Tiêu chuẩn về chất thải rắn

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý môi trường phan như thúc (Trang 38 - 39)

Tiêu chuẩn quản lý chất thải rắn khác với tiêu chuẩn chất lượng nước hay chất lượng không khí ở chỗ nó không quy định giới hạn các chỉ tiêu tính chất của chất thải rắn, mà là tiêu chuẩn áp dụng cho các khía cạnh của việc quản lý chất thải rắn bao gồm lưu chứa, thu gom, vận chuyển, đổ bỏ chất thải rắn, cũng như quản lý, vận hành, bảo dưỡng các phương tiện. Chúng cũng bao gồm các quy định về giảm thiểu và tái chế chất thải.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật và vận hành liên quan tới việc thu gom chất thải rắn, quy định rõ các loại hình thùng chứa, các địa điểm thu gom các thùng rác và cả số lượng cũng như loại chất thải phải thu gom. Chúng cũng quy định tần suất thu gom (ví dụ, một hoặc hai lần một tuần, tại các khu dân cư), cũng như những yêu cầu đối với chính các xe cộ thu gom. Các tiêu chuẩn cũng bao gồm các yêu cầu về tiếng ồn đối với các xe thu gom và vận chuyển rác, yêu cầu về các cơ cấu nén chất thải đối với các xe tải rác. Một số nơi còn yêu cầu các xe thu gom rác phải đậy kín trong mọi lúc, trừ lúc chất hay dỡ rác, phải được duy trì trong tình trạng tốt và thu gom rác vào ban đêm.

Ở nước ta cho đến nay chưa ban hành các tiêu chuẩn riêng về quản lý chất thải rắn, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các bãi chôn rác. Chỉ có các thông tư, chỉ thị của Nhà nước về quản lý rác thải như:

- Chỉ thị số 199/TTg, ngày 3/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách trong công tác quản lý chất thải rắn ở đô thị và khu công nghiệp.

- Thông tư liên tịch số 1590/1997/TTLT-BKHCNMT-BXD, ngày 17/10/1997 của Bộ KH, CN và MT và Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành chỉ thị số 199/TTg.

- Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 13 tháng 01 năm 2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng về Hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn.

Ở nhiều nước, trong tiêu chuẩn quản lý môi trường còn đưa ra những biện pháp giảm số lượng rác tạo ra, cũng như khuyến khích việc sử dụng lại các vật liệu phế thải. Ở Mỹ chẳng hạn, một số bang có luật yêu cầu bắt buộc cư dân phải uỷ thác thu nhặt lại những vật có thể tái chế tại nơi đổ rác bên lề đường. Một số Bang yêu cầu phải phân loại chất thải từ các hộ thành các loại khác nhau, trước khi thu gom. Chính phủ Pháp quy định phải dùng các vật liệu, nguyên tố hay các nguồn năng lượng nhất định để tạo đìều kiện dễ dàng cho việc khôi phục lại các thành phần vật liệu. Chính phủ cũng có thể yêu cầu các nhà chế tạo và các nhà nhập khẩu sử dụng các vật liệu tận dụng để bảo vệ môi trường hoặc giảm bớt sự thiếu hụt một vật liệu nào đó. Tuy nhiên, việc này cần phải tham khảo và thương lượng nhất trí với các tổ chức nghiệp đoàn trước khi áp đặt các yêu cầu này. Các tiêu chuẩn kỹ thuật và vận hành về chất thải rắn cũng chi phối việc chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng và đóng cửa các phương tiện xử lý chất thải rắn. Ví dụ, ở Mỹ, Luật Bảo tồn và Khôi phục tài nguyên cấm xây dựng các bãi thải hở và yêu cầu các bãi chôn rác đang hoạt động phải được nâng cấp đạt tiêu chuẩn các bãi rác hợp vệ sinh trước một ngày nào đó. Những sửa đổi gần đây đối với Luật Bảo tồn và Khôi phục tài nguyên cho phép phát triển các tiêu chuẩn các bãi rác hợp vệ sinh; chúng bao gồm các hệ thống phát hiện rò rỉ (đối với những bãi đổ rác trên đất), giám sát nước ngầm, những hạn chế về địa điểm và các hành động sửa chữa.

Những sửa đổi này cũng cho phép có các quy định cấm xây dựng các bãi chôn rác ở những nơi có môi trường nhạy cảm. Ở Pháp, các tiêu chuẩn kỹ thuật đề cập tới bố trí mặt bằng địa điểm, cảnh quan, kiểm soát và quản lý nước cặn bãi rác, quản lý các khí lên men, kiểm soát nước chảy tới để tránh sự xâm nhập của các chất thải công nghiệp ra các vùng xung quanh bãi chôn rác, cũng như kiểm soát việc hậu khai thác bãi chôn rác.

Các loại giấy phép quản lý chất thải rắn:

Các loại giấy phép được cấp cho các loại phương tiện sử dụng trong thu gom, đổ thải và xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt, để đảm bảo công tác thải bỏ chất thải an toàn. Ở Anh, Luật kiểm soát ô nhiễm năm 1974 cho phép thiết lập một hệ thống cấp giấy phép toàn diện cho việc đổ bỏ chất thải rắn. Luật này coi việc đổ, chứa các chất thải gia đình, thương mại, công nghệ trên đất hoặc việc sử dụng các nhà máy đổ bỏ rác thải không có giấy phép là một hành động vi phạm pháp luật.

Các giấy phép về địa điểm đổ bỏ chất thải chỉ có thể được cấp, nếu như giấy phép quy hoạch cần có địa điểm này đã có hiệu lực. Chúng có thể phải tuân theo các điều kiện do các cơ quan quản lý đổ bỏ chất thải quy định và có thể bao gồm các hạng mục như: thời hạn của giấy phép; sự giám sát bởi người giữ giấy phép; loại và số lượng chất thải, các phương tiện xử lý chất thải; các biện pháp đề phòng cần có; những công việc thích hợp cho việc giải quyết chất thải; và các công việc cần phải hoàn thành trước khi các hoạt động được phép bắt đầu, hoặc trong khi các hoạt động đó tiếp diễn.

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý môi trường phan như thúc (Trang 38 - 39)