Cho đến nay, kể từ khi con người biết làm nông nghiệp, sự phát triển nông nghiệp có thể đã trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: chiếm thời gian dài nhất trong lịch sử, kể từ khi con người biết chăn nuôi
những con gia súc đầu tiên, rồi bắt đầu trồng trọt cho đến thế kỷ 18, khi phát minh ra những máy hơi nước đầu tiên. Ở giai đoạn này lao động của người nông dân chủ yếu dựa vào sức mạnh của cánh tay và đôi chân. Con người có sử dụng những công cụ thô sơ, nhưng vai trò của công cụ chỉ ở vị trí hỗ trợ cho sức lao động cơ bắp. Về cuối giai đoạn, số lượng công cụ được dùng nhiều hơn, chất lượng được nâng cao lên, cấu trúc phức tạp hơn, nhiều tính năng hơn. Do chủ yếu dựa vào lao động thủ công, lao động của cơ bắp nên năng suất lao động không cao, sản phẩm nông nghiệp được tạo ra không nhiều. Nhưng mặt khác với các đặc trưng là “né tránh” và “lợi dụng”, tác động của con người lên thiên nhiên chỉ mang tính chất cục bộ, chưa gây ra những tác động mang tính chất hủy hoại đối với tài nguyên và môi trường.
- Giai đoạn thứ 2: kéo dài từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Cùng với sự phát triển của khoa học và kỹ
thuật, các ngành công nghiệp được hình thành và phát triển. Công nghiệp cơ khí tạo ra cho nông nghiệp nhiều máy móc động cơ. Con người sử dụng máy móc nhiều đã đưa năng suất lao động ở các nước cao lên. Ở nhiều nước đã có chủ trương cơ khí hóa nông nghiệp và đã cơ giới hóa phần lớn các khâu và các thao tác trong nông nghiệp. Công nghiệp hóa chất tạo ra nhiều loại phân bón, thuốc trừ dịch hại, chất kích thích sinh trưởng. Sử dụng các loại hóa chất, con người đã đưa năng suất cây trồng, vật nuôi lên ở mức cao và rất cao trong những khoảng thời gian ngắn. Công nghiệp năng lượng phát triển tạo ra sản lượng điện lớn. Nhiều nước chủ trương điện khí hóa nông nghiệp và nông thôn. Điện cùng với cơ khí làm tăng năng suất, giảm nhẹ lao động chân tay và làm cho sản xuất nông nghiệp trở thành đa dạng hơn, phong phú hơn. Tuy nhiên, với công cụ, máy móc, hóa chất ngày càng mạnh, càng nhiều, tác động của con người lên thiên nhiên ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc.
Hiện tượng hủy hoại thiên nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái xảy ra ở nhiều nơi. Trước các tác động mạnh mẽ, liên tục của con người lên thiên nhiên và thiên nhiên có những phản ứng chống trả lại không kém phần gay gắt. Nhưng phản ứng này của thiên nhiên trong nông nghiệp thể hiện ở sự hủy hoại nhiều hệ sinh thái, lũ lụt, úng hạn, sâu bệnh nhiều,… Nhiều trường hợp những nỗ lực và đầu tư của con người hầu như không mang lại hiệu quả gì. Năng suất cây trồng, gia súc không tăng lên mà chất lượng lại giảm xuống nhiều. Càng về cuối giai đoạn này, hiện tượng trên càng xảy ra mạnh mẽ và phổ biến.
- Giai đoạn thứ 3: chỉ mới bắt đầu trong thời gian gần đây, từ nửa cuối thế kỷ 20. Đứng trước những tác động sâu sắc có tính chất hủy hoại lên thiên nhiên, trước những phản ứng ngày càng mạnh của thiên nhiên, trước nạn ô nhiễm môi trường, phá hủy tầng ôzôn, hiệu ứng nhà kính,… Con người không thể dấn sâu vào con đường đã tỏ ra không có hiệu quả là chủ yếu dựa vào vật tư,
công cụ, máy móc. Nhiều đề xuất đã được đưa ra. Có người chủ trương từ bỏ mọi tác động mạnh mẽ lên thiên nhiên và quay trở lại cách làm ăn như ở thời kỳ thứ nhất. Nhưng phần lớn các nhà khoa học cho rằng, không nên quay trở lại với thời kỳ hoang sơ mà phải đi tới phía trước.
Con đường đi lên của nông nghiệp là phải dựa vào trí tuệ, dựa vào kiến thức, vào khoa học. Điều này thể hiện trước hết ở nắm bắt và vận dụng các quy luật khách quan của thiên nhiên và xã hội. Trước hết đó là các quy luật tồn tại và phát triển của các HST. Con người sống trong các HST và là một thành phần của các HST đó. Sản phẩm trong nông nghiệp mà con người thu được là kết quả của chu chuyển vật chất bằng con đường sinh học, thông qua các loài sinh vật. Đặc điểm nổi bật của thế giới sinh vật là cân bằng và hợp lý. Vì nếu không, qua quá trình chọn lọc tự nhiên, những loài sinh vật không tạo được sự cân bằng với môi trường, không kịp thích nghi với điều kiện bên ngoài sẽ bị loại thải. Những tác động từ bên ngoài (phân bón, vật tư, máy móc và những tác động do con người tạo ra hoặc từ thiên nhiên) nếu không phù hợp, hợp lý để giúp cho sinh vật sống hài hòa trong từng HST, sẽ không đem lại kết quả mà còn gây ra những hậu quả xấu.
Nông nghiệp tiên tiến của thế giới đang ở trong giai đoạn thứ 3 của lịch sử phát triển. Tuy vậy, còn nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển, đang ở vào cuối giai đoạn thứ 1 hoặc mới bước vào giai đoạn thứ 2. Nông nghiệp nước ta đang ở vào giai đoạn thứ 2. Tuy nhiên do nhiều điều kiện khách quan, công nghiệp nước ta chưa phát triển, chưa đủ sức để trang bị máy móc, hóa chất, vật tư cho nông nghiệp như ở các nước đã phát triển. Vì vậy, phần lớn các sản phẩm công nghiệp cần thiết cho nông nghiệp, chúng ta phải nhập từ nước ngoài. Những năm gần đây, do giao lưu với các nước ngày càng được mở rộng, chúng ta học tập, thu nhận được nhiều thông tin, kinh nghiệm của nhiều nước và cũng thấy được những vấn đề đang nảy sinh ở các nước và ở Việt Nam.
Làm nông nghiệp bằng trí tuệ, thực chất là nông nghiệp hiện đại, sinh thái và bền vững.