nguồn quy hoạch) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; xác định nguồn cán bộ quy hoạch.
* Về rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ:
Rà soát, đánh giá cán bộ là là khâu đầu tiên, hết sức quan trọng trong công tác cán bộ; có đánh giá đúng mới biết ai là cán bộ tốt, ai là cán bộ kém, ai là người có tài, ai bất tài, từ đó mới có thể lựa chọn, quy hoạch, bố trí, sử dụng đúng cán bộ, hạn chế được những thiếu sót, sai lầm trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ sẽ kích thích được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu
cực của mỗi người cán bộ. Muốn thực hiện tốt công tác quy hoạch ĐNCBCC thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý thì định kỳ phải rà soát, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, trình độ, kết luận rõ ràng, chính xác những ưu điểm, nhược điểm, sở trường, sở đoản của từng người cán bộ kể cả cán bộ đương chức và dự nguồn quy hoạch các chức danh này, có hồ sơ lưu trữ kết quả đánh giá để theo dõi, kiểm tra mức độ phấn đấu của cán bộ trên từng cương vị.
Để đánh giá đúng cán bộ trước hết chúng ta cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nó, khắc phục quan niệm, cách làm hình thức, hời hợt, cảm tính chung chung, chỉ nêu ưu điểm, kể nể thành tích, tránh nêu khuyết điểm hoặc nếu có thì cũng nêu những khuyết điểm nhỏ nhặt không đáng nói, như: Cá tính nóng nảy, chưa tích cực đi cơ sở để nắm bắt tình hình thực tiễn…
Hai là: Phải nắm vững căn cứ, tiêu chuẩn đánh giá: Vấn đề này Quy chế đánh giá cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 50-QĐ/TW ngày 03/5/1999 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 11-HD/TCTW ngày 30/10/2002 của BTC TW đã nêu rõ. Song phải có sự nghiên cứu để cụ thể hoá cho phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị trong từng thời gian. Thực tế vừa qua một số nơi có sự vận dụng sáng tạo trong việc làm rõ các tiêu chí đánh giá. Chẳng hạn có nơi nhấn mạnh cán bộ phải nói ít làm nhiều, nói đúng, nói những điều dân cần, không hứa suông, phải 4 cùng, 3 trực tiếp với dân. Có nơi lấy sự tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, xoá đói giảm nghèo, không mất đoàn kết nội bộ, không có khiếu kiện vượt cấp làm căn cứ đánh giá. Tuy nhiên điều cần thiết là phải quán triệt những tiêu chuẩn chung của cán bộ để đánh giá, tránh xu hướng tuỳ tiện, bất nhất tuỳ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong giai đoạn hiện nay cần nhấn mạnh tới sự kiên định lập trường tư tưởng, chính trị trước những diễn biến phức tạp của thế giới và những nhiệm vụ khó khăn ở trong nước, chú ý đặc biệt đến đạo đức, lối sống, tinh thần đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, mất dân chủ, sự nêu gương, sự quan tâm
đến lợi ích của quần chúng, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; năng lực, trình độ thể hiện thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, sự sáng tạo trong công tác, dám nghĩ, dám làm, sự đoàn kết nội bộ, sự tín nhiệm trong quần chúng làm chuẩn mực đánh giá đức và tài của từng cán bộ.
Ba là: Phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, quyết định theo đa số, trên cơ sở tự phê bình và phê bình. Chủ thể đánh giá cán bộ là cấp uỷ, tập thể lãnh đạo trong đó từng cá nhân phải thực sự trung thực, công tâm, khách quan, không định kiến hẹp hòi. Vì đánh giá cán bộ là sự phản ánh người cán bộ thông qua lăng kính của người đánh giá, nếu người đánh giá mắc phải những sai lầm như: Chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực, vụ lợi, cơ hội, thực dụng bè cánh, địa phương… thì chắc chắn khi đánh giá sẽ xuyên tạc, làm méo mó sự việc, dẫn đến đánh giá cán bộ không chuẩn xác, như người ta thường nói “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, vì thế người cán bộ lãnh đạo, người làm công tác tổ chức cán bộ cần có trí tuệ minh mẫn, biết phát huy trí tuệ của tập thể, kết hợp với cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung.
Bốn là: Phải có phương pháp khoa học, tư duy biện chứng duy vật, phải quán triệt quan điểm khách quan, toàn diện và lịch sử cụ thể, tính công khai trong đánh giá cán bộ; phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn cán bộ, phải lấy ý kiến của quần chúng, coi đó là cơ sở khách quan để đánh giá, phải cân nhắc đến các điều kiện khách quan, chủ quan, hoàn cảnh gia đình, xã hội của cán bộ, loại trừ những yếu tố ảnh hưởng, nắm thông tin nhiều chiều, xét từ quá khứ, hiện tại và tương lai của cán bộ, phải nắm lấy những mặt cơ bản, chủ yếu tương đối ổn định, biết loại bỏ những ngẫu nhiên bề ngoài nhất thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, hiện tượng và bản chất, khả năng và hiện thực để đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, triển vọng của cán bộ, phải phân loại được cán bộ theo các tiêu thức. Đặc biệt chú ý đánh giá cán bộ ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, những nhiệm vụ đột xuất khó khăn, tình huống phức tạp; phải nghiên cứu kỹ hồ sơ của từng cán bộ, theo dõi cả quá trình công tác, đánh giá cán bộ theo kết quả
hoàn thành từng nhiệm vụ được giao, quản lý chặt chẽ cán bộ cả ở nơi công tác và nơi cư trú để đánh giá cán bộ một các toàn diện và chính xác.
Năm là: Sau khi đánh giá đúng cán bộ thì cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách khen thưởng, kỷ luật bố trí cán bộ cho thoả đáng, những ai được đánh giá là có phẩm chất tốt, lập được thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì phải được khen thưởng, được xem xét đưa vào quy hoạch, được đề bạt chức vụ cao hơn, được nâng bậc lương sớm… để động viên khuyến kích. Trái lại người có biểu hiện mắc nhiều khuyết điểm, phải kiểm tra làm rõ và xử lý kỷ luật nghiêm minh, đưa ngay ra khỏi diện quy hoạch, có thể miễn nhiệm chức vụ không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm.
Tóm lại, rà soát, đánh giá cán bộ là một nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác QHCB và các khâu khác trong công tác cán bộ, vì thế không thể không làm và phải làm thật tốt. Tuy nhiên đây là một vấn đề nhạy cảm, rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các cấp uỷ đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có nền nếp, tăng cường phổ biến, quán triệt để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu từ mục đích yêu cầu, nội dung đánh giá, phương châm, nguyên tắc, quy trình đánh giá để đạt được hiệu quả cao, có như vậy mới thực hiện tốt được công tác QHCB, góp phần nâng cao được chất lượng công tác cán bộ ở tỉnh.
*Về xác định nguồn cán bộ để đưa vào quy hoạch:
Việc xác định nguồn, lựa chọn ứng viên để đưa vào diện quy hoạch là khâu quan trọng trong công tác QHCB lãnh đạo, quản lý. Vì mục đích của công tác QHCB là nhằm chuẩn bị từ xa và tạo nguồn cán bộ dồi dào làm căn cứ để ĐTBD, xây dựng đội ngũ cán bộ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị; tạo sự chủ động, có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng "hẫng hụt" trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Khi đánh giá về những mặt tồn tại hạn chế trong công tác QHCB hiện nay thì nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều cho rằng, khâu xác định nguồn, tạo nguồn là khâu yếu nhất, dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch. Vì vậy để đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch ĐNCBCC thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý hiện nay, chúng ta cần có quan điểm thống nhất, xác định đúng nguồn cán bộ, tích cực tạo nguồn cán bộ để lựa chọn đưa vào quy hoạch những đ/c có đủ các tiêu chuẩn quy định.
Nguồn cán bộ là nơi khởi đầu, xuất phát điểm, nơi cung cấp cán bộ. Mỗi khi lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, chúng ta lại tự hỏi phải lựa chọn cán bộ ở đâu, từ nguồn nào? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần làm rõ đối tượng cán bộ để lựa chọn đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt diện BTV Tỉnh uỷ quản lý là những ai, tiêu chuẩn những cán bộ đó thế nào?
Đối tượng cán bộ để lựa chọn đưa vào quy hoạch:
- Thứ nhất, là những cán bộ chủ chốt đương chức thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý, còn độ tuổi, đủ tiêu chuẩn, điều kiện tiếp tục tham gia trong nhiệm kỳ tới, trong cương vị chức vụ đó, chức vụ khác tương đương hoặc vào chức vụ cao hơn.
- Thứ hai, là những cán bộ đang giữ các chức vụ trưởng, phó phòng hoặc chức vụ tương đương ở các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố thuộc tỉnh; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của tỉnh.
- Thứ ba, là cán bộ lãnh đạo, quản lý; các nhà khoa học trẻ hiện đang công tác tại các cơ quan, các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu...ở TW và các tỉnh trong cả nước, nhất là những đ/c quê ở Bắc Giang, hoặc có điều kiện thuận lợi khi về công tác ở Bắc Giang.
- Thứ tư, là chuyên viên chính hoặc chuyên viên trẻ tuổi, được đào tạo cơ bản, có trình độ học vấn cao, có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác, qua thực tiễn thể hiện là người có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực vượt
trội, nhiều triển vọng. Những cán bộ này phải là cán bộ đã nằm trong quy hoạch vào các chức danh thuộc diện cấp sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, hoặc cấp huyện quản lý.
Về tiêu chuẩn: Cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn chung nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, BCHTW khoá VIII về chiến lược cán bộ và phải đạt hoặc gần đạt các yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể sau:
- Trình độ qua đào tạo: Về chuyên môn nghiệp vụ: Đại học trở lên (chuyên ngành đào tạo phù hợp); LLCT: Cử nhân, cao cấp. Cán bộ dưới 45 tuổi nói chung phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy về chuyên môn và trung cấp về LLCT trở lên. Đồng thời quan tâm đến các đ/c tuy không được đào tạo cơ bản theo quy định, nhưng có năng lực nổi trội trong chỉ đạo thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; những đ/c là cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ nên xem xét vận dụng một cách thích hợp.
- Về độ tuổi: Những đ/c dự kiến lần đầu tham gia cấp uỷ, lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cán bộ chủ chốt cấp huyện nói chung phải đủ tuổi tham gia từ hai nhiệm kỳ trở lên, hoặc ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ (05 năm). Những đ/c đang là cấp uỷ viên, dự kiến tái cử, nói chung phải đủ tuổi công tác một nhiệm kỳ. Cần đặc biệt quan tâm đưa vào nguồn quy hoạch những cán bộ trẻ (tuổi đời dưới 40), có triển vọng để ĐTBD, nhất là cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
- Về quá trình công tác thực tiễn: Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên nói chung phải trải qua chức vụ chủ chốt ở cấp dưới hoặc tuy chưa kinh qua chức vụ chủ chốt cấp dưới nhưng có năng lực thực tiễn và có triển vọng phát triển rõ rệt.
- Ngoài các yêu cầu trên, cán bộ đưa vào quy hoạch phải được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; địa phương, đơn vị được phân công phụ trách không có những vi phạm lớn; bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ việc xác định đối tượng, tiêu chuẩn cán bộ như trên chúng ta có thể thấy nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt diện BTV Tỉnh uỷ quản lý là rất rộng, nhưng cần xác định nguồn trực tiếp là: Đội ngũ cán bộ đương chức thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý hiện nay (nguồn đương nhiệm). Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở tỉnh và các huyện, thành phố; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh (nguồn kế cận). Nguồn từ xa (nguồn dự bị) là số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản chính quy về các mặt, có phẩm chất tốt, có nhiều thành tích, có triển vọng, trong đội ngũ CBCC của toàn tỉnh và một nguồn đáng quan tâm khai thác là thu hút những nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý có tâm huyết với tỉnh hiện đang công tác ở ngoài tỉnh.
Thực tế, trong thời gian qua, khi xác định nguồn cán bộ đưa vào QHCB chủ chốt thuộc diện BTV Tỉnh uỷ quản lý, đa số các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chỉ giới hạn hẹp trong phạm vi ngành, địa phương mình, đối tượng cán bộ mình quản lý, chưa bao quát được diện rộng các lớp nguồn như trên, dẫn đến chất lượng quy hoạch chưa thật tốt, thường thì quy hoạch vẫn theo kiểu "xếp hàng, tuần tự" chưa có sự đột biến, ít cán bộ trẻ được phát hiện, xem xét, lựa chọn quy hoạch vượt cấp vào các chức danh cán bộ chủ chốt diện BTV Tỉnh uỷ quản lý. Do đó trong thời gian tới phải đổi mới về quan niệm, nhận thức của cán bộ, đảng viên trước hết là cấp uỷ các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, trong việc xác định nguồn cán bộ, có những biện pháp tích cực chăm lo tạo nguồn cán bộ ngay từ khi còn học trong các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng, trong các cơ sở ĐTBD cán bộ và trong phong trào thực tiễn,“Phải có cơ chế, chính sách, phát hiện, tuyển chọn, ĐTBD, trọng dụng và đãi ngộ xúng đáng người có đức, có tài" [18, tr.137]; cần cải tiến, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, luân chuyển, đề bạt bổ nhiệm cán bộ; tăng cường ĐTBD về các mặt cho đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh để nâng cao chất lượng nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch.
Để có nguồn ứng viên dồi dào, thuận lợi cho việc lựa chọn đưa vào quy hoạch, cần chủ động rà soát, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành và đội ngũ CBCC của toàn tỉnh, phải mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, tăng cường công tác thông tin trong việc phát hiện giới thiệu cán bộ đưa vào nguồn quy hoạch, sớm phát hiện trong đội ngũ cán bộ công chức những đ/c trẻ tuổi, được đào tạo chính quy qua các trường đại học, có phẩm chất, có kinh nghiệm, thành tích trong hoạt động thực tiễn, cán bộ kinh doanh, sản xuất giỏi có triển vọng phát triển tốt để quy hoạch, bổ nhiệm hoặc giới thiệu bầu vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện, thành phố, từ đó xem xét lựa chọn đưa vào QHCB chủ chốt diện BTV Tỉnh uỷ quản lý; cần xác định nguồn cán bộ quy hoạch ở phạm vi rộng, kể cả trong tỉnh và ngoài tỉnh, nguồn tại chỗ và nguồn từ nơi khác cần khai thác, không nên khép kín trong từng ngành, từng địa phương, đơn vị; phải chú ý đến cả những cán bộ ngoài Đảng trong các thành phần kinh