a. Tính đơn hướng
3.6.7. Trách nhiệm xã hội
Kết quả phân tích cho thấy TNXH chỉ ảnh hưởng có ý nghĩa đến động lực bên trong (trọng số chuẩn hóa 0,122), kết quả này khá tương đồng với nhiều nghiên cứu trước đây. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội, chẳng hạn như yếu tố đạo đức, áp lực từ khách hàng và cộng đồng, ràng buộc liên quan đến luật pháp. Tuy nhiên, nhiều yếu tố liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp là tác nhân chính tạo ra động lực khiến người lao động tham gia vào các hoạt động TNXH. Doanh nghiệp ngày càng hiểu rằng, nếu họ tham gia và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình sẽ cải thiện hình ảnh của họ, qua đó giúp tận dụng được các cơ hội mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kết quả này cũng tương đồng với Borger và Kruglianskas khi họ cho rằng muốn thực hiện tốt TNXH cần lồng ghép chúng vào trong các yếu tố như: sự lãnh đạo của các nhà quản lý hàng đầu, triết lý quản trị, cơ cấu tổ chức, chính sách, chiến lược của doanh nghiệp. Lãnh đạo là cơ sở cho hành động trách nhiệm xã hội, không có cam kết từ phía lãnh đạo, trách nhiệm xã hội sẽ chỉ là phát biểu hình thức, xa rời thực tế. Các nguyên tắc trách nhiệm xã hội được bao gồm trong sứ mệnh, giá trị và niềm tin của doanh nghiệp, thể hiện vai trò của doanh nghiệp đối với xã hội, không chỉ nhằm đến mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho riêng mình mà còn vì lợi ích cho cộng đồng. Sự hỗ trợ và tham gia của quản lý cấp cao đã được chứng minh là điều kiện cần thiết để đảm bảo sự phát triển trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp. Quan điểm về trách nhiệm xã hội có liên quan đến niềm tin của lãnh đạo doanh nghiệp, và do đó được truyền vào văn hóa doanh nghiệp [33].
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không có một mô hình trách nhiệm xã hội chung cho các doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là sự linh hoạt để điều chỉnh các chương trình trách nhiệm xã hội theo đặc điểm của doanh nghiệp. Lãnh đạo là cơ sở cho quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội, sự tham gia của các nhà quản lý hàng đầu giúp phát triển, củng cố các giá trị, niềm tin của doanh nghiệp và chuyển tải chúng đến nhân viên một cách thực chất, biến đổi các nguyên tắc và chính sách thành các quy trình và thủ tục của doanh nghiệp, và đây là cơ sở dẫn đến các hành động xã hội có trách nhiệm. Những tác động tích cực này không chỉ giới hạn trong
nội bộ doanh nghiệp mà còn lan tỏa ảnh hưởng đến cộng đồng, đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp và người tiêu dùng, xây dựng mối quan hệ của doanh nghiệp với môi trường bên ngoài, mang lại hình ảnh tốt hơn, nâng cao uy tín, biến chúng trở thành vốn xã hội cho doanh nghiệp. Một vòng tròn đạo đức được thiết lập giữa phát triển, môi trường, trách nhiệm xã hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nghiên cứu của Borger và Kruglianskas với ba công ty ở Brazil cho thấy các hoạt động môi trường xã hội của họ đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Việc áp dụng một chiến lược trách nhiệm xã hội tích hợp góp phần xây dựng môi trường làm việc phù hợp với sự đổi mới, nâng cao năng lực của nhân viên và tăng khả năng đổi mới của doanh nghiệp. Bên cạnh việc phân phối các sản phẩm và dịch vụ ra thị trường, các doanh nghiệp còn đóng vai trò giáo dục, vì họ có thể thay đổi hành vi của người tiêu dùng bằng cách tạo ra các sản phẩm bền vững về môi trường và xã hội. Những biểu hiện trên sẽ làm cho người lao động cảm thấy tự hào khi nói về doanh nghiệp của mình, tác động mạnh mẽ đến động lực làm việc bên trong của người lao động [33].