Năm 2011, công ty tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ sau để xây dựng nhà phân phối đẳng cấp quốc tế:
Chuẩn hóa lại quy trình hoạt động bằng công cụ bán hàng cá nhân (Mc Sales), do đó ban lãnh đạo công ty tiến hành xây dựng quy trình làm việc chuẩn cho từng vị trí, xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ cho nhà phân phối và thực hiện rà soát (Audit) các chi nhánh theo định kỳ.
Chuẩn hóa văn phòng/ nhà kho theo các kích cỡ, quy mô theo tiêu chuẩn của P&G và chuẩn hóa môi trường làm việc thông qua các chương trình trò chuyện hàng tháng (Monthly Let’s Talk), chương trình xây dựng nhóm (Teambulding) theo từng chi nhánh, phòng ban và thành lập quỹ công đoàn phục vụ các hoạt động cho công ty.
Xây dựng kế hoạch nâng cấp năng lực ban lãnh đạo nhà phân phối dựa trên xây dựng văn hóa kỷ luật trong đội ngũ giám sát bán hàng, huấn luyện kỹ năng mềm cho toàn bộ ban lãnh đạo, giám sát bán hàng và nâng cao trình độ tiếng anh cho ban lãnh đạo nhà phân phối.
Xây dựng quy trình đánh giá và tưởng thưởng đối với ban lãnh đạo, đội ngũ giám sát bán hàng với các hoạt động như: Hàng quý đánh giá hiệu quả của Ban lãnh đạo, nâng cao chính sách lương thưởng, phúc lợi cho ban lãnh đạo nhà phân phối và giải thưởng huấn luyện (coaching) cho ban lãnh đạo.
Xây dựng lực lượng tiềm năng để phát triển đội ngũ lãnh đạo tương lai :Các phòng ban, chi nhánh xây dựng cơ cấu nhân viên tiềm năng, thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện nhân viên tiềm năng và xây dựng kế hoạch huấn luyện nhà lãnh đạo tương lai (Future Leader).
3.1.3. Tình hình cạnh tranh tại thị trường Đà Nẵng
Hiện nay thị trường bán lẻ ở Đà Nẵng vẫn đang ở mức phát triển với hơn 887 ngàn dân cùng cơ cấu dân số trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, tăng trưởng GDP và tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao. Thu nhập bình quân đầu người tại Đà Nẵng ước khoảng 23,3 triệu đồng/năm (tính ước đạt năm 2008) vậy nhưng tỷ lệ người có điều kiện tới siêu thị mua sắm chỉ khoảng 25-30% tức là khoảng hơn 70% người dân vẫn có thói quen đi chợ và mua sắm tại các cửa hiệu độc lập.
Theo số liệu thống kê, hiện tại hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố có 88 chợ, hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động một phần trong phân phối hàng hóa và như vậy hàng hóa tại Đà Nẵng vẫn còn phân phối chủ yếu qua chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống, siêu thị chưa nhiều. Mặt khác, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố năm 2008 đạt trên 7.400 tỷ đồng. Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ hàng hoá có xu hướng tăng cao, nhưng với số lượng tăng của các cửa hàng hơn rất nhiều so với thị trường.
Từ những phân tích trên có thể thấy hiện tại, thị trường hàng hóa tiêu dùng ở Đà Nẵng đang mở ra cho công ty cơ hội để mở rộng mạng lưới phân phối của mình, tăng thị phần trong ngành hàng hàng hóa mỹ phẩm. Tuy nhiên, thị trường này cũng mang đến cơ hội cho hai nhà phân phối sản phẩm của Unilever lớn tại Đà Nẵng là công ty TNHH Tân Minh Hoàng và Duy Thanh. Thêm vào đó, công ty Unilever cũng đang triển khai hoạt động bán hàng bằng thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân cho đội ngũ bán hàng tại các nhà phân phối của Unilever. Như vậy, cùng cạnh tranh trong một ngành hàng và với chiến lược bán hàng tương tự nhau, công ty đang cạnh tranh với một đối thủ đáng gờm, do đó, đòi hỏi công ty Tuấn Việt phải có kế hoạch thực hiện, triển khai tự động hóa bán hàng hiệu quả để có đội ngũ bán hàng năng suất cao hơn đối thủ cạnh tranh, gia tăng khả năng cạnh tranh cho nhà phân phối.