(Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Puno, Peru)

Một phần của tài liệu Noi san nguoi vietttel tet quy ty (Trang 43 - 45)

Từ khi bắt đầu nghe thông tin Tập đoàn Viettel trúng thầu đầu tư kinh doanh vào Peru tôi đã vô cùng hào hứng và hồi hộp đón chờ. Đây là công ty Việt Nam (quê hương của vợ tôi) đầu tiên đến Peru (Vợ anh Roberto là chị Quỳnh Dao – một trong 3 người Việt Nam sinh sống tại Peru trước khi Viettel đến - NV). Vì thế, rất tự nhiên, tôi tự coi mình là “người nhà”, nhận nhiệm vụ tuyên truyền quảng cáo, đả thông tư tưởng… tham gia đặt nền móng đầu tiên cho Viettel ở Puno. Sát cánh với các bạn Việt Nam tính đến nay đã là 1 năm 3 tháng, vui có, buồn có, khó khăn vất vả nhiều và chúng tôi cũng đã bước đầu nhìn thấy thành quả lao động của mình…

Tôi vẫn nhớ những lần đón các bạn Việt Nam ngỡ ngàng ở ga… Các bạn đều lạ nước lạ cái, không biết lấy một câu tiếng Tây Ban Nha. Tôi vẫn nhớ những bữa cơm đầu tiên, vợ chồng tôi thấy sao mà thương thế khi nhìn các bạn trệu trạo không nuốt nổi thứ cơm Peru cứng nhắc nấu với dầu và muối. Tôi vẫn nhớ đã nhiều lần phải nấu nước coca cho các bạn uống để trị chứng đau đầu do chênh lệch độ cao (Juliaca – thủ phủ của Puno nằm trên độ cao 3800m so với mực nước biển - NV). Để có thể hiểu nhau chúng tôi đã phải vẽ ra giấy, khoa chân múa tay, làm điệu bộ, hò hét đủ kiểu, và dĩ nhiên vốn sống 20 năm với người vợ Việt Nam đã giúp tôi rất nhiều trong việc giao tiếp với họ.

Chúng tôi từ hai nền văn hóa khác nhau, nói hai thứ tiếng khác nhau cuối cùng đã học được cách hiểu nhau: Ra lệnh, nhận mệnh lệnh, to tiếng và cả tâm sự với nhau nữa. Điều tôi khâm phục là tính kỷ luật của các bạn Việt Nam, đặc biệt là việc tuân thủ mệnh lệnh cấp trên. Thậm chí, tôi đồ rằng, nếu cấp trên ra lệnh, họ sẵn sàng liều mình san phẳng quần thể Machu Picchu của chúng tôi để xây trạm anten của mình. Tất nhiên, và chắc chắn, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng đó là hình tượng đủ để có thể mô tả sự phục tùng mệnh lệnh cấp trên của các đồng nghiệp Việt Nam. Họ cũng rất dũng cảm khi không hề sợ hãi rét buốt tới -20 độ trên độ cao 4000m so với mực nước biển, không sợ những cơn gió cắt da cắt thịt của thảo nguyên Andina, không sợ sấm sét, mưa đá, vẫn đi tới tất cả các hang cùng ngõ hẻm ở Puno để phát triển mạng lưới và giới thiệu với người dân về Viettel. Trong quá trình làm việc, chúng tôi thỉnh thoảng có bất đồng. Để xoa dịu, anh Đào Văn Giang (Giám đốc chi nhánh Puno – NV) thường tự tay pha cho tôi một cốc cà phê G7 mà tôi cực thích, và rồi chúng tôi lại bắt tay làm hòa.

Nói đến chuyện bếp núc thì các bạn Việt Nam là những đầu bếp chính cống. Các món ăn của họ đều có cùng màu sắc, mùi vị rất đắc trưng và đặc biệt hấp dẫn vì họ đều chế biến từ thực phẩm tươi sống. Thoạt tiên, chúng tôi rất ngạc nhiên và thích thú xem các bạn ở chi nhánh, toàn đàn ông con trai nhưng biết thịt lợn, làm gà, chăm chú nêm nêm, chặt chặt. Rồi cả một bàn đầy thức ăn được bày ra. Có lần các bạn ấn cho tôi một bát tiết canh, ban đầu tôi nhìn thấy rất sợ, nhưng vì nể mọi người nên tôi cố gắng nếm. Nhưng hóa ra, món ăn này cũng rất ngon, mát lạnh, lại thêm vị bùi của lạc rang, miếng sụn giòn giòn cùng các loại rau thơm thơm, hăng hắc. Món này đặc biệt ngon khi bạn uống cùng một ly Red Label. Trong các cuộc nhậu của chúng tôi chẳng bao giờ thiếu thứ wishky mác đỏ này,

và nó đã làm nên thương hiệu của người Viettel ở đây. Thoạt tiên một đồng chí đứng lên chúc tôi: "Anh Ro, chúc sức khỏe! salud! Trăm phần trăm!” rồi uống gọn. Sau khi chờ tôi cạn cốc, anh ta bắt tay tôi thật chặt, sau lại lần lượt các đồng chí khác cũng chúc y như vậy. Mãi sau tôi mới để ý, khi tất cả các bạn Việt Nam, mỗi người chỉ uống có một cốc thì tôi đã phải cạn 5, 7 cốc rồi. Tất nhiên trong trận chiến này tôi bao giờ cũng là kẻ chiến bại trước các bạn Việt Nam vừa giỏi giang vừa mưu trí ấy. Mỗi lần nhậu là một lần cánh đàn ông chúng tôi được dịp dạy cho nhau nhiều thứ, rồi chúng tôi khoác vai nhau hò hát và những trận cười làm rung chuyển cả văn phòng chi nhánh.

Cuối tuần chúng tôi thường tổ chức những trận giao hữu bóng đá: Việt nam – Peru. Sân cỏ là nơi duy nhất san phẳng mọi khác biệt về văn hóa, mọi bất đồng về ngôn ngữ, mọi mâu thuẫn trong công việc. Ở đấy chúng tôi thực sự là những người bạn thân thiết của nhau. Tôi không thể quên một lần, khi đang tranh bóng, đáng lẽ một đồng nghiệp Việt nam phải huých cho tôi một phát và gạt bóng vào lưới thì bạn lại quay lại ôm chầm lấy tôi, và chúng tôi cũng ngã lăn ra sân cỏ và cùng cười vang…

Chỉ một ngày rất gần đây thôi, những trạm anten đầu tiên của Puno sẽ phát sóng, chúng tôi chờ đón nó như chờ đón đứa con đầu lòng. Vẫn biết đấy chưa phải là tất cả để có thể chiếm lĩnh được thị trường viễn thông Peru đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của chúng tôi - và muôn vàn khó khăn vẫn còn bày ra trước mắt. Nhưng tôi tin rằng công ty Viettel Peru của chúng tôi sẽ vượt qua tất cả. Chúc các bạn Việt nam của tôi chân cứng đá mềm, thêm nhiều nghị lực để hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Anh Roberto (thứ hai từ phải sang) thăm Lăng Bác ở Việt Nam

“Vệ binh

Một phần của tài liệu Noi san nguoi vietttel tet quy ty (Trang 43 - 45)