Từ thập kỷ 90, Việt Nam bắt đầu phát triển ngành công nghiệp gỗ, thay vì xuất khẩu gỗ nguyên liệu trong thập niên 80. Hiện nay Việt Nam có khoảng 1.200 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ với công suất 2 triệu m3 /năm. Trong số 1200 doanh nghiệp thì khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ dân doanh chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng 86%). Tình hình trang thiết bị khai thác và chế biến sản phẩm gỗ như sau: khai thác dùng cưa xẻ chiếm 60%, dây truyền mộc tinh chế chiếm 30% còn lại là công cụ thủ công. Sản phẩm gỗ chính là gỗ xẻ, gỗ dán, ván dăm, ván sợi, ván sàn, đồ gỗ mỹ nghệ... kể cả nhiều loại gỗ thành phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Á.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, vươn lên là một trong 5 mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia xuất khẩu hàng gỗ chế biến lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ với năng lực chế biến 2,2 – 2,5 triệu mét khối gỗ tròn mỗi năm, trong đó có 450 công ty chuyên sản xuất xuất khẩu (120 công ty chuyên sản xuất hàng ngoài trời và 330 công ty sản xuất hàng nội thất).
Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ ở Việt Nam bao gồm các công ty nhà nước (374 doanh nghiệp), các công ty trách nhiệm hữu hạn và do chính sách đầu tư nước ngoài mở cửa của Chính phủ, đến nay đã có 49 doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài từ Singapore, Đài Loan, Malayxia, Na Uy, Trung Quốc, Thụy Điển... đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm gỗ tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký lên đến 105 triệu USD. Đa số các công ty sản xuất và chế biến các sản phẩm gỗ tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền miền Nam (T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...), các tỉnh miền Trung và Tây nguyên (Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc...), một số công ty, thường là các công ty sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ, tập trung ở các tỉnh phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc...
Nhìn chung quy mô của các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu là các xí nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất kết hợp giữa thủ công và cơ khí. Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng đồ gỗ công nghiệp thường có sự đầu tư mới về các trang thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, trong khi đó đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có hệ thống thiết bị khá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng lớn hay các thị trường yêu cầu chất lượng cao.
Năm 2006, mặc dù đang là thời kỳ tăng trưởng của ngành nhưng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đồ gỗ mới chỉ đạt khoảng 300 nghìn USD. Trong khi đó, có doanh nghiệp còn nhập khẩu cả những máy móc đã qua sử dụng. Điều này cho thấy, mức độ đầu tư vào công nghệ chế biến sản phẩm gỗ chưa cao. Đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đặc biệt là hàng đồ gỗ mỹ nghệ có hệ thống thiết bị lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng lớn hay các thị trường yêu cầu chất lượng cao.
Hiện nay cả nước có 1.200 doanh nghiệp chế biến và kinh doanh gỗ, trong đó trên 300 doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu. Những sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 nước trên toàn thế giới, tập trung vào 3 thị trường trọng điểm là Mỹ, EU và Nhật Bản. Là một ngành hàng có lợi thế so sánh của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến gỗ đón nhận sự kiện nước ta trở thành thành viên thứ 150 của WTO với sự tự tin và lạc quan vào những vận hội lớn.
Một yếu tố rất quan trọng làm nên lợi thế của ngành chế biến gỗ nước ta, đó là trình độ lành nghề, kỹ thuật tinh xảo của lực lượng lao động, đặc biệt là các nghệ nhân. Điều này được minh chứng qua con số 80% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam là hàng tinh chế. Thành công của các doanh nghiệp chuyên về đồ gỗ nội thất
như công ty AA (thành phố Hồ Chí Minh) trên thị trường Âu, Mỹ cho thấy khiếu thẩm mỹ của đội ngũ thiết kế, chế tạo người Việt đã bắt kịp với "gout" tiêu dùng hiện đại.
Hiện tại, cả nước có 3 cụm công nghiệp chế biến gỗ, đó là: thành phố Hồ Chí Minh- Bình Dương; Bình Định - Tây Nguyên và Hà Nội - Bắc Ninh. Riêng cụm Hà Nội - Bắc Ninh có thế mạnh vượt trội về dòng đồ gỗ mỹ nghệ. Thị trường chính của các doanh nghiệp trong vùng (Trung quốc, Đài Loan) lại là dối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam. "Đây là nghề truyền thống của Trung Quốc, nếu trình độ của họ điểm 10 thì của ta chỉ đạt 7- 8"- Chủ tịch Hiệp hội gỗ tỉnh Bắc Ninh, kiêm Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Việt Hà, ông Nguyễn Văn Khanh cho biết. Tuy nhiên, gỗ mỹ nghệ Việt vẫn cạnh tranh được là do đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình dân hoặc thậm chí chấp nhận bán cho các đối tác để họ gia công lại, sau đó lại xuất đi nước thứ ba.
"Tôi dám chắc đây là một ngành sẽ trụ vững và cạnh tranh thắng lợi. Bởi vậy, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam rất phấn khởi khi nước ta gia nhập WTO… Nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vốn đang tăng cao sẽ càng tăng cao hơn. Sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát huy tối đa trong môi trường này" - Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch hiệp Hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam, cơ sở đầu tiên để theo đuổi và phát triển một mặt hàng, đó là nhu cầu của thị trường. Hiện tại, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi đó, thị phần đồ gỗ của Việt Nam lại chưa đạt tới con số 1% tổng thị phần đồ gỗ thế giới. Như vậy, khả năng khai thác triệt để hơn nhu cầu đồ gỗ của thế giới đã được đảm bảo.
"Trong môi trường WTO, với những thuận lợi về cơ chế kinh doanh thông thoáng (không bị đối tác áp đặt các điều kiện kinh doanh phi lý, thuế nhập khẩu thấp) cơ hội khai thác thị trường thế giới sẽ rộng mở hơn rất nhiều.