a. Luật tài nguyên nước
Luật tài nguyên nước đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 5 năm 1998,được công bố vào ngày 1/6/1998 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1999.
Luật này quy định việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra bao gồm 10 chương, 75 điều.
Cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý tài nguyên nước đó là Luật Tài nguyên nước. Luật đã quy định rõ: “tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân được quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho đời sống và sản xuất, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước”. Theo đó, Nhà nước có chính sách quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, nhằm bảo đảm nước cho sinh hoạt của nhân dân, cho các ngành kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước. Có chính sách đầu tư phát triển tài nguyên nước về điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin dữ liệu, nâng cao khả năng dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập nước mặn, nước biển dâng, tràn vào và các tác hại khác do nước gây ra. Đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và có kế hoạch ưu tiên đầu tư để giải quyết nước sinh hoạt cho dân cư các vùng đặc biệt khan hiếm nước, cũng như có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vốn vào việc phát triển tài nguyên nước; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để phát triển tài nguyên nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Có chính sách tài chính để tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có nghĩa vụ tài chính và đóng góp công sức, kinh phí cho việc xây dựng công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí tài nguyên nước đối với địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nhà nước khuyến khích mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra nhằm phát triển tài nguyên nước theo nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các bên cùng có lợi và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Luật cũng nêu rõ việc nghiêm cấm mọi hành vi làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước, ngăn cản trái phép sự lưu thông của nước, phá hoại công trình bảo vệ, khai thác; sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và cản trở quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.
Quản lý nhà nước về tài nguyên nước bao gồm nội dung:
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn về tài nguyên nước.
- Quản lý công tác điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo lũ, lụt, hạn hán và tác hại do nước gây ra, tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, lưu trữ tài liệu về tài nguyên nước.
- Cấp và thu hồi giấy phép về tài nguyên nước.
- Quyết định biện pháp, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ, lụt, hạn hán, xử lý sự cố công trình thủy lợi và các tác hại khác do nước gây ra. - Kiểm tra việc chấp hành và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
- Quan hệ quốc tế, thực hiện điều ước quốc tế về tài nguyên nước mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
- Tổ chức bộ máy quản lý, đào tạo cán bộ, tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước. Thẩm quyền quản lý nhà nước về tài nguyên nước Bộ luật này quy định:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về thủy lợi và các công trình thủy lợi. - Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước do phân công của Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi địa phương theo quy định của Luật này, các quy định khác của luật pháp và sự phân cấp của Chính phủ.
- Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, hệ thống thủy lợi thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.
Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, dự án tài nguyên nước do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các công trình quan trọng quốc gia, Chính phủ phê duyệt danh mục, quy hoạch các lưu vực sông và các dự án công trình quan trọng; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt các quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi theo sự ủy quyền của Chính phủ; Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước phê duyệt các dự án, công trình về tài nguyên nước theo ủy quyền và phân cấp của Chính phủ.
Luật cũng giao cho Chính phủ thành lập Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước để tư vấn cho Chính phủ trong những quyết định quan trọng về tài nguyên nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước.
b. Nghị định 179/1999/NĐ-CP của Chính phủ
Trên cơ sở Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã ban hành nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 quy định việc thi hành luật tài nguyên nước.