Tiêu chuẩn về chất thải nguy hại

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý môi trường phan như thúc (Trang 39 - 42)

Để quản lý các chất thải độc hại, một số nước đã thực hiện phương cách quản lý “từ nôi đến mồ”. Cách này đòi hỏi phải có một bộ các tiêu chuẩn, quy định, yêu cầu toàn diện, áp dụng cho việc quản lý chất thải độc hại từ điểm chất thải được tạo ra cho đến điểm đổ bỏ cuối cùng. Các loại tiêu chuẩn khác nhau (kỹ thuật, vận hành, sản phẩm, làm sạch và các yêu cầu khác) áp dụng đối với những người tạo ra, vận chuyển chất thải độc hại, cũng như các phương tiện cất chứa, xử lý và đổ bỏ chúng.

Năm 2004, Bộ Xây dựng đã ban hành TCXDVN 320:2004 - Bãi chôn lấp chất thải nguy hại-Tiêu chuẩn thiết kế. Bên cạnh đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất thải độc hại.

a. Các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành

Các tiêu chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu vận hành áp dụng đối với những người tạo ra và vận chuyển chất thải độc hại bao gồm các bước đăng ký với cơ quan quản lý, phân tích chất thải và lưu trữ hồ sơ để có thể theo dõi chất thải từ điểm tạo ra cho tới điểm đổ bỏ cuối cùng. Ví dụ, người tạo ra chất thải cần dựa theo một số tính chất nhất định để xác định xem có độc hại không (tính bốc cháy, tính ăn mòn, khả năng phản ứng, độc tính …). Họ cũng có thể phải chịu trách nhiệm lấy được số chứng thư của Hãng và giấy phép cho các phương tiện tạo ra chất thải, sử dụng các container vận chuyển thích hợp và chuẩn bị một đơn khai chuyển hàng (mẫu chuyển hàng) để theo dõi chất thải khi rời địa điểm sinh ra. Trong một số nước, các quy định về giảm, tái chế, xử lý chất thải, yêu cầu những người tạo ra chất thải phải giảm khối lượng chất thải độc hại do họ tạo ra. Các phương pháp giảm chất thải bao gồm: tách biệt chất thải có thể tái chế, thay thế nguyên liệu, thay đổi quá trình công nghệ và thay thế sản phẩm. Yêu cầu đối với những người vận chuyển chất thải độc hại bao gồm lập nhãn chất thải, đóng gói trước khi vận chuyển chất thải. Chúng cũng bao gồm việc theo dõi, báo cáo về bất kỳ một sự đổ thải hay tràn vãi nào xảy ra trong quá trình vận chuyển và xử lý.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật, vận hành quy định về các kỹ thuật thiết kế, xây dựng và bảo trì cũng như các công nghệ kiểm soát ô nhiễm đối với các phương tiện lưu giữ, xử lý và đổ bỏ chất thải độc hại. Chúng cũng đặt ra các yêu cầu đối với các trường hợp khẩn cấp, xử lý đơn khai chuyển hàng, lưu trữ hồ sơ, xử lý và cất chứa chất thải, các container và các thùng chứa các chất thải, giám sát, đóng cửa nơi đổ thải, trách nhiệm tài chính khi xảy ra sự cố trong quá trình vận hành. Các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với các bãi chôn rác và các đơn vị xử lý chất thải trên mặt đất. Chúng đề cập đến các quy định đối với sự đốt và pha trộn chất thải bị cấm như các loại dầu đốt và xử lý các chất thải bị cấm. Chúng cũng quy định mức hoặc phương pháp xử lý để có thể giảm đáng kể độc hại cũng như các phương tiện xử lý, cất chứa, đổ bỏ khác. Các tiêu chuẩn này cũng có thể bao gồm các lệnh cấm tuyệt đối việc thải bỏ trên đất đối với một số chất thải độc hại. Ví dụ: các chất thải lỏng độc hại có lượng lớn, hoặc không đóng trong container bị cấm không được đổ vào bất kỳ một bãi chôn rác nào và có thể có những kiềm chế nghiêm ngặt đối với việc đổ bỏ các chất lỏng không độc hại vào các bãi chôn rác độc hại. Ở một số nước, việc chôn lấp các chất thải có độc tố cao bị cấm hoặc sẽ dần dần cấm hẳn sau một thời kỳ nhất định.

b. Các tiêu chuẩn sản phẩm

Một số nước kiểm soát việc thải bỏ các chất độc hại bằng cách thông qua các tiêu chuẩn và các công cụ kiểm soát sản phẩm. Ví dụ, yêu cầu các tài liệu kỹ thuật đính kèm bản chào bán hóa chất cần bao gồm thông tin về khả năng đổ bỏ hoặc thu hồi ở các giai đoạn sử dụng khác nhau đối với hóa chất đó. Việc chế tạo, bán, nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đổ bỏ chất độc nguy hiểm hoặc một số thuốc trừ sâu có thể bị cấm để ngăn chặn sự ô nhiễm nghiêm trọng hoặc các tác động xấu đối với sức khỏe. Ngoài ra các nhà cầm quyền có thể đặt ra các tiêu chuẩn an toàn cho thuốc trừ sâu và loại khỏi thị trường, kiềm chế việc sử dụng, hoặc từ chối không cho đăng ký các sản phẩm thuốc trừ sâu nếu không đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Họ cũng có thể kiểm soát các phương pháp thải bỏ các hóa chất, hoặc có hành động khẩn cấp để đối phó với các hóa chất hoặc hỗn hợp hóa chất có thể gây ra các nguy cơ sẽ lan truyền rộng gây tổn thương đến sức khỏe và môi trường.

c. Các tiêu chuẩn thải

Các tiêu chuẩn thải quy định mức mà bất kỳ sự thải bỏ các chất thải độc hại nào vào môi trường đều không được vượt quá. Nói chung, mức này trùng hợp với mức do các tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh hiện hành đã quy định.

d. Các loại giấy phép

Ở nhiều nước quy định: Các phương tiện xử lý, lưu chứa và đổ bỏ các chất thải độc hại cần phải tuân theo một hệ thống cấp giấy phép để đảm bảo hoạt động an toàn. Hệ thống cấp giấy phép đảm bảo rằng các phương tiện quản lý chất thải độc hại phải đạt được các tiêu chuẩn đã đặt ra, phần lớn các tiêu chuẩn này được thiết kế để bảo vệ nước ngầm. Ví dụ ở Mỹ, Luật bảo tồn và khôi phục tài nguyên (RCRA) yêu cầu bất kỳ ai liên quan đến việc tạo ra, cất chứa, vận chuyển, xử lý hoặc đổ

bỏ các loại chất thải độc hại đều cần phải được cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia (EPA) hoặc cơ quan của Bang được ủy quyền cấp giấy phép. Các phương tiện xử lý, cất chứa và đổ bỏ chất thải đã được cấp giấy phép phải làm đúng mọi tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật nêu trong luật này. Các đơn vị xin giấy phép cần phải nêu rõ các kế hoạch dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp; các phương pháp phân tích chất thải; thời điểm thanh tra; các quy trình vận hành để ngăn ngừa ô nhiễm tại địa điểm; thiết kế bố trí mặt bằng của nơi đổ thải; công trình kỹ thuật, các biện pháp bảo vệ nước ngầm; các kế hoạch đóng cửa và sau đóng cửa, các container, thùng chứa và lò đốt được dùng tại địa điểm. Luật cũng ủy quyền cho các thanh tra viên của EPA được vào địa điểm để tiến hành thanh tra, lấy mẫu chất thải và kiểm tra, sao chụp lại các hồ sơ. Tại Phần Lan, một cơ sở muốn tiếp nhận các chất thải độc hại sản sinh ra từ bất kỳ nơi nào, để tiến hành tiền xử lý hoặc đổ bỏ, cần phải có giấy phép do chính quyền tỉnh cấp. Các cơ sở sản sinh ra chất thải độc hại hoặc các chất thải khác với một số lượng và chất lượng không giống với các chất thải sinh hoạt do các hộ dân thải ra, thì cần phải dự thảo một kế hoạch quản lý chất thải đệ trình chính quyền tỉnh xét duyệt.

CHƯƠNG 3: CÁC PHƯƠNG PHÁP TRONG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý môi trường phan như thúc (Trang 39 - 42)