a. Tính đơn hướng
3.6.3. Sự hỗ trợ và niềm tin vào doanh nghiệp
Trong mô hình phân tích, có thể thấy sự hỗ trợ ảnh hưởng có ý nghĩa đến niềm tin (trọng số hồi quy chuẩn hóa 0,127) và thông qua niềm tin vào doanh nghiệp làm tăng tác động của sự hỗ trợ vào động lực bên trong (từ 0,205 lên 0,226, Bảng 3.13) và động lực bên ngoài (từ 0,180 lên 0,210, Bảng 3.13). Kết quả này phù hợp với kết luận của nhiều nghiên cứu khác. Trong khi các nghiên cứu trước đây đưa ra dấu hiệu niềm tin chỉ tác động trực tiếp đến động lực làm việc bên trong của nhân viên, nghiên cứu này cho thấy niềm tin còn tác động đến động lực làm việc bên ngoài [118]. Điều này hàm ý, muốn nâng cao kết quả hành vi của nhân viên thì nhà quản lý phải xem xét mức độ tác động của niềm tin vào doanh nghiệp đến cả động lực làm việc bên trong và động lực làm việc bên ngoài.
Một trong các yếu tố để hình thành sự hợp tác thành công là sự tin tưởng. Môi trường doanh nghiệp đề cao giá trị của sự tin tưởng sẽ khuyến khích nhân viên bày tỏ ý tưởng và cảm xúc của họ, xem đồng nghiệp là những đối tác để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Nếu không có lòng tin, nhân viên sẽ rơi vào trạng thái tự bảo vệ,
tư thế phòng thủ, dẫn đến việc ngăn cản quá trình học tập lẫn nhau. Kết quả này cũng tương đồng với kết luận của Dirks và Ferrin, cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng niềm tin có tác động đáng kể đến nhiều kết quả liên quan trong doanh nghiệp. Đối với các nhà lãnh đạo, niềm tin của cấp dưới sẽ giúp họ thực hiện thành công những ý tưởng thay đổi bởi vì họ được sự hỗ trợ tích cực từ phía nhân viên do họ tin rằng lãnh đạo thực hiện những công việc đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, phản ánh những giá trị và nguyện vọng của họ [63], [56].
Kết quả nghiên cứu của Ferres và cộng sự cho thấy niềm tin vào đồng nghiệp là yếu tố quan trọng được nhân viên đánh giá cao liên quan đến sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Nhân viên cảm nhận tích cực hơn về sự hỗ trợ từ doanh nghiệp nếu có sự tin tưởng vào đồng nghiệp. Ngược lại, việc tin tưởng thấp đối với đồng nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức họ về sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Sự tin tưởng vào đồng nghiệp còn tác động vào cam kết với tổ chức, nâng cao niềm tin vào doanh nghiệp, chủ động hơn ở nơi làm việc và giảm ý định rời bỏ doanh nghiệp. Hàm ý của nghiên cứu là việc tạo được niềm tin giữa các nhân viên sẽ tạo cơ hội cải thiện hiệu quả công việc của cá nhân và doanh nghiệp [71]. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Sias và đtg cho thấy năm nguyên nhân cụ thể làm mất niềm tin đối với các mối quan hệ đồng nghiệp: cá tính không phù hợp, sự sao lãng do ảnh hưởng của các sự kiện bất như ý trong cuộc sống, sự mâu thuẫn trong kỳ vọng cá nhân, thăng tiến không công bằng và sự phản bội. Nhu cầu công việc, đặc biệt trong các tình huống mà người lao động trực tiếp thỏa thuận với nhau, có thể tạo ra các mối quan hệ tiêu cực. Thêm nữa, nhu cầu giao tiếp điện tử trong giai đoạn hiện nay, khiến nhiều người ràng buộc ngày càng cao hơn vào công việc, tạo áp lực khiến người lao động cư xử thô lỗ [36].
Những vấn đề trên cho thấy niềm tin là yếu tố quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng. Khi con người có niềm tin với nhau thì mọi việc, dù gặp nhiều khó khăn vẫn được giải quyết tốt đẹp. Một khi niềm tin đã mất đi thì rất khó để xây dựng lại và việc thiếu niềm tin sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày trong doanh nghiệp, nhân viên sẽ giảm động lực làm việc dẫn đến doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh về nguồn lực con người. Điều này hàm ý doanh nghiệp cần lưu ý sâu sắc đến yếu tố này trong môi trường hoạt động của doanh nghiệp, cần đề cao niềm tin trong hệ giá trị của văn hóa doanh nghiệp.