Ngày 10/10/1994 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) đã ký quyết định số 232/TĐC-QĐ thành lập Ban kỹ thuật TCVN/TC 207 về quản lý môi trường. Ban kỹ thuật TCVN/TC 207 đã cử đại diện tham gia 2 kỳ họp của ISO/TC 207 tại Na Uy (1995) và Brazil (1996) để thảo luận về ISO 14000.
Ngày 5/2/1996, tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Bureau Veritas International tổ chức hội thảo giới thiệu bộ ISO 14000 cho các nhà quản lý môi trường và chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Từ ngày 5/3 đến 13/3/1997 tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức khóa đào tạo về bộ Tiêu chuẩn ISO 14000 (đào tạo đánh giá viên HTQLMT) do Cục Tiêu chuẩn Singapore và tổ chức RIET thực hiện.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng với Cục Môi trường (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) đã phối hợp chấp nhận một số tiêu chuẩn của bộ ISO 14000 và ban hành thành Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), đó là:
- TCVN ISO 14001/1997 - Hệ thống quản lý môi trường - Quy định các hướng dẫn áp dụng; - TCVN ISO 14004/1997 - Hệ thống quản lý môi trường - Hướng dẫn chung về các nguyên tắc, hệ thống và kỹ thuật hỗ trợ;
- TCVN ISO 14010/1997 - Hướng dẫn đánh giá môi trường - Các nguyên tắc chung;
- TCVN ISO 14011/1997 - Hướng dẫn đánh giá môi trường - Quy trình đánh giá - Đánh giá hệ thống quản lý môi trường;
- TCVN ISO 14012/1997 - Hướng dẫn đánh giá môi trường - Tiêu chuẩn năng lực đối với các đánh giá viên về môi trường.
Ngày 28 tháng 7 năm 2006 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 1696/QĐ- BKHCN về việc ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có các tiêu chuẩn về ISO như sau:
- TCVN ISO 14001:2005 (ISO 14001:2004) - Hệ thống quản lý môi trường. Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng;
- TCVN ISO 14004:2005 (ISO 14004:2004)- Hệ thống quản lý môi trường. Hướng dẫn chung về nguyên tắc, hệ thống và kỹ thuật hỗ trợ;
- TCVN ISO 14024:2005 (ISO 14024:1999) - Nhãn môi trường và công bố môi trường. Ghi nhãn môi trường kiểu I. Nguyên tắc và thủ tục.
Việc chứng nhận phù hợp với ISO 14001 cũng đang được chuẩn bị về mặt tổ chức cũng như về mặt cán bộ và nghiệp vụ. Áp dụng bộ ISO 14000 có thể sẽ đòi hỏi các cơ sở sản xuất/công ty phải dành phần chi phí để thiết lập Hệ thống QLMT và đào tạo cán bộ. Tuy nhiên, khi áp dụng chúng, chắc chắn bộ ISO 14000 sẽ mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và bảo vệ môi trường.