Một là, tăng kim ngạch xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng qua các năm từ 1999 đến nay. Năm 1999, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật Bản mới chỉ đạt gần 47,5 triệu USD, đến năm 2000, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Nhật Bản đã đạt 85 triệu USD, tăng gần gấp gôi kim ngạch năm 1999. Tiếp theo, các năm sau, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cũng tăng đều. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 96 triệu USD; năm 2002, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Nhật Bản đạt gần hơn 117 triệu USD; năm 2003 đạt trên 136 triệu USD; năm 2004 đạt 152,3 triệu USD; năm 2005 đạt 243 triệu USD, tăng gần gấp ba lần so với năm 2000. Đến hết năm 2006, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật đạt 291,5 triệu USD, chiếm 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam (đạt gần 2 tỷ USD); tăng gấp sáu lần kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật Bản năm 1999.
Hai là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Nhật Bản khá cao, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng trên 20%. Năm 2000, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Nhật Bản đạt 79%; năm 2005 đạt 59,55%; năm 2002 đạt 22,47%; năm 2006 đạt 20,16%.
Ba là, thị phần sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường của Nhật Bản liên tục tăng qua các năm. Năm 1999, thị phần sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Nhật chỉ đạt 3,87%, năm 2000, thị phần đạt 5,78%, năm 2002 là 6,97%; năm 2004 đạt 7,3%, năm 2005 là 7,7%. Năm 2006, thị phần sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam tại Nhật là 8%.
Bốn là, sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có vị thế cao tại thị trường Nhật Bản. Năm 2004, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Nhật Bản đứng vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các nước có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm
gỗ cao vào thị trường Nhật, sau Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Năm 2006, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Đài Loan, vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Điều này khẳng định sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường Nhật Bản.
Những lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm gỗ: Ngành gỗ xuất khẩu đang có lợi thế với khoảng 1.200 doanh nghiệp tham gia chế biến và kinh doanh, trong đó có trên 300 doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu. Sản phẩm gỗ Việt hiện đã có mặt tại trên 120 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu vào 3 thị trường trọng điểm Mỹ, EU, Nhật Bản. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đối với mặt hàng này vốn đang tăng cao sẽ càng tăng cao hơn… Đây chính là điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ngành hàng giá trị này và khai thác triệt để hơn nhu ầu đồ gỗ của thế giới. Các DN sản xuất các mặt hàng đồ gỗ công nghiệp thường có sự đầu tư mới về các thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất. Yếu tố quan trọng làm nên lợi thế của ngành chế biến gỗ Việt Nam, theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đó là trình độ lành nghề, kỹ thuật tinh xảo của lực lượng lao động, đặc biệt là các nghệ nhân. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có 3 cụm công nghiệp chế biến gỗ là cụm thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương; cụm Bình Định – Tây Nguyên và cụm Hà Nội - Bắc Ninh. Riêng Hà Nội - Bắc Ninh có thế mạnh vượt trội về sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ. Đây chính là những lợi thế của ngành chế biến gỗ sánh vai với các thành viên WTO.
Chất lượng sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng được nâng cao, bước đầu đáp ứng được những yêu cầu khắt khe, kỹ tính, của người tiêu dùng Nhật Bản.
Sản phẩm gỗ Việt Nam đã chiếm được trái tim, lòng tin của người tiêu dùng Nhật Bản - vốn là những người tiêu dùng khó tính và đồ gỗ Việt Nam còn nhiều triển vọng vượt qua cả Trung Quốc và Đài Loan để trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất sang Nhật Bản, chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản. Lợi thế nổi trội để đồ gỗ Việt Nam dần tăng tỉ trọng xuất khẩu chính là chất lượng gỗ tốt (nguồn gỗ tự nhiên), nhưng cứ dựa mãi vào lợi thế đó, thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm. Ngày càng có nhiều người Nhật "cảm tình" với hàng Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ ngày càng có điều kiện tiếp cận tốt hơn với môi trường kinh doanh tại Nhật Bản, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Nhật tương đương với chi phí vận chuyển bên trong nước Nhật dù rằng đoạn đường vận chuyển bên trong ngắn hơn. "Những cơ hội này không phải để tạo ra một sự đột phá cho hàng đồ gỗ Việt Nam mà hy vọng tạo được mối quan hệ lâu dài cho hàng Việt Nam trên thị trường Nhật", chuyên gia Nhật phát biểu.
Một yếu tố rất quan trọng làm nên lợi thế của ngành chế biến gỗ nước ta, đó là trình độ lành nghề, kỹ thuật tinh xảo của lực lượng lao động, đặc biệt là các nghệ nhân. Điều này được minh chứng qua con số 80% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam là hàng tinh chế. Thành công của các doanh nghiệp chuyên về đồ gỗ nội thất như công ty AA (thành phố Hồ Chí Minh) trên thị trường Âu, Mỹ cho thấy khiếu thẩm mỹ của đội ngũ thiết kế, chế tạo người Việt đã bắt kịp với "gout" tiêu dùng hiện đại. "Trình độ của người thợ gỗ Việt Nam vừa là vốn quí, lại vừa là lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến gỗ", ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh.
Hiện tại, cả nước có 3 cụm công nghiệp chế biến gỗ, đó là: thành phố Hồ Chí Minh- Bình Dương; Bình Định - Tây Nguyên và Hà Nội - Bắc Ninh. Riêng cụm Hà Nội - Bắc Ninh có thế mạnh vượt trội về dòng đồ gỗ mỹ nghệ. Thị trường chính của các doanh nghiệp trong vùng (Trung quốc, Đài Loan) lại là dối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam. "Đây là nghề truyền thống của Trung Quốc, nếu trình độ của họ điểm 10 thì của ta chỉ đạt 7- 8"- Chủ tịch Hiệp hội gỗ tỉnh Bắc Ninh, kiêm Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Việt Hà, ông Nguyễn Văn Khanh cho biết. Tuy nhiên, gỗ mỹ nghệ Việt vẫn cạnh tranh được là do đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình dân hoặc thậm chí chấp nhận bán cho các đối tác để họ gia công lại, sau đó lại xuất đi nước thứ ba.
Một số doanh nghiệp đã tự nguyện liên kết lại để có tiền ký hợp đồng mua gỗ trước 6 tháng, 1 năm. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển thêm nhiều mặt hàng ngoài gỗ được thị trường chấp nhận. Nhờ thế, đồ gỗ Việt Nam vẫn trụ vững ở thị trường 120 nước.
Sự phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ thu hút một lượng lao động đáng kể vào ngành này, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, cải thiện đời sống nhân dân (trung bình lao động phổ thông làm trong ngành này có mức lương từ 650.000 đến 900.000 VND/tháng). Theo tính toán của các chuyên gia, cứ xuất khẩu khoảng 1 triệu USD sản phẩm gỗ sẽ tạo ra 4000 chỗ làm việc, hạn chế di dân từ nông thôn lên thành thị, góp phần duy trì trật tự kỷ cương, hạn chế được các tiêu cực xã hội khác.
Là một ngành hàng có lợi thế so sánh của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến gỗ đón nhận sự kiện nước ta trở thành thành viên thứ 150 của WTO với sự tự tin và lạc quan vào những vận hội lớn. "Tôi dám chắc đây là một ngành sẽ trụ vững và cạnh tranh thắng lợi. Bởi vậy, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam rất phấn khởi khi nước ta gia nhập WTO… Nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vốn đang tăng cao sẽ càng tăng cao hơn. Sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát huy tối đa trong môi trường này" - Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch hiệp Hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
"Trong môi trường WTO, với những thuận lợi về cơ chế kinh doanh thông thoáng (không bị đối tác áp đặt các điều kiện kinh doanh phi lý, thuế nhập khẩu thấp) cơ hội khai thác thị trường thế giới sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Vấn đề còn lại là bản thân các doanh nghiệp. Phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp để năng động hơn trong kinh doanh, thực hiện theo phương châm: nhanh, nhiều, tốt, rẻ", ông Phạm Trọng Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, tâm sự.
Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2004, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản ngày càng tăng với tốc độ rất cao, đã góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường lớn thứ hai thế giới này và góp phần đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu đồ gỗ đầy tiềm năng của thế giới.