Số liệu gần đây nhất của Cơ quan Thống kê Liên hiệp quốc (Comtrade) cho thấy, Trung Quốc (tính cả Hồng Kông và Ma cao) đã vượt qua Italia để trở thành thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới trong năm 2005. Nhờ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước tăng vững, sản xuất đồ gỗ của Trung Quốc luôn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. Giai đoạn 1999-2005, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc đã tăng 7 lần, tăng từ 932 triệu USD, lên đạt 7,15 tỷ USD, và khối lượng đồ gỗ xuất khẩu chiếm 1/4 tổng sản lượng trong năm
2005. Các thị trường tiêu thụ đồ gỗ chủ chốt của Trung Quốc là Mỹ (chiếm 50% giá trị xuất khẩu), Liên minh Châu Âu và Nhật Bản.
Năm 2005, sản lượng đồ gỗ của Trung Quốc ước đạt 339,9 triệu sản phẩm, tăng 11,41% so với năm 2004, với tổng giá trị sản lượng và doanh số bán ra (tính theo giá hiện nay) ước đạt lần lượt 138,904 tỷ NDT và 133,706 tỷ NDT, tăng tương ứng 27,40% và 27,43%. Năm 2006, ngành đồ gỗ Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh về sản lượng và doanh số bán ra. Xuất khẩu đồ gỗ và gỗ dán năm 2006 tăng mức kỷ lục. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc tăng 39% so với năm 2005, đạt 8,78 tỷ USD. Đồ gỗ tiếp tục giữ vị trí là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Trung Quốc khi chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường chính năm 2006 nhìn chung đều tăng lên, chẳng hạn như Mỹ (đạt 4,17 tỷ USD, tăng 47,5 % so với năm 2005), Hồng Kông (841 triệu USD, tăng 9,6%), Nhật Bản (595 triệu USD, tăng 6,8%), Anh (579 triệu USD, tăng 6,6%), Canađa (328 triệu USD, tăng 3,7%), Australia (300 triệu USD, tăng 3,4%) và Hàn Quốc (232 triệu USD, tăng 2,6%). Trung Quốc hiện là nhà cung cấp đồ gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ. Đồ gỗ của nước này chiếm tới 1/3 thị trường châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay 75% sản lượng đồ gỗ của nước này vẫn được tiêu thụ ở trong nước, nhờ sức mua nội địa tăng mạnh do mức sống của người dân ngày được cải thiện đáng kể.
Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu sản phẩm lâm sản lớn nhất thế giới tính theo giá trị và chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ về nhập khẩu. Các cánh rừng của Trung Quốc hiện chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đầu vào của ngành gỗ nội địa. Hiện nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu gỗ khúc mềm và cứng lớn nhất thế giới.
Nga là nước cung ứng gỗ khúc chính của Trung Quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ của nước này. Chỉ có một lượng nhỏ gỗ nhập khẩu của Trung Quốc có chứng nhận xuất xứ, trong khi phần lớn gỗ được nhập từ những nguồn khai thác trái phép. Theo số liệu chính thức của Nga, Trung Quốc đã nhập khẩu 19,2 triệu m3 gỗ khúc từ nước này, nhưng các chuyên gia Nga cho rằng, ngoài số lượng trên còn một lượng lớn gỗ khúc được nhập khẩu từ vùng Viễn Đông là khai thác trái phép. Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên Hợp Quốc (UNECE) vừa công bố báo cáo “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường gỗ châu Âu” cho biết, nhu cầu của phương Tây về đồ gỗ Trung Quốc đã đẩy kim ngạch nhập khẩu gỗ của nước này
tăng hơn 3 lần, lên 232,6 triệu m3 gỗ năm 2005, tăng 233% so với năm 1997, trong đó chủ yếu là gỗ bất hợp pháp từ Nga.
Theo UNECE, các cánh rừng rộng lớn ở khu vực Viễn Đông của Nga là nguồn cung cấp gỗ mềm chủ yếu, đáp ứng 70% nhu cầu gỗ của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ lượng gỗ nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc từ Nga có giấy chứng nhận xuất xứ. Nga đã trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng hàng đầu thế giới. Do rừng của Trung Quốc chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu trong nước về gỗ tròn công nghiệp, nên nước này hiện là nhà nhập khẩu gỗ số một thế giới cả về gỗ dẻo và gỗ tròn.
Trung Quốc cũng sẽ thành lập khu công nghiệp chế biến gỗ đầu tiên tại Nga trong thời gian tới đây theo một thoả thuận giữa 18 công ty chế biến gỗ tại thành phố Wenzhou, Trung Quốc với chính phủ Nga. Theo dự án trên, khu công nghiệp có vốn đầu tư 81 triệu USD với sản lượng 1,5 triệu m2 gỗ, chủ yếu là gỗ xẻ, gỗ ghép và các mặt hàng gỗ sợi ép. Được biết, dự án này thuộc một trong 6 khu công nghiệp nước ngoài được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ về vốn. Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Trung Quốc đã cấp 200 triệu NDT (25 triệu USD) tiền góp vốn cho 18 công ty trên.
Năm 2003, các công ty gỗ của Trung Quốc đã ký hợp đồng khai thác nhiều khu rừng tại Đức và xuất khẩu trở lại thị trường Trung Quốckhoảng 50.000 m3 gỗ xẻ, trị giá 7,5 triệu USD. Từ thời điểm đó, ngày càng có nhiều công ty gỗ Trung Quốc tới Đức tiến hành ký kết các thoả thuận mua quyền khai thác gỗ. Ngành đồ gỗ Trung Quốc hiện đang sử dụng nguyên liệu gỗ xẻ được khai thác từ các dự án trên với sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại thị trường nội địa và châu Âu.
Theo ông Zhang, giám đốc một trong số các công ty gỗ Trung Quốc, việc mua quyền khai thác gỗ tại Đức có rất nhiều lợi thế. Theo chính sách quản lý rừng của Đức, các công ty gỗ của Trung Quốc không phải trả tiền thuế giá trị gia tăng và thậm chí, họ còn nhận được trợ cấp tại một số bang. Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng và đường giao thông tại các khu rừng khai thác rất phát triển và có nhiều loại gỗ cứng quí hiếm, chất lượng cao như sồi. Ông Zhang cho biết thêm, hiện rừng bao phủ 31% diện tích đất của Đức, trong đó diện tích rừng phục vụ cho hoạt động khai thác gỗ đạt 10 triệu ha.
Trong khi đó, nhiều công ty sản xuất đồ gỗ tại Đức và Italia đang chuẩn bị hồ sơ để trình lên Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm qui kết Trung Quốc bán phá giá các mặt hàng sôpha, ghế văn phòng, ghế nhà bếp và nhiều loại ghế ngồi khác. Nếu các
công ty này đệ đơn lên EC, đây sẽ là vụ kiện chống bán phá giá lớn nhất của châu Âu đối với Trung Quốc.
Do vụ kiện áp thuế chống phá giá trên nhiều khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ của tỉnh, Phòng Thương mại và Hiệp hội Đồ gỗ Quảng Đông đã tổ chức một hội nghị chuyên đề bàn về các biện pháp đối phó đối với việc điều tra chống bán phá giá đồ gỗ của châu Âu nhằm nâng cao nhận thức của các công ty xuất khẩu đồ gỗ của tỉnh.
Ngành sản xuất gỗ ván sàn Trung Quốc cũng đang tạo ra ảnh hưởng mạnh đến thị trường thế giới khi tích cực gia tăng thị phần tại châu Âu. Mặc dù vậy, gỗ ván sàn Trung Quốc tại châu Âu cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ sản phẩm phi gỗ và ván sàn nhập khẩu từ các thị trường khác. Riêng gỗ lót ván sàn, Trung Quốc đã tăng thị phần mặt hàng này tại châu Âu từ 10% năm 2000, lên đạt trên 35% năm 2005. Để giải toả các áp lực cạnh tranh, ngành gỗ ván sàn Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch marketing nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng gỗ ván sàn thật thay vì sử dụng các vật liệu ván sàn khác.
Gần đây, Ban phụ trách mặt hàng gỗ (TC) thuộc Uỷ ban Kinh tế châu Âu của Liên hiệp quốc (UNECE) đã đưa ra báo cáo phân tích về tình hình thị trường các sản phẩm lâm sản của các nước thành viên UNECE, trong đó chú trọng đặc biệt đến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên thị trường khu vực này. Theo TC, thị trường lâm sản khu vực UNECE đã đạt những bước tiến kỷ lục năm 2005 và dự đoán sẽ tiếp tục đà tăng trưởng năm 2006 và 2007. Sự phát triển vượt bậc của ngành lâm nghiệp Trung Quốc và những ảnh hưởng không thể đoán trước của ngành này lên thị trường thế giới cùng với những tác động từ các yếu tố khác như sự thay đổi khí hậu, giá năng lượng tăng cao và lo ngại về hoạt động khai thác rừng không theo qui hoạch đã tạo ra những thách thức và cơ hội cho cả người tham gia thị trường và các nhà hoạch định chính sách. Các yếu tố này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra ảnh hưởng dẫn đến sự biến đổi thị trường lâm sản của khu vực UNECE, mà một trong những kết quả của quá trình này là sự cạnh tranh về nguyên liệu ngày càng gia tăng.
Sau chính sách cải cách và mở cửa thị trường, ngành đồ gỗ Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh với những trung tâm sản xuất hàng đầu như Quảng Đông, Chiết Giang, vùng Đông Bắc, Nam Trung Quốc và hiện nay thêm 4 khu vực sản xuất mới đang dần được hình thành, gồm khu công nghiệp đồ gỗ miền Nam, nằm giữa Quảng Đông và Phúc Kiến; khu công nghiệp đồ gỗ miền Đông, nằm tại vùng trung tâm của Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải; khu công nghiệp đồ gỗ miền Bắc, nằm giữa
Bắc Kinh, Thiên Tân, Hồ Bắc và Sơn Đông; và khu công nghiệp đồ gỗ Đông Bắc nằm giữa Thẩm Dương và Đại Liên.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện kinh tế nông thôn qua việc đẩy mạnh tốc độ đô thị hoá, hướng đến thị trường tiêu thụ và kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Biện pháp trên rõ ràng sẽ kích thích nhu cầu xây dựng nhà ở và sự phát triển của các ngành liên quan. Việc xây dựng nhà ở tham gia thị trường như một loại hàng hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành đồ gỗ. Hàng năm, diện tích dành cho xây dựng nhà ở của Trung Quốc ước đạt 1,2 tỷ m2, gấp 6 lần so với toàn bộ thị trường châu Âu. Trong số này, diện tích dành cho xây dựng nhà thành thị chiếm 500 triệu m2, đủ cung cấp chỗ ở cho 5 triệu hộ gia đình (nếu tính bình quân 100 m2/gia đình). Nói theo cách khác, hàng năm, Trung Quốc có khoảng 5 triệu hộ gia đình cần mua nhà mới và đây được coi là yếu tố tiềm năng lớn đối với sự phát triển của ngành đồ gỗ.
Mặc dù ngành sản xuất đồ gỗ địa phương Trung Quốc đang có xu hướng tập trung hoá, các doanh nghiệp gỗ qui mô trung bình vẫn chiếm phần đông và mức độ tập trung vẫn khá thấp bởi cho đến nay chưa có bất cứ doanh nghiệp thành viên nào chiếm trên 1% thị phần. Điều này, một mặt sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn, nhưng mặt khác cũng dẫn đến sự phá sản của các công ty nhỏ và quản lý kém hiệu quả.
Trong một diễn biến khác, Bộ Thương mại và Tổng Cục thuế Trung Quốc đã cùng phát hành thông tư về việc thu và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với gỗ phế liệu và gỗ nội thất. Quyết định trên -có hiệu lực từ ngày 1/1/06-31/12/08- sẽ khuyến khích việc tận dụng và khai thác mọi nguồn gỗ và được áp dụng cho các loại gỗ phế liệu, gồm phụ phẩm từ cây lấy gỗ (như cành, vỏ, lá, rễ...) và phế liệu gỗ trong quá trình chế biến (như thanh gỗ, phụ phẩm của gỗ và tre, mạt cưa, lớp gỗ mặt hỏng, lõi gỗ...). Phế liệu gỗ nội thất bao gồm gỗ khúc thứ cấp có chất lượng kém, gỗ có đường kính nhỏ và gỗ khúc có chiều dài dưới 2m và đường kính nhỏ hơn 8 cm. Quyết định trên cũng quy định các doanh nghiệp đóng thuế phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng đáp ứng được các tiêu chuẩn truớc khi áp dụng hoàn thuế VAT.
Với sự trợ giúp của chính phủ, việc đầu tư vào các công xưởng và vận tải đã góp phần dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế tạo các sản phẩm gỗ có giá trị cao, đặc biệt là đồ gỗ. Trong thập kỷ qua, kim ngạch xuất khẩu gồ gỗ của Trung Quốc ước đạt mức tăng trưởng bình quân 34%/năm. Trung Quốc đã trở thành nước cung ứng đồ gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ và đứng ở vị trí thứ 2 về xuất khẩu sản
phẩm lâm sản sang Canada. Lợi thế đối với ngành gỗ Trung Quốc là chi phí nhân công rẻ có thể bù đắp cho sự gia tăng chi phí nguyên liệu, năng lượng và vận tải. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đối với các sản phẩm gỗ giá rẻ của Trung Quốc cũng dẫn đến sự gia tăng các tranh chấp thương mại. Nhiều nhà cung ứng gỗ tại thị trường Mỹ, Canada, Đức và Italia đã đệ đơn khiếu kiện đối với các nhà xuất khẩu gỗ của Trung Quốc.