Đây là những tiền đề cơ bản, là môi trường cần thiết để sắc thuế này có thể phát huy tác dụng:
- Nền kinh tế phát triển ổn định và Nhà nước thực sự quản lý được nền kinh tế: Thuế GTGT là sắc thuế của nền kinh tế phát triển ổn định, ở đó không có những biến động lớn về giá cả hàng hoá. Giá cả của hàng hoá ở khâu sau thường cao hơn khâu trước, phản ánh đúng giá trị gia tăng của hàng hoá qua mỗi công đoạn sản xuất. Khi đó thuế đầu ra thường lớn hơn thuế đầu
vào, việc hoàn thuế sẽ ít xảy ra. Nhà nước thực hiện việc thu thuế và quản lý nền kinh tế là hai mặt của một quá trình thống nhất và biện chứng với nhau. Trong trường hợp áp dụng thuế doanh thu, thuế được thu dứt điểm ở từng khâu sản xuất của từng cơ sở kinh doanh nên nếu có thất thu thuế ở một cơ sở hay một khâu nào thì đó chỉ là hiện tượng cá biệt, độc lập và mang tính tạm thời. Đối với thuế GTGT, cơ quan thuế phải theo dõi thuế ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất để thực hiện công tác thu thuế và hoàn thuế nên nếu Nhà nước không kiểm soát chặt chẽ được mọi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh thì không những không thu được đầy đủ thuế mà thậm chí có thể bị mất đi một phần thuế đã thu do phải hoàn thuế ở các khâu trước.
- Thực hiện nghiêm túc những qui định về sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ: Mọi người dân và các thành phần kinh tế phải hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả thuế GTGT, điều kiện tiên quyết là hoá đơn chứng từ phải được sử dụng triệt để trong mọi giao dịch kinh tế, vì đây là cơ sở để tính thuế. Công tác kế toán, sổ sách tài chính phải được ghi chép đầy đủ, trung thực, thống nhất để việc quản lý thuế được chặt chẽ.
- Cơ quan thuế phải đổi mới nghiệp vụ: Công tác quản lý thuế của cơ quan thuế phải được đổi mới để phù hợp với sắc thuế mới này như việc cấp mã số thuế, phát hành và quản lý hoá đơn chứng từ, việc kê khai và nộp thuế… Cán bộ ngành thuế phải được nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của việc quản lý thuế GTGT đồng thời phải được sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại. Có như vậy, công tác quản lý thuế mới chặt chẽ, hạn chế thất thu và những tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện.
- Luật thuế GTGT phải được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế: Các nội dung của luật thuế phải được xác định rõ ràng rành mạch, chỉ được hiểu theo một nghĩa, dễ thực hiện, để việc áp dụng thuế có hiệu quả đồng thời hạn chế tình trạng gian lận, cố tình né tránh thuế. Các văn bản hướng dẫn thực hiện luật thuế GTGT cho từng ngành nghề cụ thể, cho từng thành phần kinh tế phải được viết dễ hiểu, đầy đủ, không chồng chéo, trùng lắp.
- Các sắc thuế khác liên quan phải được điều chỉnh đồng bộ: Thuế GTGT chỉ có thể phát huy hết tác dụng khi nó được đặt trong mối quan hệ ràng buộc với các luật thuế khác như thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TNDN… Do vậy khi áp dụng thuế GTGT, Nhà nước cần phải điều chỉnh lại các sắc thuế liên quan để các sắc thuế có thể bổ trợ cho nhau và cùng phát huy tác dụng tích cực.