khi tình huống hợp hôn diễn ra, nàng Giáng Tiên và Đào Lang nên nghĩa vợ chồng, cả hai cùng nhau chung sống hạnh phúc, Giáng Tiên cũng sinh cho chàng những đứa con bụ bẫm. Về sau, Giáng Tiên chết, dẫn đến sự chia li cho mối tình này. Giáng Tiên sau khi về trời được phong làm Liễu Hạnh tiên chúa, nàng vẫn không nguôi nỗi nhớ thương chồng và gia đình nên giáng trần. Tình
huống hợp hôn thứ hai diễn ra, Liễu Hạnh tiên chúa và Sinh nên nghĩa vợ chồng,
Sinh vốn là chồng trước của tiên chúa, tức là Đào Lang đầu thai chuyển kiếp. Sau khi kết duyên, cả hai cùng nhau chung sống hạnh phúc.
Ở Dương phu truyện (Thánh Tông di thảo), tình huống hợp hôn, chính thức
chung sống với nhau như vợ chồng giữa người chồng dê và người con gái diễn ra sau tình huống cởi bỏ lốt dê và lộ diện nguồn gốc xuất thân của người chồng dê. Ở
Ngư gia chí dị (Thánh Tông di thảo), đám cưới giữa Thúc Ngư và Ngọa Vân diễn ra
ngay sau khi Thúc Ngư kể rõ cho cha mẹ về nguồn gốc của Ngọa Vân. Có thể thấy, trên cơ sở giống nhau về cốt truyện, thế nhưng, sự xuất hiện của tình huống hợp hôn trong một số truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường cũng có những sự biến hóa đa dạng tùy theo ý thức xây dựng cốt truyện và dụng ý nghệ thuật của các tác giả.
Cuối cùng, cốt truyện của những truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường thường kết thúc bằng tình huống chia li hoặc đoàn tụ giữa nhân vật người với nhân vật khác thường ở một thế giới khác. Trong Tây Viên kỳ ngộ ký (Truyền kỳ
mạn lục), câu chuyện người phàm lấy được vợ tiên giữa Từ Thức và Giáng Hương kết thúc bằng tình huống chia li, Từ Thức quay lại cõi trần bằng một cỗ xe, kết thúc quãng thời gian chung sống với Giáng Hương ở cõi tiên. Trong Tây Viên kỳ ngộ ký
(Truyền kỳ mạn lục), câu chuyện tình yêu giữa chàng học trò Hà Nhân và hai hồn hoa Đào, Liễu cũng kết thúc bằng sự chia ly, hai hồn hoa thác hóa để lại sự nhung nhớ, luyến tiếc cho Hà Nhân. Ở Ngư gia chí dị (Thánh Tông di thảo), Ngọa Vân vì bảo vệ gia đình chồng mà để lộ hình dạng, để tránh tai vạ cho nhà chồng nàng đành phải từ biệt. Câu chuyện kết thúc bằng sự chia li của hai nhân vật.
Tuy nhiên, ở một số truyện, hôn nhân khác thường giữa người với thần tiên, hồn ma, tinh loài vật cũng có kết thúc đoàn tụ. Trong Hoa Quốc kỳ duyên (Thánh Tông di thảo), kết thúc câu chuyện, chàng Chu Sinh và nàng Mộng Trang trải qua sóng gió cuối cùng cũng được đoàn tụ bên nhau, cùng nhau chung sống hạnh phúc ở Hoa Quốc. Trong Bích Câu kỳ ngộ (Truyền kỳ tân phả), chàng thư sinh Tú Uyên và nàng tiên Giáng Kiều, sau khi cùng nhau trải qua hết những thú vui, ý vị trong nhân gian thì cùng nhau về trời. Tương tự, trong Nhất thư thủ thần nữ (Thánh Tông di thảo), kết thúc cuộc sống tạm bợ ở chốn trần giang, anh học trò nghèo được đoàn tụ với người con gái nhà thần ở thế giới thần tiên.
Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy rằng, kiểu truyện hôn nhân khác thường có cấu tạo cốt truyện đơn tuyến, trình tự các sự kiện diễn ra theo một trật tự nhất định, bao gồm các tình huống cơ bản sau: gặp gỡ => hợp hôn => chung sống => chia
li/đoàn tụ. Ở một số cốt truyện phức tạp hơn, các tình huống trên có thể có sự thay
đổi, thêm thắt tùy theo dụng ý nghệ thuật của tác giả.
3.1.2.2. Hệ thống motif trong kiểu truyện hôn nhân khác thường
Trên cơ sở nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, motif hôn nhân khác thường với vai trò là motif chủ đề đã hình thành nên type truyện hôn nhân khác thường hay còn gọi là kiểu truyện hôn nhân khác thường trong truyền kỳ Việt Nam. Và dựa trên giới hạn nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu kiểu truyện hôn nhân khác thường trong ba tập truyện Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Thánh Tông
di thảo (Lê Thánh Tông) và Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm). Chúng tôi nhận
motif chủ yếu sau đây: motif chân dung nhân vật, motif gặp gỡ, motif hợp hôn, motif
lộ diện, motif chia li/đoàn tụ. Tùy vào sức sáng tạo và dụng ý nghệ thuật của các tác
giả, chúng tôi còn nhận thấy ở một số cốt truyện hôn nhân khác thường còn có sự xuất hiện của các motif khác như: motif người đội lốt vật, motif cởi lốt và kết hôn,…
Về motif chân dung nhân vật, motif gặp gỡ, motif hợp hôn, motif lộ diện, motif
chia li/ đoàn tụ, chúng tôi nhận thấy các motif này xuất hiện hầu hết trong các
truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường. Trong đó, motif chân dung nhân vật là motif thường xuất hiện trong phần mở đầu của truyện. Nhờ motif này mà người đọc có thể hình dung được tính cách, diện mạo của các nhân vật. Tuy nhiên, tùy theo cách xây dựng motif của mỗi tác giả mà có khi chân dung nhân vật hiện ra rõ ràng, cụ thể nhưng cũng có khi hiện ra khá mờ nhạt. Về motif gặp gỡ là motif xuất hiện trong phần sự kiện của cốt truyện hôn nhân khác thường. Tình huống gặp gỡ có vai trò cũng như có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó chính là điểm bắt đầu cho hàng loạt các sự kiện khác nối tiếp theo sau đó. Tình huống gặp gỡ giữa nhân vật người phàm và nhân vật khác thường trong các cốt truyện hôn nhân khác thường không phải là sự ngẫu nhiên, mà sự xuất hiện của nó đến từ những lí do nhất định. Tùy mỗi cốt truyện mà tình huống gặp gỡ có thể diễn ra nhanh chóng hoặc trải qua nhiều bước.
Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ giữa công chúa xứ hoa Mộng Trang và chàng người phàm Chu Sinh có nguồn gốc từ sự trả ơn. Tình huống gặp gỡ giữa hai nhân vật trải qua hai bước: gặp Quốc mẫu, sau đó mới gặp công chúa Mộng Trang. Tương tự, tình huống gặp gỡ giữa chàng tri huyện Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương cũng trải qua nhiều tình tiết khác nhau. Nguồn cơn của cuộc gặp gỡ là xuất phát từ sự báo đáp mà Giáng Hương dành cho Từ Thức khi chàng đã ra tay cứu giúp nàng thoát án vin hoa. Tình huống gặp gỡ bắt đầu bằng cuộc gặp giữa chàng Từ Thức với hai nàng tiên áo xanh, tiếp đến là gặp bà tiên và sau cùng mới gặp Giáng Hương. Ở Tây
Viên kỳ ngộ ký (Truyền kỳ mạn lục), tình huống gặp gỡ giữa chàng thư sinh Hà
Nhân và hai hồn hoa Đào, Liễu diễn ra sau phần giới thiệu nhân vật Hà Nhân. Có thể thấy, đây là tình huống gặp gỡ trực tiếp và diễn ra nhanh chóng.
kiện của những truyện thuộc kiểu truyện hôn nhân khác thường. Tình huống hợp hôn thường xuất hiện sau tình huống gặp gỡ giữa nhân vật người phàm và nhân vật khác thường. Theo chúng tôi, tình huống hợp hôn ở đây có thể hiểu là đám cưới hoặc sự chung sống, quan hệ tình cảm, thể xác như vợ chồng giữa hai nhân vật chính. Tình huống hợp hôn là điều không thể chối cãi được, đó có thể là sự đền đáp báo ơn, là phần thưởng xứng đáng cho các nhân vật, hoặc là kết quả tất yếu cho sự khát khao hạnh phúc lứa đôi.
Chẳng hạn, sự chung sống với nhau như vợ chồng giữa chàng thư sinh Tú Uyên và nàng tiên Hà Giáng Kiều trong Bích Câu kỳ ngộ (Truyền kỳ tân phả), là kết quả tất yếu của việc từ một người không tin vào thế giới thần tiên mà gặp được tiên, rồi say mê trước nhan sắc xinh đẹp và tài năng của thần tiên. Đám cưới giữa chàng tri huyện Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương trong Từ Thức tiên hôn lục (Truyền kỳ mạn lục), là sự đền đáp ơn cứu giúp, là phần thưởng xứng đáng của Giáng Hương dành cho một người nam nhi trượng nghĩa. Đó còn là đám cưới giữa chàng người phàm Chu Sinh và nàng Mộng Trang trong Hoa Quốc kỳ duyên (Thánh Tông di thảo), cũng là kết quả tất yếu, là phần thưởng xứng đáng khi xứ hoa đã mang ơn tổ phụ của Chu Sinh. Tương tự, đám cưới giữa anh học trò nghèo với người con gái nhà thần trong Nhất thư thủ thần nữ (Thánh Tông di thảo), cũng là kết quả của sự báo ơn, là phần thưởng xứng đáng cho anh học trò nghèo khi đã giúp đỡ người con