“Tương tác” hiểu như thế nào?

Một phần của tài liệu Khảo sát và đánh giá một số kỹ năng tương tác trong tổ chức của sinh viên khoa sư phạm trường đại học tiền giang (Trang 43 - 44)

7 Cấu trúc nội dung Luận văn

2.1.1 “Tương tác” hiểu như thế nào?

Trong ba nhóm kỹ năng tổ chức nêu trên thì nhóm kỹ năng tương tác hướng vào đối tượng là con người, cốt lõi của nhóm kỹ năng này là các kỹ năng giao tiếp: giao tiếp trong nhóm (kỹ năng làm việc trong nhóm), với khách hàng (kỹ năng phục vụ khách hàng), với cấp trên cấp dưới (kỹ năng lãnh đạo). Còn kỹ năng giao tiếp được liệt kê trong nhóm này thì được hiểu là các kỹ năng giao tiếp cơ bản (kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, kỹ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ).

Trong các nghiên cứu về giao tiếp, thuật ngữ “tương tác” có thể được dùng chỉ một mức độ của giao tiếp nhưng cách hiểu có khác nhau. J. Payne và D. Carlin (2001) cho rằng giao tiếp tương tác là giao tiếp trong nhóm nhỏ: “Giao tiếp tương tác xảy ra trong bối cảnh mà ở đó có hai người hay nhiều hơn tham gia vào hoạt động trao đổi thông điệp. Một cuộc đàm thoại, một cuộc phỏng vấn, một cuộc thảo luận nhóm nhỏ - tất cả đều là các ví dụ của giao tiếp tương tác. Nhóm lớn nhất cho phép giao tiếp tương tác xảy ra trong số tất cả các thành viên là từ 10 đến 14 người”, và phân biệt với giao tiếp giữa một người với một nhóm người (person-to-group) là giao tiếp giữa diễn giả và khán giả [50, tr.23]. T. Gamble và M. Gamble (1999) cho rằng tương tác (interpersonal communication) là giao tiếp giữa một người với một người, khác với giao tiếp trong nhóm nhỏ (small-group) là giao tiếp giữa một người với một vài người [41, tr.6]. Thế nhưng, nhóm kỹ năng tương tác trong danh sách các kỹ năng tổ chức nêu trên không có sự phân biệt mức độ tương tác chỉ trong một nhóm đồng nghiệp, hay một nhân viên với một cấp trên trực tiếp, hoặc một nhân viên với một tập hợp khách hàng rộng rãi.

Theo M. Friend và L. Cook (1992) người ta sử dụng nhiều kiểu tương tác với nhau như là cạnh tranh, thỏa hiệp, hoặc hợp tác. Hợp tác là một kiểu tương tác có các đặc

điểm như: tự nguyện, bình đẳng, có mục tiêu chung và chia sẻ trách nhiệm trong các quyết định chung. Hợp tác là một xu hướng xã hội và nhu cầu xã hội dẫn đến sự thay đổi trong các nhà trường. Việc xây dựng nhà trường hợp tác với các đặc trưng là tăng cường khả năng của giáo viên tham gia trong các quyết định về giáo dục và các học sinh học tập hợp tác thay vì cạnh tranh là hết sức có ý nghĩa. Sự tương tác hợp tác trong nhà trường thể hiện rất rõ trong hoạt động thảo luận của các đội nhóm và trong tiến trình tham vấn trong nhà trường [38, tr.5-32]. Như vậy, các kỹ năng tương tác trong tổ chức cũng được hiểu là được định hướng theo kiểu tương tác hợp tác và các kỹ năng này phần lớn được thể hiện rất rõ nét trong môi trường hoạt động nhóm nhỏ.

Một phần của tài liệu Khảo sát và đánh giá một số kỹ năng tương tác trong tổ chức của sinh viên khoa sư phạm trường đại học tiền giang (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)