- Những bất hợp lý của bộ máy hành chính ngành thuế:
3.1.1: Những bất hợp lý của hệ thống thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng khi tham gia hội nhập quốc tế.
riêng khi tham gia hội nhập quốc tế.
Mặc dù đã từng bước được cải cách và hoàn thiện, nhưng hiện nay chính sách thuế vẫn còn vướng mắc cần tiếp tục cải cách, sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc của WTO.
- Trong từng sắc thuế còn chứa đựng tính không công bằng và chưa bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế khác nhau.
Một trong những nguyên tắc quan trọng và bao trùm nhất của WTO và được áp dụng như một nguyên tắc cơ bản trong mậu dịch khu vực và các hiệp định thương mại song phương là không phân biệt đối xử. Điều này được thể hiện ở hai nguyên tắc là nguyên tắc tối huệ quốc và nguyên tắc đối xử quốc gia, trong đó đòi hỏi mỗi nước không được thực hiện sự phân biệt đối xử giữa hàng hoá trong nước và hàng hoá nước ngoài thông qua các loại thuế và phí nội địa nhằm xác định chuẩn mực công bằng giữa các đối tượng nộp thuế khác nhau. Nhìn từ nguyên tắc này, ta thấy rằng hệ thống thuế Việt Nam có những vấn đề sau:
+ Thuế TTĐB qui định miễn giảm thuế đối với các cơ sở lắp ráp ôtô, cơ sở sản xuất bia bị lỗ; áp dụng thuế suất khác nhau đối với sản phẩm trong nước và nước ngoài… Những qui định này vi phạm các nguyên tắc về đối xử quốc gia của WTO.
+ Thuế TNCN chưa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế khác nhau. Cá nhân kinh doanh phải nộp thuế TNCN theo mức thuế suất 32%, còn người không kinh doanh phải nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao theo biểu thuế luỹ tiến từng phần với mức tối đa là 50%. Vì vậy, nguyên tắc đối xử bình đẳng của các tổ chức quốc tế sẽ bị vi phạm khi chúng ta tham gia hội nhập.
+ Sự phân biệt về khởi điểm chịu thuế của Người Việt Nam và người nước ngoài trong thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao cũng lộ rõ sự điều tiết thu nhập một cách bất bình đẳng giữa người Việt Nam và người nước ngoài, trái với nguyên tắc đối xử quốc gia của các tổ chức quốc tế.
+ Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao chưa thực sự điều chỉnh được tất cả các khoản thu nhập phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, đã gây nên sự bất bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế của mọi thành viên trong xã hội.
+ Qui định về ưu đãi thuế cho Việt kiều khi đầu tư về Việt Nam là vi phạm qui định về không phân biệt đối xử trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước.
+ Việc qui định đến 26 đối tượng được miễn thuế GTGT, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuế GTGT cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, các doanh nghiệp mới thành lập như hiện nay là không tạo được mặt bằng và động lực cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh một cách bình đẳng.
- Hệ thống thuế còn nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa đảm bảo tính tương thích với hệ thống thuế các nước trong khu vực.
Một nguyên tắc khác trong hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chính sách ban hành trong lĩnh vực thương mại của mỗi nước đều phải đảm bảo tính hợp lý để giảm thiểu sự tuỳ tiện và tránh tham nhũng. Các nước thành viên phải đưa ra những chính sách công khai minh bạch, giảm bớt các luật lệ và các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình tự do hoá thương mại.
+ Thế nhưng biểu thuế suất thuế GTGT hàng nhập khẩu của nước ta cao hay thấp lại dựa trên mục đích sử dụng của hàng hoá mà không dựa trên tính chất của hàng hoá. Điều đó trái với thông lệ quốc tế,
nó không những gây phức tạp trong công tác quản lý thu thuế mà còn tạo nên những khe hở để trốn thuế, trốn lậu. Ví dụ: hàng hoá do quốc phòng, an ninh nhập khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu về cũng hàng hoá đó lại chịu thuế GTGT.
+ Việc cho phép áp dụng mức thuế TNDN ưu đãi cho các doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu cao và thu chênh lệch giá đối với hàng nhập khẩu là vi phạm qui định về cấm trợ cấp xuất khẩu của WTO. + Qui định cho phép khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào của các mặt
hàng nông, thuỷ sản mua trực tiếp của nông dân có mục đích hỗ trợ cho ngành sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn, đồng thời đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT, nhưng việc khấu trừ khống thuế đầu vào hiện hành chỉ căn cứ vào bảng kê là thiếu căn cứ khoa học, thiếu chính xác, không đảm bảo tính minh bạch của luật thuế.
+ Việc tiếp tục mở rộng thời hạn ưu đãi thuế đối với đầu tư nước ngoài là không phù hợp với việc các nước không chấp nhận kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp trừ khoán thuế trong hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký với Việt Nam cũng như các nước đã và đang tiến hành đàm phán với Việt Nam. Biện pháp này không những gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước mà còn không đem lại hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Những bất cập trên cần phải được điều chỉnh kịp thời khi nền kinh tế nước ta tham gia hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
- Hệ thống thuế của nước ta còn quá phức tạp, chưa thể hiện sự đơn giản, rõ ràng và minh bạch theo các nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở nguyên tắc công khai và minh bạch, tất cả các chính sách và biện pháp nhằm tự do hoá thương mại của mỗi nước đều phải đưa ra công
khai để một thành viên có thể hiểu được các thành viên khác đang làm gì và thực hiện tới đâu, từ đó nắm được những thông tin cần thiết để có những biện pháp ứng xử kịp thời với những đối xử không công bằng trong quan hệ thương mại.
Trong chính sách thuế của Việt Nam còn qui định quá nhiều đối tượng không chịu thuế, nhiều trường hợp miễn giảm thuế khác nhau. Nguyên nhân là do hệ thống chính sách thuế vừa nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ngành, vùng, lãnh thổ, vừa thực hiện chính sách xã hội. Chính sách thuế còn có sự phân biệt đối xử về thuế suất giữa các ngành nghề khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ chi phí, tạo khe hở cho hành vi trốn thuế và đem đến sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa các ngành nghề. Một số chính sách xã hội được đưa vào thực hiện trong chính sách thuế dưới hình thức miễn giảm thuế như giảm và miễn thuế TNDN cho các đối tượng là thương binh, người tàn tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ....
Từ nguyên tắc này ta thấy rằng: hệ thống thuế Việt Nam hiện nay còn quá phức tạp. Thuế được sử dụng để phục vụ nhiều chính sách xã hội khác nên đã là mất đi tính trung lập của công cụ thuế và trái với nguyên tắc đơn giản, rõ ràng, minh bạch của hệ thống thuế trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam chưa có sự kết hợp hài hoà giữa các sắc thuế, giữa mục tiêu số thu cho ngân sách và mục tiêu kích thích sản xuất phát triển và điều tiết nền kinh tế thông qua từng sắc thuế. Trong điều kiện mở cửa hội nhập và tích cực chuẩn bị để tham gia WTO, hệ thống chính sách thuế phải được sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức này, đồng thời vẫn phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản của nền kinh tế như nguồn thu cho NSNN, tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, bảo hộ hợp lý cho một số ngành then chốt...
Như vậy, hệ thống chính sách thuế hiện hành của Việt Nam mặc dù đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng tới nay vẫn bộc lộ nhiều bất hợp lý làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiến hành cải cách, đổi mới về căn bản hệ thống thuế hiện hành để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và mở rộng hợp tác quốc tế trong thời gian tới.