Hệ sinh thái môi trường đất

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý môi trường phan như thúc (Trang 111 - 112)

Trên quan điểm về cấu trúc và chức năng của đất, thì tự nó đã là một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Tác nhân sản xuất của đất là những thực vật bậc thấp và vi sinh vật dinh dưỡng, địa y (lichens), tảo (algae), rêu (mosses), còn các tác nhân tiêu thụ và tác nhân phân hủy là các quần thể sinh vật và tổng sinh khối của hệ sinh thái đất nhỏ hơn so với các hệ sinh thái khác tồn tại trên Trái đất.

Các phần vô sinh trong đất là nước, khoáng chất hữu cơ và không khí. Giống như các hệ sinh thái khác, giữa các yếu tố hữu sinh và vô sinh trong đất luôn xảy ra sự trao đổi năng lượng vật chất. Điều này phản ánh tính chức năng của một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Trong điều kiện bình thường, hệ sinh thái đất luôn ổn định và có khả năng tự lập lại cân bằng giữa các quần thể sinh vật đất, còn vòng tuần hoàn vật chất và dòng năng lượng khi có tác động của các nhân tố bên ngoài. Tuy nhiên, sự tự điều chỉnh của hệ sinh thái đất có các giới hạn nhất định, nếu sự thay đổi vượt quá giới hạn này, hệ sinh thái đất mất khả năng tự điều chỉnh và hậu quả là chúng bị ô nhiễm, giảm độ phì và tính năng sản xuất. Do đó, trong thổ nhưỡng học, người ta chia các

nhân tố sinh thái ra làm hai nhóm: nhân tố sinh thái giới hạn và nhân tố sinh thái không giới hạn. Ở trong đất hàm lượng các chất dinh dưỡng, pH, nồng độ muối, các chất độc và nhiệt độ là nhân tố giới hạn đối với cây trồng và quần xã sinh vật đất. Trong khi đó, ánh sáng, địa hình không được xem là nhân tố sinh thái giới hạn đối với sinh vật đất. Sự ô nhiễm môi trường đất là hậu quả các hoạt động của con người làm thay đổi các nhân tố sinh thái vượt quá giới hạn sinh thái của các quần xã sống trong đất. Để kiểm soát được ô nhiễm đất, cần phải biết được giới hạn sinh thái của quần xã sống trong đất với từng nhân tố sinh thái. Xử lý ô nhiễm có nghĩa là điều chỉnh và đưa các yếu tố sinh thái trở về giới hạn sinh thái của quần xã đất. Đây chính là nguyên lý sinh thái cơ bản được vận dụng vào việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất và bảo vệ môi trường. Đất là nguồn tài nguyên quan trọng nhất trong sản xuất nông, lâm nghiệp, ngoài ra con người còn sử dụng đất cho nhiều mục đích khác: nơi ở, đường giao thông, kho tàng và mặt bằng sản xuất công nghiệp. Dân số trên Trái đất ngày một tăng, đòi hỏi lương thực, thực phẩm ngày càng nhiều. Con người đang phải áp dụng những phương pháp mới để tăng mức khai thác tài nguyên đất. Những phương pháp phổ biến là: tăng cường sử dụng các chất hóa học trong nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; sử dụng các chất điều khiển để giảm bớt sự thất thoát mùa màng và thuận lợi cho thu hoạch; sử dụng công cụ và kỹ thuật hiện đại, mở rộng mạng lưới tưới tiêu, v.v..

Tất cả những biện pháp này đều tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái và môi trường đất: làm đảo lộn cân bằng sinh thái do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; làm mất cân bằng dinh dưỡng; gây xói mòn và thoái hóa đất; phá hủy cấu trúc đất và tổ chức sinh học của đất do sử dụng các máy móc hạng nặng; mặn hóa, phèn hóa do tưới tiêu không hợp lý, v.v..

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý môi trường phan như thúc (Trang 111 - 112)