Khoáng sản được con người sử dụng hàng ngày trong các ngành kinh tế khác nhau. Tùy thuộc vào vị trí, cấu trúc, dạng tồn tại của mỏ khoáng sản khai thác, tác động môi trường của quá trình khai thác rất đa dạng và có cường độ khác nhau:
Hoạt động khai thác khoáng sản nhìn chung rất đa dạng như: xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực khai thác (đường giao thông, nhà cửa và mặt bằng), nổ mìn và bốc xúc đất đá thải, bơm nước thải và nước ngầm,… Các quá trình trên gây ra các tác động tới hàng loạt các yếu tố môi trường như: suy thoái chất lượng không khí, chất lượng nước mặt, lưu lượng và chất lượng nước ngầm, thay đổi cảnh quan và địa hình khu vực, mất đất rừng và suy giảm đa dạng sinh học, tạo ra tiếng ồn và ảnh hưởng tới sức khỏe của dân cư địa phương và người lao động. Do sự đa dạng về phương pháp khai thác và vị trí cụ thể của các mỏ khoáng sản nên tác động tới môi trường của việc khai thác các mỏ khoáng sản cụ thể rất khác nhau.
Tác động tới môi trường không khí của hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu là tạo ra bụi và các khí độc hại. Bụi bao gồm các mảnh vụn đất đá, bụi silic, bụi than, bụi amiăng, bụi phóng xạ. Hai loại bụi sau rất độc hại tới sức khỏe con người. Bụi thường phát sinh trong quá trình nổ mìn, đào xúc đất đá, bốc xúc và vận chuyển khoáng sản. Các khí độc hại gồm các dạng cacbuahydro
(metan, propan, butan,…), SiO2, CO2, CO, NOx, khí trơ và nhiều loại khác. Các loại khí này phát sinh từ khối khoáng sản đang khai thác và vật liệu nổ mìn.
Tác động tới môi trường nước mặt, phát sinh từ dòng thải bùn cát trên các khai trường, nước ngầm trong các moong, lò, giếng, nước khoan, nước chảy tràn qua khai trường,… Thành phần độc hại trong các dòng nước thải gồm: chất rắn lơ lửng trong nước, các loại muối hòa tan như SO42-, NO3-, các kim loại nặng, dầu mỡ và hóa chất sử dụng trong quá trình khai thác,...
Tác động tới nước ngầm, thể hiện ở nhiều khía cạnh: suy thoái, cạn kiệt và hạ thấp mực nước ngầm do đào moong và khai thác, ô nhiễm các tầng chứa nước ngọt và thấu kính nước ngọt. Mất đất và mất rừng thường xảy ra với quy mô lớn, đối với các mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên là do việc làm đường, tạo các moong khai thác, đổ đất đá thải, khai thác gỗ chống lò gay nên,… Bên cạnh việc mất diện tích đất để xây dựng các công trình hạ tầng, đất khu vực khai thác khoáng sản thường bị bóc đi lớp đất mầu, dễ bị xói mòn, không thuận lợi cho việc tái phủ xanh rừng. Song song với việc mất rừng, nhiều loại động vật quý hiếm trong khu vực khai thác của các mỏ khoáng sản sẽ di cư hoặc bị tiêu diệt. Những dạng địa hình nhân sinh như các moong, các núi đá thải, các taluy đường được hình thành đã làm thay đổi cơ bản địa hình nguyên thủy (ví dụ các moong và các núi thải ở các mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai-Quảng Ninh). Các mỏ khai thác bằng phương pháp hầm lò sâu thường không ảnh hưởng trực tiếp tới đất và rừng, nhưng có thể tạo ra các tai biến môi trường đối với các công trình hạ tầng hiện đang tồn tại trên mặt đất.
Cảnh quan và địa hình khu vực bị biến động mạnh mẽ do các hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là đối với các mỏ được khai thác bằng phương pháp lộ thiên như than, đá vôi, sét kaolin, vật liệu xây dựng khác. Các bãi khai thác cát trên sông có thể gây ra các biến động dòng chảy chính của sông và tác động tới chân đê, cũng như công trình thủy nông và cầu cống.
Khu vực khai thác khoáng sản thường có tiếng ồn cao hơn mức cho phép do nổ mìn, hoạt động của các máy thiết bị khai thác. Tiếng ồn tác động tiêu cực tới sức khỏe của dân cư địa phương và các động vật hoang dã trong khu vực.
Một số công trình khai thác dầu khí và sa khoáng trên biển còn gây ra các tác động mạnh mẽ nhiều mặt tới các hệ sinh thái nước.
Theo Seboid (1989) con người thực sự trở thành nhân tố địa chất. Lượng đất, đá do con người đào bới đạt 20 tấn/đầu người. Lượng đất đá khổng lồ ấy có thể so sánh với lượng đất đá do quá trình bồi tụ và xói lở sản sinh ra. Hoạt động khai thác làm cho bề mặt trái đất bị biến đổi sâu sắc, phá đi những cân bằng vốn có của nó.
Trong các ngành công nghiệp, thì khai thác mỏ tác động tới môi trường tự nhiên nhiều hơn cả, đặc biệt ở phương pháp khai thác lộ thiên.
Bảng 42. Mức độ tác động đến môi trường của 2 phương pháp khai thác
Phương pháp khai thác Không khí Nước Thực vật và động vật Đất đai, địa hình Lòng đất Lộ thiên mạnh mạnh mạnh mạnh mạnh
Hầm lò vừa vừa yếu vừa mạnh