Trước giải phóng thủ đô năm 1954, ở Việt Nam hầu như chưa có khái niệm nhà ở chung cư, nhất là các khu nhà nhiều tầng. Hoà bình lập lại (1954), khi các cơ quan Trung ương từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ngoài một số công sở cũ của Pháp được dùng tạm làm nơi ở cho cán bộ, chúng ta đã xây dựng gấp rút khu nhà ở tập thể ven sông Hồng (sau này có tên gọi là Khu tập thể Bờ sông). Những ngôi nhà gỗ 2 tầng chia thành từng phòng cho một gia đình, các công trình phụ như bếp, xí tắm, bể nước đều chung vào một chỗ cách xa ngôi nhà chính. Đồng thời các khu nhà cấp 4 (1 tầng mái ngói) ở ngoài đê như bãi Phúc Tân, Phúc Xá, Nghĩa Dũng, An Dương với tiện nghi thấp tương tự. Ngoài ra Hà Nội chưa có cách ở tập thể nào khác.
Mãi tới những năm 1960, Thành phố mới bắt đầu chuyển sang xây dựng một vài khu nhà ở gia đình 4-5 tầng. Đầu tiên phải kể tới hai khu tập thể Kim Liên (do Bộ Xây dựng phụ trách) và Nguyễn Công Trứ (do Sở Xây dựng Hà Nội phụ trách), được xây dựng vào năm 1960 theo mô hình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (mô hình tiểu khu nhà ở khép kín) trong đó ngoài nhà ở cho hộ gia đình còn có nhà trẻ, trường học, nhà ăn, cửa hàng bách hoá...
Nếu trong khu nhà ở Kim Liên có khu A và B được xây dựng theo kỹ thuật lắp ghép tấm trung bình, sàn "cánh chim", thì khu C Kim Liên và khu Nguyễn Công Trứ, khu quân đội Nam Đồng (1960-1964) lại hoàn toàn xây thủ công bằng gạch, sàn gác panen hoặc sàn "huốc đuy" (một kiểu kỹ thuật sàn của Pháp). Khu Văn Chương (1965- 1968) thí điểm kiểu "lắp ghép Hà Nội" - một kiểu nhà ở hành lang bên, cầu thang có vệt dắt xe thoải, với các tấm tường và sàn, trụ hành lang đều đúc sẵn. Từ những ngôi nhà thí điểm đầu tiên này, Hà Nội đã nhân rộng kiểu nhà lắp ghép hành lang bên ra các khu Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ (1970-1975) với quy mô lớn hơn.
thời gian này tại Yên Lãng và Trương Định theo kỹ thuật của Sở Xây dựng Hà Nội. Sau năm 1975, Bộ Xây dựng đã nhập từ Liên Xô dây chuyền sản xuất nhà ở tấm lớn để lắp ghép tại khu Thanh Xuân Bắc. Tiếp theo đó là những khu Thanh Xuân Nam, Nghĩa Đô, Trung Hoà... cho tới gần đây là các khu hỗn hợp giữa ít tầng (4-5 tầng) và số tầng trung bình (9-12-17 tầng). Đó là các khu Linh Đàm, Định Công, Làng quốc tế Thăng Long... Ngoài ra còn nhiều ngôi nhà hoặc cụm nhà ở lẻ xây điểm xuyết khắp thành phố.
Như vậy tình hình xây dựng nhà ở từ năm 1954 đến 1986 tại miền Bắc Việt nam có thể tổng kết thành 3 thời kỳ:
Thời kỳ 1955-1965 có các khu tập thể thấp tầng (1-2) tầng như An Dương, Phúc Xá, Bờ Sông. Các khu 4-5 tầng như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (Hình 2.2)
Thời kỳ 1965-1976 có các khu nhà ở lắp ghép tấm lớn như Yên Lãng, Trương Định (2 tầng – Hình 2.3); Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ (4-5 tầng – Hình 2.4).
Thời kỳ 1976-1986, các khu nhà ở được cải tiến hơn như Thanh Xuân, Nghĩa Đô (Hình 2.5).
Về mặt môi trường và tổ chức không gian: Thời kỳ đầu của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta gắn liền với chế độ tập thể và cơ chế kinh tế tập trung bao cấp. Nhà ở được phân phối cho cán bộ công nhân viên nhà nước với một khoản tiền thuê nhà không đáng kể. Các khu ở xây dựng thời kỳ này dựa theo mô hình đô thị hiện đại: tiểu khu nhà ở, là sự kết hợp giữa mô hình đơn vị láng giềng của Clarence Perry và mô hình tiểu khu của Liên Xô và các nươc xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ.
Các "tiểu khu nhà ở" hay "khu chung cư" ở Hà Nội chỉ chiếm 20% tổng số quỹ nhà ở đô thị, nhưng chúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ở, đặc biệt là cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước. So với quỹ nhà ở của nội thành Hà Nội năm 1954 là 2,27 triệu mét vuông thì năm 1981 Hà Nội có 6,95 triệu mét vuông nhà ở, chưa kể đến số diện tích bị chiến tranh tàn phá. Nhà ở trong các tiểu khu thường được áp dụng mẫu thiết kế điển hình, với những quy mô, tiêu chuẩn điển hình. Các sinh hoạt trong tiểu khu, thậm chí trong từng nhà ở đều theo hình thức tập thể.
Hình 2.6: Khu Thanh Xuân (1980)
Nhìn chung, quá trình xây dựng chung cư Hà Nội đã được tiến hành trên diện rộng với nhiều biến động và cải tiến kỹ thuật xây lắp, đã đạt được thành tích nổi bật là làm tăng quỹ nhà ở của nhân dân, trước hết là những người thuộc diện cán bộ công nhân viên Nhà nước, bước đầu ổn định cuộc sống của số đối tượng này. Bên cạnh đó, do những hoàn cảnh lịch sử bất khả kháng, quỹ nhà ở khá lớn của Hà Nội cũng để lại những hậu quả rất nặng nề không dễ gì khắc phục, khi quan niệm về nhà ở trong giai đoạn đó chỉ là chỗ để ở được với mức sống của người ở còn rất thấp.
Qua một quá trình dài phát triển, tính đến đầu năm 2002, Hà Nội đã có 434 ngôi nhà 4-6 tầng phân bố trong 24 khu tập thể với tổng diện tích sàn là 920.000 m2 cho 14 vạn người ở (của 27.500 hợp đồng thuê nhà), bình quân 6,5m2/người. Trong số này có tới 82% cần sửa chữa và 5% cần dỡ bỏ hoàn toàn. [Nguồn: Sở nhà đất Hà Nội]