KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1 Kết luận

Một phần của tài liệu thực trạng công tác quản lý việc phòng chống bệnh béo phì cho trẻ ở các trường mầm non tại quận bình tân thành phố hồ chí minh (Trang 84 - 90)

1. Kết luận

Trẻ em sinh ra cần được nuôi, dạy chu đáo. Mối quan hệ giữa nuôi dưỡng và dạy dỗ luôn kết hợp chặt chẽ với nhau: nuôi để trẻ lớn lên, khỏe mạnh về thể chất; dạy để trẻ thành người. Trong đó, việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ là hoạt động trung tâm, là nhiệm vụ chủ yếu của trường mầm non hiện nay.

Với nhận thức đó, đề tài đã tập trung nghiên cứu các vấn đề về lý luận và thực tiễn, nhằm đề xuất những giải pháp có tính khả thi cao trong công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ mầm non.

Việc nghiên cứu phần lý luận đầy đủ và có hệ thống đã giúp tác giả có cơ sở khoa học để phân tích thực trạng và xây dựng các biện pháp quản lý công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ ở một số trường mầm non trên địa bàn Quận Bình Tân, TPHCM.

+ Về lý luận: luận văn đã đề cập đến những vấn đề lý luận về quản lý, QLGD, quản

lý nhà trường, QLGD mầm non, bệnh béo phì. Đồng thời, luận văn tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh béo phì ở trẻ; nguyên nhân, cách phát hiện, tác hại của bệnh béo phì; quản lý việc phòng chống bệnh béo phì cho trẻ ở các trường mầm non.

Việc nghiên cứu phần lý luận đã giúp cho tác giả có cơ sở khoa học để nghiên cứu thực trạng công tác quản lý việc phòng chống bệnh béo phì cho trẻ mầm non, từ đó đề xuất một số giải pháp có tính khả thi nhằm thực hiện tốt công tác này ở các trường mầm non trên địa bàn Quận Bình Tân.

+ Về thực tiễn: luận văn đã khảo sát thực trạng công tác quản lý việc phòng chống

bệnh béo phì cho trẻ ở các trường mầm non tại Quận Bình Tân; luận văn đã khảo sát và trưng cầu ý kiến đánh giá kết quả thực hiện những biện pháp quản lý công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ mầm non mà các trường đang thực hiện.

Qua nghiên cứu thực trạng về công tác quản lý việc phòng chống bệnh béo phì cho trẻ ở các trường mầm non tại Quận Bình Tân TPHCM, tác giả thấy rằng việc quản lý công tác này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như sau:

+ Công tác xây dựng kế hoạch: các trường chưa có sự phối hợp tốt giữa CBQL và GVMN trong việc xây dựng và phổ biến kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các

trò chơi vận động cho trẻ tại trường, xây dựng nội quy bảo quản, sử dụng với từng loại trang thiết bị cụ thể.

+ Công tác tổ chức thực hiện: CBQL các trường chưa thực hiện có hiệu quả công tác phân công GVMN tổ chức trò chơi vận động hàng ngày cho trẻ.

+ Công tác chỉ đạo thực hiện: công tác tuyên truyền đến phụ huynh kiến thức phòng chống bệnh béo phì cho trẻ mầm non tại trường qua các giờ đón và trả trẻ chưa được CBQL và GVMN quan tâm thực hiện tốt.

+ Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện: chưa được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả.

Những tồn tại nêu trên do điều kiện CSVC của các trường chưa được đầu tư đúng mức. Các trang thiết bị, đồ chơi phục vụ cho công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ chưa thật phong phú, hấp dẫn trẻ hứng thú tham gia. Bên cạnh đó, do tâm lý của phụ huynh, thích con tròn trịa, mập mạp nên không quản lý việc ăn uống của trẻ. Ngoài ra, công tác quản lý sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa thật sự chặt chẽ. Do đó, việc thực hiện công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ mầm non chưa đạt được kết quả khả quan.

Từ việc thấy rõ những tồn tại nêu trên, tác giả đã đề xuất những giải pháp hợp lý, khả thi hơn nhằm khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ ở các trường mầm non Quận Bình Tân, TPHCM. Nội dung những giải pháp đề xuất cụ thể như sau:

+ Sử dụng biểu đồ tăng trưởng trong việc theo dõi sức khỏe của trẻ. + Khám sức khỏe, tẩy giun định kỳ cho trẻ.

+ Tăng cường tổ chức các trò chơi vận động cho trẻ béo phì, trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho các trò chơi vận động.

+ Quản lý việc xây dựng khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ. + Tăng cường quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm.

+ Nâng cao trình độ nhận thức về dinh dưỡng đối với đội ngũ GVMN, đội ngũ cấp dưỡng, can thiệp dinh dưỡng vào các trường mầm non.

+ Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng và phòng chống bệnh béo phì cho trẻ đến phụ huynh.

+ Đổi mới công tác quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

Qua thực tế khảo sát tính cần thiết và tính khả thi của các giải pháp đề xuất nêu trên, đa số CBQL và GVMN đều đánh giá các giải pháp này rất cần thiết và mang tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn của đơn vị.

2. Kiến nghị

Đối với Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan

Trong tình hình Việt Nam hiện nay, cần phải gấp rút có những chương trình và chiến lược dinh dưỡng quốc gia để đương đầu với những thách thức đang gia tăng của bệnh béo phì.

Đầu tiên, cần có các chương trình giáo dục dinh dưỡng sức khỏe, khuyến khích ăn uống hợp lý và tăng cường các hoạt động thể chất, đồng thời giúp thay đổi những nhận thức sai lầm về ăn uống. Mạng lưới y tế cơ sở và các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong các chương trình giáo dục sức khỏe. Nhiều thói quen ăn uống cũng như lối sống được hình thành từ khi còn nhỏ, do đó mà việc thay đổi các thói quen này là rất khó.

Nỗ lực cải thiện sẽ hiệu quả hơn nếu được bắt đầu ở trẻ tuổi đến trường, giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống và hoạt động khỏe mạnh lâu dài. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay chú trọng quá nhiều vào việc thi cử, bằng cấp hơn là hoạt động thể chất. Vì vậy, cần có những cải cách trong các chương trình giáo dục giúp các em có một sức khỏe tốt và một kiến thức toàn diện.

Thêm vào đó, Nhà nước cần có những quy định và chính sách trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm giúp người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm có chất lượng dinh dưỡng tốt đảm bảo sức khỏe. Điều đáng khích lệ là thông qua số liệu của các cuộc điều tra dinh dưỡng trong toàn quốc những năm vừa qua về tỉ lệ bệnh béo phì gia tăng đã thu hút được sự quan tâm của các ngành, các cấp liên quan. Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách và kế hoạch cụ thể để hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các tuyến cơ sở như trạm y tế phường - xã, trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa nhằm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh béo phì.

Các cấp lãnh đạo cần tăng cường đầu tư CSVC, trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ mầm non.

Thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, những chuyên đề về công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ mầm non để trang bị thêm kiến thức cho CBQL, GVMN, đội ngũ cấp dưỡng và phụ huynh học sinh.

Đối với ngành y tế

Hỗ trợ phần tư vấn cho phu huynh trẻ, thường xuyên phát những tờ bướm, tờ rơi tuyên truyền về bệnh béo phì và cách phòng, chống cho phụ huynh hiểu để có sự phối hợp tốt cùng nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Đối với Ban Giám hiệu trường mầm non

Tham mưu với các cấp chính quyền hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh phí. Cho phép các trường vận động phụ huynh hỗ trợ kinh phí để các trường có điều kiện thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh béo phì cho trẻ.

Mở rộng các hình thức tuyên truyền giáo dục tới các bậc phụ huynh những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và chăm sóc – nuôi dưỡng trẻ mầm non. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận về việc phòng, chống bệnh béo phì cho trẻ, mời phụ huynh tham gia với sự giúp đỡ, tư vấn của các bác sĩ dinh dưỡng.

Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với phụ huynh các trẻ bệnh béo phì để có biện pháp chăm sóc hợp lý, khoa học hơn giúp trẻ cải thiện tình trạng sức khỏe.

Khuyến khích và đầu tư cho giáo viên mầm non đi học bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Mở nhiều cuộc thi trò chơi vận động để trẻ có điều kiện tham gia và hoạt động nhiều hơn. Đồng thời, nhà trường nên giảm số trẻ ở mỗi lớp để giáo viên chăm sóc trẻ được kỹ và chu đáo hơn.

Nhà trường nên giới thiệu một số thực đơn đến phụ huynh để họ trực tiếp chế biến cho trẻ béo phì tại gia đình.

Đối với giáo viên mầm non

Nâng cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp chăm sóc – nuôi dưỡng trẻ đối với từng trường hợp cụ thể.

Lựa chọn nội dung, kiến thức chăm sóc nuôi dưỡng trẻ hợp lý ở gia đình để phổ biến cho các bậc cha mẹ có trẻ bệnh béo phì. Nhắc nhở phụ huynh hạn chế cho trẻ ăn các loại

bánh kem, bánh rán, bánh nướng, bánh ngọt và các loại thức ăn sẵn, các món ăn chiên xào có nhiều dầu mỡ, ăn nhiều quà vặt, thức ăn nhanh...

Tổ chức nhiều hình thức trò chơi vận động phong phú, đa dạng để kích thích trẻ tham gia vận động cùng cô và các bạn.

Đối với gia đình trẻ

Gia đình cần thường xuyên trao đổi với giáo viên để hiểu rõ nếp ăn, giấc ngủ của trẻ, chăm sóc cho trẻ ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng, đủ năng lượng.

Phụ huynh thường xuyên theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao. Như vậy, cha mẹ sẽ phát hiện sớm trẻ bị bệnh béo phì để xử trí kịp thời.

Vào buổi tối, nên cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc. Gia đình nên nhắc nhở trẻ uống nước đầy đủ, không nên dùng nước ngọt có ga thay cho nước uống.

Không cho trẻ ăn vặt, ăn nhiều bữa, không ép trẻ ăn cố, ăn thêm. Dần dần giảm bớt khẩu phần ăn của trẻ: từ 2 bát cơm đầy giảm xuống còn lưng bát, thêm vào bữa ăn của trẻ nhiều rau xanh và trái cây.

Trẻ cũng có thể giúp mẹ làm việc nhà mà lại giảm cân. Tùy theo độ tuổi mà mẹ phân công cho bé: quét nhà, lặt rau, tưới cây,...

Đối với trẻ, dường như biện pháp tốt nhất để khuyến khích trẻ là việc noi gương và thi đua. Cha mẹ có thể cùng tập luyện với trẻ để giúp bé tham gia vào các hoạt động thể thao siêng năng và hiệu quả hơn. Cho bé luyện tập theo một thời khóa biểu nhất định mỗi ngày hoặc mỗi tuần để tạo nên một thói quen, qua một thời gian nếu không có sự hướng dẫn hay nhắc nhở của cha mẹ thì bé vẫn có thể tự động tập luyện. Cuối cùng, hãy xem đây là một niềm vui thích và tạo ra nhiều niềm vui, cha mẹ đừng tạo cho bé cảm giác giờ hoạt động thể dục là một buổi học tập bài bảng và căng thẳng.

Bất cứ điều gì cũng nên vừa phải và điều độ. Cha mẹ nên khuyến khích các bé chơi đùa và vận động phù hợp với từng lứa tuổi. Tất cả những em bé từ 3 – 5 tuổi nên tham gia vận động ngoài trời ít nhất là một tiếng rưỡi cho mỗi tuần. Hai tiếng mỗi tuần là thời gian thích hợp cho các em bé chuẩn bị vào lớp một. Những trẻ em lớn hơn nên tập thể dục hơn hai tiếng mỗi tuần và tham gia nhiều hoạt động ngoài trời.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ chơi và tập trong những điều kiện an toàn như: sân chơi không quá cứng và gập ghềnh, tốt nhất là nên chọn sân cỏ; không để trẻ vui đùa dưới trời nắng gắt từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều; trong trường hợp trẻ bị té trầy xước, cần có những biện pháp sơ cứu thích hợp và tiệt trùng để tránh viêm nhiễm. Trong thời gian trẻ

mệt, không nên gượng ép trẻ mà hãy đợi cho đến khi sức khỏe của trẻ hồi phục hoàn toàn. Đối với những trẻ có bệnh mãn tính như bệnh hen suyễn, tim bẩm sinh… thì cha mẹ phải liên hệ để được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định cho trẻ tham gia chơi một môn thể thao nào đó.

Điều quan trọng nhất, bố mẹ phải làm gương trong mọi hoạt động: thực hiện chế độ ăn uống, tập thể dục, thói quen sinh hoạt... để trẻ học tập theo.

Một phần của tài liệu thực trạng công tác quản lý việc phòng chống bệnh béo phì cho trẻ ở các trường mầm non tại quận bình tân thành phố hồ chí minh (Trang 84 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)